Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và vai trò dẫn dắt của cán bộ cấp chiến lược
TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng cán bộ cấp chiến lược phải là hạt nhân, lực lượng truyền cảm hứng, dẫn dắt cả hệ thống thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18 NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, những kết quả về tinh gọn bộ máy và giảm biên chế chưa đáp ứng yêu cầu đề ra và thực tiễn cuộc sống.
"… Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...", đây là một trong những thực trạng được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập tại bài viết "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".
Trước thực trạng này, Tổng Bí thư quán triệt khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để đạt được các mục tiêu chiến lược trong thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa.
Quyền lực và lợi ích - "nút thắt" trong tinh giản bộ máy
TS Nguyễn Văn Đáng - Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhìn nhận, các nội dung được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư nhận được nhiều sự chú ý, bàn luận tích cực, và kỳ vọng về những bước tiến đột phá liên quan đến đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta trong thời gian tới.
Ông Đáng cho rằng, sự đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.
"Tuy nhiên, những thành tố bộ phận, cơ chế vận hành, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, trong khi các điều kiện của đất nước có nhiều thay đổi", ông Đáng đánh giá.
Vị chuyên gia phân tích, hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay vẫn còn quá cồng kềnh, nhiều tầng, nấc, nhiều đầu mối. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân gia tăng.
Tình trạng này dẫn đến nhiều hậu quả, cả trước mắt và lâu dài. "Hậu quả dễ thấy nhất là nỗi vất vả, tốn nhiều thời gian của người dân và doanh nghiệp mỗi khi phải thực hiện các quy định quản lý của Nhà nước. Tiếp đến là sự tốn kém ngân sách để bảo đảm hoạt động cho cả bộ máy, hiện tại việc trả lương và chi thường xuyên hàng năm chiếm đến 70% ngân sách", ông Đáng nói.
Bên cạnh đó, sự chồng chéo, không rõ trách nhiệm và thẩm quyền cũng dẫn đến nguy cơ gây đùn đẩy trách nhiệm, hoặc nghiêm trọng hơn là "lấn sân", "bao biện làm thay", cản trở, thậm chí vô hiệu hóa lẫn nhau giữa các đơn vị.
Những hậu quả kể trên tác động tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả, khả năng linh hoạt đáp ứng nhu cầu, sự chủ động, sáng tạo, cũng như sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị. Và theo như Tổng Bí thư, nếu không quyết liệt thực hiện sự thay đổi có tính cách mạng thì những hạn chế của hệ thống chính trị có thể cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển.
Chia sẻ về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá, thời gian qua chúng ta đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18 NQ/TW của Trung ương khi tinh giản 10% biên chế sự nghiệp công lập.
Song, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc thực hiện tinh giản ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị vẫn mang tính chất cào bằng.
"Quy định từ trên xuống dưới đều áp dụng chung, các cơ quan, tổ chức, đơn vị nào cũng tinh giản 10%, mà không tính tới ở cấp xã chỉ có một người làm một nhiệm vụ thì không thể tinh giản được. Hay ở cấp phòng, ban của cấp huyện có ba người, nếu tinh giản còn hai thì không đủ thực hiện nhiệm vụ. Điều này xảy ra tương tự ở các cấp sở, ngành", ông Hòa nêu thực tế.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng nhắc đến thực trạng chưa tinh giản được tổ chức bộ máy là các cấp trung gian dẫn đến chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.
Ngoài ra, theo ông Hòa, Việt Nam có các tổ chức hội đặc thù được hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước và được ngân sách Nhà nước chi trả theo đơn đặt hàng, thậm chí các hội đặc thù có sử dụng biên chế của Nhà nước. Chúng ta có bộ máy cồng kềnh cũng do như vậy.
Nói về gốc rễ của việc tinh giản bộ máy, TS Nguyễn Văn Đáng nhận định, đó là quá trình thu gọn, cắt giảm đơn vị, tổ chức, giảm về con người.
"Thực chất, liên quan đến hai vấn đề căn cốt là quyền lực và lợi ích của các chủ thể bị ảnh hưởng, từ cá nhân cho đến từng đơn vị, tổ chức. Từ đó chi phối đến tiến trình chúng ta thực hiện, chậm là vì lý do này. Chưa kể đến chuyện khác biệt về quan điểm, cách thức triển khai, có nên làm hay không, rồi liên quan đến vấn đề tình cảm con người", TS Nguyễn Văn Đáng nói.
Đồng thời, theo ông Đáng, những quy định, thể chế chồng chéo, phức tạp không thể giải quyết "một sớm một chiều" bởi việc sắp xếp đơn vị hành chính là quyết định của Quốc hội.
