Kiến nghị mỗi lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt bia rượu không quá 3 - 5%

Trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, Ban soạn thảo cần cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp, ngành hàng và lợi ích cuối cùng của sắc thuế, đồng thời cần xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây 'sốc' cho doanh nghiệp. Đây là kiến nghị của các doanh nghiệp ngành bia, rượu nước giải khát tại Hội thảo 'Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)'.

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo lộ trình với rượu trên 20 độ từ 65% hiện tại lên 100% vào 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ từ 35% sẽ lên 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 65% lên 100%.

LỘ TRÌNH TĂNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT TỪ NĂM 2026 ĐẾN 2030

+ Rượu trên 20 độ: từ 65% lên 80% rồi 100%
+ Rượu dưới 20 độ: từ 35% lên 50% rồi 70%
+ Bia các loại: từ 65% lên 80% rồi 100%.

Đóng góp vào dự thảo này, đại diện Heineken Việt Nam cho rằng biểu thuế TTĐB đang có sự bất hợp lý khi rượu có nồng độ cồn dưới 20% chỉ chịu mức thuế TTĐB 35%, trong khi bia với nồng độ cồn dưới 12% lại phải nộp thuế TTĐB đến 65%. Do vậy, doanh nghiệp đề xuất nên tính toán lại các mức thuế suất theo hướng: nồng độ cồn cao thì chịu thuế suất cao hơn.

ĐỀ XUẤT MỨC THUẾ SUẤT TTĐB THEO NỒNG ĐỘ CỒN CÓ TRONG SẢN PHẨM

- Bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống: 65%
- Bia có nồng độ cồn trên 5,5% đến dưới 15%: 70%
- Bia có nồng độ cồn trên 15%: 75%

Doanh nghiệp cũng kiến nghị cần xem xét để có lộ trình tăng thuế hợp lý, mỗi lần tăng không quá 3 - 5%.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, ngành rượu bia đang “khó chồng khó” khi thời gian qua chịu tác động của 4 Luật lớn: Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thương mại, Luật quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường... cũng như Nghị định 100 về tăng cường kiểm soát nồng độ cồn trước đó.

Từ đó, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận đều bị sụt giảm báo động. Đơn cử như Heineken Việt Nam bị sụt giảm lượng tiêu thụ đến hai con số trong năm 2023 và phải vừa đóng cửa 1 nhà máy ở Quảng Ngãi.

Vì vậy, trước đề xuất tăng được xem là “sốc” nhất chưa từng có trong lịch sử tăng thuế TTĐB, Hiệp hội kiến nghị nên lùi thời gian có hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

Các báo cáo cho thấy trong 10 năm (2005-2015), thuế tiêu thụ đặc biệt tăng gấp đôi song tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia trên tổng dân số lại tăng gấp 10 lần. Do đó, một số ý kiến cho rằng thuế chưa phải là giải pháp hữu hiệu để giảm tiêu thụ rượu bia. Từ đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng lợi - hại, tác động của việc tăng thuế bởi có thể gây quá sức chịu đựng của doanh nghiệp trong ngành bia rượu và chuỗi ngành hàng liên quan như nhà hàng, khách sạn...

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Huyền - Thanh Nga - Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kien-nghi-moi-lan-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-bia-ruou-khong-qua-3-5-228717.htm