Cuộc cạnh tranh giữa hai vườn thú của Berlin trong Chiến tranh Lạnh

Một cuộc cạnh tranh có một không hai đã xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa hai vườn thú ở Đông và Tây Đức với vũ khí chính là... động vật.

Vườn thú Tierpark tại Đông Đức năm 1965. Ảnh: Getty Images

Vườn thú Tierpark tại Đông Đức năm 1965. Ảnh: Getty Images

Trong Chiến tranh Lạnh, nước Đức bị chia cắt thành hai quốc gia: Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) liên minh với các nền dân chủ phương Tây và Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) liên kết với Liên Xô. Thủ đô Berlin một thời của Đức cũng rơi vào cảnh bị chia hai và được phân tách ranh giới bằng Bức tường Berlin năm 1961.

Trong quá trình Đông Đức và Tây Đức tái thiết hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai, một “chiến trường” kỳ lạ đã xuất hiện, đó là vườn thú.

Câu chuyện của hai vườn thú

Giáo sư sử học Hope Harrison tại Đại học George Washington (Mỹ), cho biết: “Chiến tranh Lạnh diễn ra ngay trong một thành phố, hai bên chọc tức nhau, có nguy cơ xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ ba mỗi khi có căng thẳng giữa Đông và Tây”. Hai nửa thành phố cạnh tranh để giành lấy tài nguyên và vườn thú cũng bị lôi vào cuộc.

Rất lâu trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, động vật và thiên nhiên giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa Đức. Vào thế kỷ 19, những nhà thám hiểm như anh em nhà Humboldt được tôn vinh vì các khám phá về thế giới tự nhiên. Vào cuối thế kỷ 18 và 19, Chủ nghĩa lãng mạn Đức đề cao thiên nhiên như một con đường dẫn đến sự hiểu biết về bản thân. Giáo sư Harrison nói: “Khi nước Đức bị chia cắt, cả hai bên đều muốn nắm lịch sử đó và biến thành lợi thế của mình. Đó là lý do Đông Đức không muốn Tây Berlin có sở thú duy nhất. Đông Đức phải có sở thú riêng để tiếp tục di sản Đức của mình”.

Nhà báo Đức J. W. Mohnhaupt, tác giả cuốn "The Zookeepers’ War" xuất bản năm 2019, cho biết Vườn thú Berlin ở Tây Đức là vườn thú đa dạng sinh học nhất trên thế giới ở thời điểm đó. Nó được thành lập vào năm 1844 và là vườn thú lâu đời nhất ở Đức. Công trình này đã bị hư hỏng nặng nề do bom của quân Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chỉ có 91 trong số 2.000 con vật của vườn thú sống sót sau chiến tranh. Tây Đức đã xây dựng lại Vườn thú Berlin trông giống như trước chiến tranh. “Kiến trúc của vườn thú này là một di tích từ thế kỷ 19”, ông Mohnhaupt nhận xét.

Trong khi Vườn thú Berlin là vườn thú lâu đời nhất ở Đức thì Tierpark (Tierpark Berlin) ở Đông Đức lại là vườn thú lớn nhất châu Âu. Nó mở cửa vào năm 1955 sau khi phân chia Berlin thành Đông và Tây. Tierpark Berlin được xây dựng trên đống đổ nát của Cung điện Friedrichsfelde bị bỏ hoang.

Các chuồng thú được thiết kế hiện đại và mới mẻ, trái ngược hoàn toàn với vườn thú nhỏ và kiểu cũ tại Tây Đức. Việc ra mắt khu dành cho các loài họ mèo lớn như sư tử, báo… rộng 4.650 mét vuông tại Tierpark Berlin vào năm 1963 đã được báo chí Đông Đức quảng bá là “cơ sở động vật hiện đại nhất trên thế giới”.

Ngay cả việc xây dựng Tierpark Berlin cũng phản ánh các giá trị của CHDC Đức. Do thiếu nhân công và vật tư, người dân đã tự mình giúp đỡ xây dựng vườn thú. Ông Mohnhaupt nói: “Họ mang gạch và động vật đến rồi còn trồng cây”.

Ngoại giao động vật

Giám đốc Vườn thú Berlin Heinz-Georg Klos. Ảnh: Getty Images

Giám đốc Vườn thú Berlin Heinz-Georg Klos. Ảnh: Getty Images

Thay vì tích trữ vũ khí, Giám đốc Heinz-Georg Klos của Vườn thú Berlin và Heinrich Dathe ở Tierpark Berlin lại thu gom động vật. Cả hai vườn thú đều có gấu, biểu tượng của Berlin.

Năm 1962, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi đó là Robert F. Kennedy đã tặng một con đại bàng đầu trắng cho Vườn thú Berlin. Ông đặt tên nó là “Willy Brandt” theo tên Thị trưởng Tây Berlin. Con đại bàng mắc nhiều bệnh và qua đời chỉ hai năm sau khi đặt chân đến Berlin. Cái chết của nó được giấu kín với công chúng. Và khi chú gấu trúc Tjen Tjen của Tây Berlin, một món quà từ Trung Quốc, chết năm 1983, có tin đồn rằng cơ quan tình báo Liên Xô KGB đã giết nó. Trên thực tế, con gấu trúc chết vì nhiễm virus.

Trong quãng thời gian 1/4 thế kỷ mà cả ông Dathe và Klos cùng làm giám đốc các vườn thú, vào cuối những năm 1980, ông Klos mang về một số con voi mới và mở một chuồng voi. Voi là tài sản quý giá trong vườn thú và giờ ông Klos có nhiều voi hơn ông Dathe. Ông Dathe đã đến buổi khánh thành chuồng voi mới. Nhà báo Đức J.W. Mohnhaupt kể lại rằng khi ông Dathe chỉ trích những con voi trông hơi yếu ớt, ông Klos đã đạt đến giới hạn kiên nhẫn của mình và hai người đàn ông lao vào xô xát ngay giữa những con voi.

Ông Heinrich Dathe (trái). Ảnh: Getty Images

Ông Heinrich Dathe (trái). Ảnh: Getty Images

Nhà sử học Mieke Roscher cho biết vào đầu những năm 1980, vườn thú là điểm đến giải trí phổ biến nhất Đông Đức, đón 16 triệu du khách mỗi năm. Số lượng người tham quan vườn thú này tương đương dân số của CHDC Đức. Đối với cả người dân Tây Đức và Đông Đức, thăm vườn thú mang lại trải nghiệm hoài niệm với giá cả phải chăng để kết nối với thế giới tự nhiên và cuộc sống bên ngoài thành phố.

Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, đã có nhiều tranh luận về việc vườn thú nào sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, cả hai vườn thú đều không bị ngưng hoạt động và tồn tại song hành và có chung một giám đốc.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo History)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-canh-tranh-giua-hai-vuon-thu-cua-berlin-trong-chien-tranh-lanh-20240214135713959.htm