Cuộc chạy đua định vị trang trại để tuân thủ chính sách chống phá rừng của EU

Các nhà cung cấp hàng hóa nông nghiệp và nông dân trên khắp 6 lục địa đang chạy đua lập bản đồ định vị trang trại để tuân thủ Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).

Tuy nhiên, hàng triệu nông dân nhỏ lẻ đang có nguy cơ bị loại bỏ khỏi thị trường EU do thiếu nguồn lực xác minh chính xác vị trí sản xuất hoặc do chưa nắm bắt các yêu cầu của EUDR.

Nhân viên của Công ty công nhệ dữ liệu Meridia Land dùng thiết bị định vị GPS và ứng dụng trên máy tính bảng để lập bản đồ trang trại cà phê ở làng Ngarip thuộc tỉnh Lampung của Indonesia. Ảnh: Bloomberg

Nhân viên của Công ty công nhệ dữ liệu Meridia Land dùng thiết bị định vị GPS và ứng dụng trên máy tính bảng để lập bản đồ trang trại cà phê ở làng Ngarip thuộc tỉnh Lampung của Indonesia. Ảnh: Bloomberg

Tác động đến 110 tỉ đô la thương mại hàng hóa nông nghiệp mỗi năm

EUDR được thiết kế nhằm chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn tình trạng xói mòn đa dạng sinh học. Theo đó, đến cuối năm nay, các công ty lớn kinh doanh 7 mặt hàng nông nghiệp chính: cà phê, ca cao, đậu nành, dầu cọ, bò, cao su và gỗ cũng và các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng sẽ phải chứng minh rằng chuỗi cung ứng của họ không làm sản xuất trên đất bị phá rừng sau năm 2020, dù hợp pháp hay bất hợp pháp.

Điều này có nghĩa là mọi hạt cà phê, thịt bò, khúc gỗ, cùng với những sản phẩm phái sinh như chocolate, lốp xe và sách, sẽ cần phải có khả năng truy xuất nguồn gốc ở cấp trang trại, nếu không, sẽ bị EU áp dụng các hình phạt nặng.

EUDR có nguy cơ gây ra những tác động sâu rộng đối với doanh số thương mại hàng hóa nông nghiệp trị giá 110 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu xuất khẩu sang EU mỗi năm. EUDR sẽ ảnh hưởng đến hơn 55 nước mỗi năm xuất khẩu trung bình ít nhất 100 triệu đô la hàng hóa nông nghiệp sang EU. Tác động sẽ phụ thuộc vào loại hàng hóa nông nghiệp mà họ xuất khẩu, ai mua chúng và liệu có đủ nguồn lực để lập bản đồ trang trại cũng như cung cấp tất cả các thủ tục giấy tờ cần thiết hay không.

Nghĩa vụ tuân thủ EUDR sẽ là gánh nặng lớn cho ngành trồng cà phê, vốn ít liên quan đến nạn phá rừng hơn dầu cọ, bò, hoặc đậu nành. Điều này là do hoạt động sản xuất cà phê phụ thuộc nhiều hơn vào hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ ở trên hàng chục nước. Rất nhiều người trong số họ sẽ thiếu phương tiện và năng lực để chứng minh họ tuân thủ EUDR.

EUDR đã vấp phải sự phản đối của các nước, trong đó có Indonesia, nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới và là nước đóng góp chính vào nạn phá rừng. Jakarta đã bày tỏ lo ngại về cách tiếp cận “một kích cỡ phù hợp cho tất cả” của EU, có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế của nước này cách loại bỏ nông dân sản xuất nhỏ khỏi khối thương mại lớn nhất thế giới. EU cam kết giải quyết các lo ngại và đảm bảo triển khai thành công EUDR thông qua một quỹ hỗ trợ 70 triệu euro dành cho các hộ sản xuất nhỏ ở các nước đối tác thương mại.

