'Cuộc cách mạng một - cọng - rơm' – cảnh giới thiền trong nông nghiệp
Cuốn sách này và tác giả của nó - một nhà nông hiền triết, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới, Mansanobu Fukuoka - đã quá nổi tiếng với những ai yêu nông nghiệp, yêu cuộc sống một cách tự nhiên, chân thành và nhuần nhị. Cuốn sách được tiên sinh Fukuoka viết vào mùa xuân năm 1986, lần tái bản ở Việt Nam gần nhất cũng đã cách đây 7 năm, bởi vậy 'cẩm nang' chỉ đường tới cảnh giới thiền trong nông nghiệp này, sẽ còn mới mẻ với nhiều người.
Cuốn sách đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới, dày 257 trang, chia làm 5 chương và không có tiêu đề cho mỗi chương mà chỉ có những câu chuyện tuần tự. Chương I là hành trình của chàng thanh niên Fukuoka đi tìm mục đích và chân lý sống cho bản thân, bắt đầu từ việc “Hãy nhìn hạt lúa này”, để thấy “Không gì cả”, nên “Trở về quê”, với mục tiêu “Tiến tới nghề nông không - làm - gì cả”, muốn vậy phải “Trở về nguồn cội”, mới hiểu được “Một lý do khiến nông nghiệp tự nhiên chưa được lan rộng”, đúc kết lại là “Con người không hiểu tự nhiên”. Chỉ duy chàng thanh niên bỏ phố về quê ấy hiểu và sớm đúc kết được chân lý rằng: “Tự nhiên không thay đổi, mặc dù cách nhìn tự nhiên không ngừng biến đổi từ thời đại này sang thời đại khác. Nhưng dù ở thời đại nào đi chăng nữa, làm nông tự nhiên vẫn mãi tồn tại như là ngọn nguồn của nông nghiệp”.
Chương 2, tác giả đã thành công với mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên, nơi mà cánh đồng có “... chuồn chuồn, bướm ngài bay nhộn nhịp. Ong mật vù vù bay từ hoa này sang hoa khác. Vạch lá cây bạn sẽ thấy bọn côn trùng, nhện, ếch, thằn lằn và nhiều con vật nhỏ khác đang ngược xuôi trong bóng mát. Chuột chũi và giun đất thì đào hang dưới mặt đất. Đó là cánh đồng lúc cân bằng sinh thái... Bệnh trên cây cối quét qua vùng này không phải là chuyện lạ, nhưng mùa màng trên những cánh đồng của tôi không bị ảnh hưởng”. Đó là không gian của tĩnh tại và chiêm nghiệm, hiểu được “Bốn nguyên tắc của nông nghiệp tự nhiên”, để có thể “Làm nông giữa vùng cỏ dại” - “Làm nông với rơm” - “Trồng lúa trên đồng cạn”, thử nghiệm với “Cây ăn quả” - “Đất vườn”, thưởng thức thành quả “Trồng rau như kiểu cây mọc hoang” một cách nguyên thủy.
Chúng ta chắc chắn từng được ngắm nhìn và khám phá cả một hệ sinh thái trên cánh đồng tuổi thơ ấy. Còn tại thời điểm này, chỉ biết ao ước. Dù có hào hứng check-in trên những cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao được phủ bởi nhà lưới, nhà kính hay các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ - mà ở đó không thể không có sự can thiệp của con người lên đất đai, cây cỏ, côn trùng, bò sát, thì khi đọc những dòng miêu tả của Fukuoka, ký ức cũng không khỏi nhộn nhạo.
Và, Fukuoka đã chỉ cho chúng ta thấy vì sao những khao khát tự nhiên ấy luôn phản ứng lại những điều được coi là tiến bộ, là thành tựu của khoa học, công nghệ - mà thực chất là con người đang cố chống lại tự nhiên, cố cải tạo tự nhiên một cách khiên cưỡng. Đó là lý do đưa ra “Những điều kiện cho việc từ bỏ hóa chất” đến “Các hạn chế của phương pháp khoa học”.
Chương 3, đó là cách thức đưa sản phẩm nông nghiệp thuần tự nhiên từ đồng ruộng, trang trại đến người tiêu dùng và bài toán kinh tế. Tất cả đều được Fukuoka bóc tách, phân tích một cách chi li dưới minh triết của... một nông dân với đầy đủ luận chứng, luận cứ của cả một hành trình lao động trên cánh đồng và trang trại của mình. Ông không cố khuyên bảo, không cố biện luận mà từng câu, từng chữ, từng cọng rơm, hạt lúa, trái táo đang chỉ đường cho cả một nền nông nghiệp quay về với khởi thủy: “Chỉ cần phục vụ tự nhiên và thế là mọi sự tốt đẹp cả”.
Chương 4 và 5, đó là cách chúng ta tiếp cận tự nhiên và hòa với tự nhiên trong một quy luật tuần hoàn bất biến - thông qua thực phẩm. Bởi, “nói về việc làm nông tự nhiên nên cần quan tâm tới thực phẩm tự nhiên”. Fukuoka sẽ đưa chúng ta về với sự hoàn nguyên của ẩm thực. Mỗi loại thực phẩm đều có chỗ đứng của nó theo sự phân công của tạo hóa, như tháng 1 có cá chép, hàu, ếch, rau cải bó xôi; tháng 12 sẽ có cá tra, cá đối, mực ống, củ cải tráng, khoai lang, hành lá... Đó là lúc chúng ta biết mình “Mơ hồ về thức ăn”. Cũng phải thôi, khi cố lai tạo ra những thứ rau, củ, quả trái vụ; khi chúng ta cố gắng tính toán khẩu phần dinh dưỡng một cách “khoa học” chẳng hạn, đó là lúc chúng ta “cách ly con người ra khỏi tự nhiên”, nó đồng nghĩa với việc tạo ra “nỗi sợ hãi thiên nhiên”. Bệnh tật cũng từ thâu nạp những thứ trái quy luật tự nhiên ấy vào người. Trong khi “con người ta chỉ cần sống với cội nguồn của mọi thứ là đã thấy có ý nghĩa và có sự thỏa mãn căn bản rồi”.
Khép lại cuốn sách, ta thấy rằng Fukuoka không chỉ viết về nông nghiệp, ông quan sát, thực hành và chiêm nghiệm thế giới qua lăng kính của nông nghiệp để tìm ra chân lý của cuộc sống - vĩ đại mà giản đơn.
Cũng có thể cảm nhận về cuốn sách như ta đang nghe một bản nhạc thiền vậy, để cái hữu hạn của nhận thức hòa mình vào cái vô hạn của vũ trụ. “Thế giới này đã từng đơn giản. Ta hiếm khi để ý trong lúc đi ngang qua ta bị ướt vì quệt phải những giọt sương, trong lúc đang thơ thẩn trên đồng cỏ. Nhưng kể từ lúc người ta quyết định giải thích giọt sương này một cách khoa học, họ đã tự đặt bẫy mình trong địa ngục khôn cùng của trí năng”. Bởi “tự nhiên không bao giờ có thể được thấu hiểu hoặc cải tạo”, hãy nên “hòa làm một với tự nhiên”, như cái cách trả lại rơm tươi cho đất sau khi đất đã cho con người hạt lúa vậy - đừng cố biến rơm thành phân mùn một cách thừa thãi vô ích.
Và, ta sẽ hạnh phúc đến ngỡ ngàng khi hiểu được rằng “mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người”.