Cuộc cách mạng tiền đề cho thế hệ vươn mình
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nhấn mạnh, trong các đột phá chiến lược của Đảng, xác định phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. 'Phải chăm lo đào tạo để 20 năm nữa, chúng ta có thế hệ thanh niên rất trí tuệ, bản lĩnh để đưa đất nước phát triển như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm', ông Phúc nói.
Con người là trung tâm của sự phát triển
Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, Tổng Bí thư Tô Lâm có nhắc đến “thế hệ vươn mình” - những đứa trẻ sinh ra trong giai đoạn hiện nay, hướng tới tương lai tươi sáng hơn trong 20 năm tới. Ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương, định hướng này của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm?
Quan điểm nhất quán của Đảng, là vì con người, lấy con người là trung tâm, là nguồn lực của sự phát triển. Trong 3 đột phá chiến lược Đảng đặt ra, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng. Giải quyết vấn đề tăng tỷ lệ sinh, sau đó chăm lo, đào tạo, huấn luyện… để 20 năm nữa, chúng ta có thế hệ thanh niên rất tầm vóc, rất trí tuệ, rất bản lĩnh, tiếp cận được với thời đại, với thế giới thì mới đưa đất nước phát triển được.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu dự Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029, tháng 12/2024. Ảnh: Như Ý
“…Dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước sẽ là cột mốc quan trọng mà đất nước ta hướng tới với niềm tự hào và kỳ vọng. Trên chặng đường 20 năm tiếp theo hướng tới cột mốc đó, chúng ta cùng chia sẻ chung một khát vọng: xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam bản lĩnh, tiến bộ, xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về thể chất và đậm đà bản sắc văn hóa, đủ sức tự tin sánh vai cùng bạn bè quốc tế, góp phần đưa đất nước vươn tới hùng cường và phát triển”.
Trích bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm
Nghĩ tới điều này, chúng ta nhớ về nội dung bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh cả nước dịp tháng 9/1945: Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Đảng ta luôn xác định, thanh niên là rường cột của nước nhà.
Những tiền đề

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: Tư liệu
Như ông vừa nói, chúng ta cần chăm lo cho thế hệ trẻ để họ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, hướng tới tương lai tươi sáng hơn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mới đây, Bộ Chính trị cũng quyết định miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT trên toàn quốc. Đây có lẽ cũng là một điều khuyến khích, giảm gánh nặng cho các gia đình để họ có dự định sinh thêm con, chăm lo cho con cái, thưa ông?
Thực ra, vấn đề miễn học phí đã có ở miền Bắc thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám. Hồi đó, chúng tôi đi học không phải đóng học phí, thậm chí còn nhận được học bổng hằng tháng. Sau này, khi phát triển kinh tế - xã hội, do nhiều điều kiện, chúng ta phải đặt lại vấn đề về thu học phí. Nhưng hiện nay, khi đất nước phát triển, có nguồn lực thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện chủ trương miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến cấp THPT. Tôi nghĩ rằng, có thể chúng ta nên mở rộng hơn nữa, tiến tới miễn phí học phí cho cả cấp đại học.

Tổng Bí thư Tô Lâm trò chuyện với các đại biểu về dự chương trình gặp mặt đại biểu thế hệ trẻ trong Quân đội vào ngày 18/12/2024. Ảnh: Nguyễn Minh
“Khoảng thời gian từ 2025 đến 2045 chỉ còn đúng 20 năm. Những em bé được sinh ra trong quãng thời gian này sẽ là lớp thanh - thiếu niên của thế hệ mới, là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam phát triển hưng thịnh. Để hướng tới năm 2045 với tầm nhìn về một Việt Nam phát triển toàn diện, việc định hướng phát triển con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành ưu tiên chiến lược”.
Trích bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm
Thực tế, học phí của các cấp học từ mầm non đến THPT không quá lớn, nhưng học phí cấp đại học thì nhiều. Nhiều học sinh học giỏi, vào được đại học, nhưng gia đình không có điều kiện, thành ra phải đi làm thêm, vừa học vừa làm, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Việc miễn học phí từ mầm non đến THPT là một bước tiến, nhưng miễn học phí cho bậc đại học còn là bước tiến lớn hơn nữa. Đặc biệt, có thể xem xét miễn học phí cho các ngành đào tạo mũi nhọn, đột phá như về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo… Phải có chế độ đặc biệt thì mới đào tạo người tài được.
Một vấn đề nữa, chúng ta đang sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính trên phạm vi cả nước, tạo động lực mới để phát triển, hướng tới hai mục tiêu trọng đại, 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). Những công việc lớn đang triển khai nói trên, dường như cũng đang tạo tiền đề, điều kiện tốt đẹp nhất để thế hệ trẻ phát triển?
Cần phân tích về cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy, là để lựa chọn ra bộ máy tối ưu, có khả năng vận hành tốt, hiệu quả, hiệu lực. Muốn vậy, phải lựa chọn được cán bộ tốt để “lắp” vào bộ máy đó để vận hành. Hiện nay, ngoài hai yếu tố đó, chúng ta cần ứng dụng về khoa học, công nghệ để tạo động lực phát triển. Chúng ta cũng đang triển khai sắp xếp địa giới hành chính các địa phương trên cả nước, sáp nhập một số tỉnh, thành phố, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã, hướng tới tạo không gian phát triển mới. Mỗi tỉnh, mỗi xã cần có đủ các điều kiện về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, dư địa phát triển. Một tỉnh thường phải có khoảng ít nhất 3 triệu dân, chứ như trước đây, có những tỉnh chỉ có mấy trăm nghìn dân, không thể phát triển được.
Khi các tỉnh, các địa phương phát triển, đất nước mới phát triển được. Trước đây, chỉ có rất ít địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, còn lại chỉ đủ dùng, thậm chí ngân sách nhà nước phải hỗ trợ. Sáp nhập rồi, mỗi tỉnh, địa phương sẽ mạnh lên, đất nước sẽ mạnh lên, tăng được nguồn thu, đóng góp cho ngân sách. Số tiền chúng ta tiết kiệm được khi tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ được ưu tiên cho phát triển, ưu tiên cho đầu tư an sinh, xã hội, mà trong đó có đầu tư cho con người, cho thế hệ trẻ; ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, tạo động lực phát triển, hướng tới chăm lo cho nhân dân…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuoc-cach-mang-tien-de-cho-the-he-vuon-minh-post1738050.tpo