Cuộc cạnh tranh Bắc Cực với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO
Khi NATO tăng cường sức mạnh thông qua các quốc gia Bắc Âu, Nga có nhiều lý do để xích lại gần Trung Quốc hơn trong bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị ở Bắc Cực nóng lên. Trong một thế giới đầy rẫy những kình địch và cạnh tranh địa chính trị, Hội đồng Bắc Cực là một diễn đàn gồm 8 thành viên từng làm việc trong sự hòa hợp thầm lặng, bao gồm cả Nga với dân số lớn nhất ở đó.
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, 7 quốc gia còn lại trong Hội đồng bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Canada và Mỹ đã từ chối hợp tác với Nga khiến công việc của Hội đồng tê liệt. 2 sự kiện dường như tách bạch liên quan đến Bắc Cực - khu vực phía trên Vòng Bắc Cực bao gồm Bắc Băng Dương và Bắc Cực ở trung tâm - diễn ra trong những tuần gần đây đã nhấn mạnh điều đó.
Đầu tiên, tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Gerald R Ford dừng lại ở Oslo trên đường tham gia cuộc tập trận của NATO vào tháng 6, lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở khu vực trong hơn 6 thập kỷ. Tiếp theo, vào đầu tháng 7, tàu thăm dò phá băng Tuyết Long 2 (Xue Long 2) của Trung Quốc đã khởi hành từ Thượng Hải khi Trung Quốc khởi động sứ mệnh Bắc Băng Dương lần thứ 13. Các nhà nghiên cứu trên tàu Tuyết Long 2 sẽ làm việc với các nhà khoa học Nga và Thái Lan để lập bản đồ địa chất biển của Bắc Cực cùng nhiều hoạt động khác.
Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp 4 lần so với mức trung bình toàn cầu và 7 năm qua là 7 năm nóng nhất được ghi nhận trong khu vực. Khoảng 1.419.000 km2 băng trên biển đã tan kể từ năm 1979, diện tích băng bị mất tương đương gần 1/2 diện tích Ấn Độ. Một số người cho rằng mùa Hè ở Bắc Cực có thể không có băng vào đầu năm 2035.
Các sông băng tan chảy ở Bắc Cực không chỉ khiến cái gọi là “hành lang Tây Bắc” từ châu Âu đến châu Á mở ra trong nhiều tháng hơn trong năm cho hoạt động hàng hải thương mại mà chúng còn mở ra khả năng khai thác Bắc Cực để đến được “vùng đất vàng” với cá tuyết, khoáng sản quý hiếm và nhiên liệu hóa thạch - những điểm thu hút vốn thúc đẩy tranh chấp ở vài nơi khác.
Và, bởi vì không ai từng nghĩ băng sẽ tan, hoặc ít nhất không sớm như vậy, nên không có đủ quy tắc quốc tế để quy định ai sở hữu cái gì và ở đâu.
Vào năm 2007, Nga đã cắm quốc kỳ ở một khu vực quan trọng dưới đáy Bắc Băng Dương như thể khẳng định chủ quyền của mình đối với khu vực này. Điều đó khiến mọi cường quốc để mắt đến khu vực mà Nga muốn kiểm soát vì đủ loại lý do chiến lược.
Đây cũng là lý do tại sao Trung Quốc, có đường bờ biển dài 1.500 km về phía Nam của biển Bắc Cực, tuyên bố mình là một quốc gia gần Bắc Cực” và đảm bảo vị thế quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực, cùng với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ, nước thậm chí còn nằm xa hơn về phía Nam.
8 quan sát viên khác trong Hội đồng đều là các quốc gia châu Âu và là thành viên của NATO, ngoại trừ Thụy Sĩ trung lập. Do đó, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO bổ sung thêm 2 lực lượng quân sự hùng mạnh trong khu vực có khả năng hoạt động tốt trong điều kiện băng giá.
Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của NATO và khả năng phối hợp tác chiến mở rộng đã gây sức ép to lớn lên Nga, quốc gia có phần lớn diện tích đất đai nằm ở lục địa châu Á cho dù nền chính trị của nước này hiện đang gắn chặt hơn với châu Âu. Hội nghị Thượng đỉnh NATO gần đây ở Vilnius, Litva đã đưa lập trường mạnh mẽ hơn của NATO ở Bắc Cực.
Cả Phần Lan và Thụy Điển đều được coi là các quốc gia Bắc Cực. Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp khối này giành quyền kiểm soát biển Baltic và giúp liên minh chiếm thế thượng phong ở khu vực Bắc Cực - các cửa ngõ chiến lược đối với Nga. Biên giới Phần Lan - Nga kéo dài hơn 1.300 km từ Bắc xuống Nam.
Vùng liên kết Bắc Cực - Đại Tây Dương, nơi 5 quốc gia Bắc Âu tọa lạc, kết nối Bắc Băng Dương với Đại Tây Dương và nhìn ra lục địa Bắc Mỹ và châu Âu. Trung Quốc coi các nước Bắc Âu là điểm cuối phía Tây của Con đường tơ lụa vùng Cực.
Câu chuyện không chỉ là về NATO, Nga và Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã đầu tư khai thác năng lượng và tài nguyên khoáng sản ở Bắc Cực và đã thiết lập một trạm cố định ở đó. Nước này đã thực hiện chuyến vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên từ khu vực của Nga ở Bắc Cực vào tháng 5/2019.
Bên cạnh sự phụ thuộc sâu sắc vào Nga về vũ khí và quyền phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với các vấn đề nhạy cảm như Kashmir, một lí do lớn khác để New Delhi sát cánh với Moscow là lợi ích của mình ở Bắc Cực. Đồng thời, các lợi ích cạnh tranh ở Bắc Cực tạo thêm một điểm xích mích nữa trong quan hệ Trung - Ấn. Phát biểu tại Viện Brookings có trụ sở tại Washington, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc Mike Gilday cho rằng các tuyến thương mại giữa châu Á và châu Âu về cơ bản sẽ thay đổi do sự xói mòn của chỏm băng ở hai cực và vì vậy Bắc Cực hiện trở thành khu vực cạnh tranh mà chúng ta phải cân nhắc sâu hơn.
Về phần mình, Trung Quốc đang đẩy mạnh ở Bắc Cực - vấp phải sự phản đối của Mỹ và ngày càng nhiều hơn từ NATO. Năm 2018, Viện nghiên cứu vùng cực của Trung Quốc đã cố gắng mua một sân bay ở Lapland, Phần Lan. Thỏa thuận này được cho là đã bị Phần Lan hủy bỏ dưới sức ép của Mỹ. Vào tháng 7 vừa qua, Viện này cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm một thiết bị nghe dưới nước mà sẽ được triển khai trên diện rộng ở Bắc Băng Dương. 2 năm nữa Trung Quốc cũng sẽ hạ thủy một trong những tàu phá băng lớn nhất trên thế giới.