Cuộc cách mạng trồng lúa tại Tiền Giang

Trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đồng loạt trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp. Đề án này tuy mới thực hiện cách nay hơn 1 tháng nhưng nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ nông dân. Đây được đánh giá là một dấu mốc quan trọng của việc chuyển đổi trong sản xuất lúa theo phương thức truyền thống sang công nghệ, nâng cao chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Nhiều nông dân đến xem trình diễn mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).

Nhiều nông dân đến xem trình diễn mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).

Tiền Giang là một trong những địa phương trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 190.000 ha; trong đó, diện tích đất trồng lúa trên 54.000 ha (chiếm 28,7% diện tích). Tuy nhiên, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp nên việc sản xuất lúa cần thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) là một trong 3 hợp tác xã được ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang chọn để thí điểm canh tác lúa theo mô hình giảm phát thải thấp.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh Nguyễn Thanh Quang cho biết, hợp tác xã được Ủy ban nhân dân xã Bình Tân giao quản lý, vận hành và điều tiết 2 trạm bơm nước phục vụ cho diện tích khoảng 200 ha.

Với vai trò đại diện cho nông dân địa phương trong thực hiện đề án, hợp tác xã quyết tâm sẽ triển khai sản xuất đúng quy trình; tổ chức ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, bảo đảm an toàn chất lượng hạt gạo. Đặc biệt, hợp tác xã cùng là đầu mối đại diện cho nông dân liên kết đầu vào và đầu ra, bảo đảm lợi nhuận cho xã viên và nông dân.

Sản xuất lúa là thế mạnh của huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), với diện tích khoảng 7.800 ha, tổng sản lượng lúa hàng năm trên 151.000 tấn. Thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, từ nay đến năm 2030, huyện sẽ trồng 7.300 ha lúa nước với hơn 16.800 hộ tại 12 xã, thị trấn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, huyện sẽ triển khai thực hiện đúng lộ trình để đạt hiệu quả cao, chất lượng, mang lại lợi ích tối ưu cho nông dân. Trong đó, ngành Nông nghiệp địa phương chú trọng giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với sản xuất truyền thống; 100% diện tích lúa tham gia đề án phải ứng dụng quy trình sản xuất bền vững như: “1 phải, 5 giảm”, ngập khô, xen kẽ… và được cấp mã số vùng trồng.

Ngoài ra, huyện cũng đặt mục tiêu có 100% diện tích trồng lúa đều có sự liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong đề án đạt trên 80% diện tích, trên 16.000 hộ dân áp dụng quy trình canh tác bền vững. Địa phương cũng phấn đấu tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%, rơm trên đồng ruộng được thu gom và chế biến đạt 100%, tỷ suất lợi nhuận cho người trồng lúa đạt trên 50%.

Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, tỉnh Tiền Giang đã đăng ký diện tích thực hiện đến năm 2030 là 29.500 ha. Đề án này được triển khai tại 7 huyện, thị, thành của tỉnh gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Cai Lậy và thành phố Gò Công. Tổng nguồn vốn đề xuất cho toàn dự án hơn 481 tỷ đồng.

Đề án trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Tiền Giang đã mang lại hiệu quả tích cực.

Đề án trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Tiền Giang đã mang lại hiệu quả tích cực.

Để đi vào thực hiện đề án, Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã triển khai 3 mô hình “Thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” trong vụ đông xuân 2024-2025, với diện tích khoảng 60 ha tại xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè), xã Bình Tân (huyện Gò Công Tây) và xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông).

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, bà con nông dân cần thay đổi phương thức sản xuất, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ sức khỏe, môi trường. Khi áp dụng theo quy trình sản xuất này, nông dân sẽ giảm được số lượng phân bón, sâu bệnh và phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, bảo vệ sức khỏe của chính bản thân nông dân và môi trường. Nông dân cần nghiên cứu chuyển đổi theo hướng liên kết từ đầu vào đến đầu ra. Các địa phương phải có giải pháp để củng cố, nâng chất hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn, đặc biệt là bà con nông dân cần tích cực tham gia vào hợp tác xã để đề án được triển khai sâu rộng và hiệu quả.

Có thể khẳng định, việc triển khai thành công đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” là một cuộc “cách mạng” cho người trồng lúa.

Xác định được tầm quan trọng đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng yêu cầu ngành Nông nghiệp địa phương phải tăng cường áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa bảo đảm sản xuất bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; quy trình xử lý rơm rạ, chuyển giao cho hộ nông dân, hợp tác xã. Đồng thời, ngành Nông nghiệp phải xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn cho các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức của nông dân. Một trong những công việc quan trọng là tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cần huy động, tiếp cận nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính các-bon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới để tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo; áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành. Đồng thời, công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách và lợi ích của việc thực hiện đề án cũng phải tập trung nhằm nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm cho các cấp, các ngành.

NGUYỄN SỰ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cuoc-cach-mang-trong-lua-tai-tien-giang-post853702.html