Một nguyên nhân nữa khiến công tác tinh giản bộ máy chưa đạt hiệu quả được là nhận thức, hiểu biết trong quá trình thực hiện. "Chúng ta không thể bê một mô hình ở đâu về để áp dụng được. Chúng ta phải vừa làm, vừa tính trong hàng chục năm qua", ông Đáng nói.
Hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị
Để đất nước có thêm động lực trong kỷ nguyên mới, TS Nguyễn Văn Đáng khẳng định, cần quyết liệt hiện đại hóa hệ thống chính trị theo phương châm của Tổng Bí thư đề ra là "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", đáp ứng các tiêu chí quản trị quốc gia hiện đại trong thế kỷ 21.
"Đó phải là những thay đổi mạnh mẽ trên quy mô tổng thể để có thể tạo ra những chuyển biến rõ rệt so với hiện nay về chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị", ông Đáng nói.
Cụ thể, những kết quả từ sự thay đổi liên quan đến hệ thống chính trị phải thể hiện thành sự cải thiện tích cực trên một số tiêu chí căn bản như: hiệu lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; khả năng tập hợp, đoàn kết xã hội của Mặt trận Tổ quốc; năng lực đại diện của các tổ chức chính trị - xã hội…
Soi chiếu vào nội dung của Nghị quyết số 18 NQ/TW, ông Đáng nêu rõ, để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta phải sớm triển khai một nhiệm vụ được đề ra là: đến năm 2030, hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới.
Nội dung này tương ứng với một công tác trọng tâm được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập: "Xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới".
Về lý thuyết, TS Nguyễn Văn Đáng cho biết, để xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị thì trước hết cần nhận biết được những đặc điểm khái quát nhất về: hệ thống bộ máy tổ chức; thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mỗi chủ thể; cơ chế hoạt động và nguyên tắc vận hành của cả hệ thống.
Cùng đó là những quy định cụ thể để điều chỉnh mọi hành động của các chủ thể, cũng như các mối quan hệ, cả theo chiều ngang và chiều dọc, giữa các thành tố tạo nên hệ thống chính trị.
"Việc thiết kế mô hình tổng thể cho hệ thống chính trị phải bám sát, phản ánh hệ giá trị xã hội chủ nghĩa và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", chuyên gia góp ý.
Một vấn đề căn bản nữa cần được quan tâm khi thiết kế mô hình hệ thống chính trị, theo ông Đáng là bộ máy tổ chức, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến các địa phương.
Yêu cầu đặt ra là tinh gọn về quy mô đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, và phân cấp, phân quyền rõ ràng.
"Song hành với thiết kế bộ máy tổ chức, việc xử lý mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước cũng chính là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Theo đó, các quy định thể chế không chỉ phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn phải giảm thiểu nguy cơ lấn sân, bao biện làm thay vai trò quản lý của Nhà nước", ông Đáng nói.
TS Nguyễn Văn Đáng lưu ý, để xây dựng mô hình hệ thống chính trị cần sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao cùng sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, các trí thức tinh anh.
Nhiều nhóm, nhiều cơ quan có thể thiết kế mô hình tổng thể với những ưu điểm, hạn chế, từ đó để chọn mô hình tối ưu và hoàn thiện nó.
"Mỹ là một trong những quốc gia thành công trong việc xây dựng mô hình quản trị quốc gia. Thông qua hội nghị kéo dài vài tháng từ cuối thế kỷ 18, họ đã tranh luận, thiết kế và triển khai mô hình đó. Tôi nhấn mạnh khung khổ tổng thể mà Nghị quyết số 18 đã vạch ra, nếu không bắt đầu từ cái tổng thể thì chúng ta sẽ bị sa đà vào cái vụn vặt", ông Đáng nói.
Đề cao tầm quan trọng của mô hình hệ thống chính trị, song ông Đáng cũng đặc biệt qua tâm đến vai trò của đội ngũ cán bộ. Bởi một hệ thống được thiết kế tốt đến đâu mà con người không đảm bảo thì khó có thể vận hành.
"Nhóm cán bộ cấp chiến lược phải là hạt nhân, là lực lượng truyền cảm hứng, dẫn dắt cả hệ thống, cả bộ máy. Bên cạnh đó là nhóm công chức, viên chức phải bảo đảm được năng lực chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao", TS Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh.
Một nhóm hoạch định chính sách và một nhóm thực hiện chính sách. Trong đó, hoạch định chính sách phải "đúng và trúng", còn thực hiện phải tốt theo chính sách đã đề ra.
Nhà nghiên cứu thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tin tưởng, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.