Tuy nhiên, EUDR cũng đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhóm ngành kinh doanh như nhà rang xay cà phê, nhà sản xuất sàn gỗ, công ty in ấn sách báo và nông dân. Các nước bao gồm Úc đã yêu cầu trì hoãn thực thi EUDR cho đến khi các bên liên quan hiểu rõ các yêu cầu của quy định này. Các thương nhân đổ lỗi EUDR là nguyên nhân khiến giá ca cao tăng vọt và cảnh báo về khả năng thiếu hụt ca cao ở châu Âu.Một số nước thành viên EU cũng lo ngại nông dân và doanh nghiệp không có đủ thời gian để chuẩn bị tuân thủ EUDR.

Các đại diện của Dimitra, công ty sử dụng vệ tinh, blockchain và trí tuệ nhân tạo để theo dõi chuỗi cung ứng, gặp gỡ nông dân của một hợp tác xã sản xuất cà phê ở Honduras để bàn kế hoạch hỗ trợ lập bản đồ trang trại. Ảnh: Bloomberg

Các đại diện của Dimitra, công ty sử dụng vệ tinh, blockchain và trí tuệ nhân tạo để theo dõi chuỗi cung ứng, gặp gỡ nông dân của một hợp tác xã sản xuất cà phê ở Honduras để bàn kế hoạch hỗ trợ lập bản đồ trang trại. Ảnh: Bloomberg

Cuộc chạy đua định vị trang trại

Hiện tại các chính phủ, doanh nghiệp và hợp tác xã nông dân trên khắp thế giới đang chạy đua định vị địa lý các trang trại để chứng minh họ không liên quan đến nạn phá rừng.

Indonesia có hơn 1 triệu nông dân trồng cà phê và cũng là nước xuất khẩu số lượng đáng kể 5 trong số 7 mặt hàng nông nghiệp được điều chỉnh theo EUDR.

Ở làng Ngarip thuộc tỉnh Lampung của Indonesia, gần đây, nông dân trồng cà phê Wiyono đã thuê Công ty công nhệ dữ liệu Meridia Land (Hà Lan) khảo sát và lập bản độ mảnh đất trồng cây cà phê hàng chục năm tuổi. Quá trình lập bản đồ mất khoảng 20 phút, bao gồm việc thu thập tọa độ bằng cây cột có gắn thiết bị định vị GPS và ứng dụng trên máy tính bảng. Các quan chức EU cho rằng việc chứng minh vị trí chính xác của các trang trại có thể được thực hiện dễ dàng bằng ứng ụng trên điện thoại thông minh. Vì vậy, đối với các hộ sản xuất nhỏ, đây không phải là vấn đề lớn.

Thực tế đang trở nên phức tạp hơn với nhiều nông dân sống ở các khu vực không có kết nối internet và không được cung cấp đầy đủ thông tin về EUDR.

Honduras, một quốc gia ở Trung Mỹ, đứng thứ ba về mức độ phải tuân thủ EUDR nhiều nhất. Honduras, có nền kinh tế trị giá 30 tỉ đô la Mỹ dựa vào xuất khẩu hàng dệt may, cà phê và dầu cọ. Khoảng một nửa sản lượng lượng cà phê xuất khẩu của nước này là sang EU. Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 đô la Mỹ/năm, đây là một những nước nghèo nhất ở Tây bán cầu.

Tuy nhiên, theo Viện Cà phê Honduras (IHCAFE), hầu hết nông dân Honduras chưa sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của EUDR. IHCAFE chỉ có 120 chuyên gia để hỗ trợ 120.000 nông dân chuẩn bị tuân thủ EUDR. Vì vậy, có rủi ro cao là nhiều nông dân Honduras mất khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.

“Chúng tôi đang làm việc chạy đua với thời gian để hỗ trợ nông dân”, Celso Alvarado, điều phối viên khu vực của IHCAFE, nói.

Gần đây, Alvarado đã giúp kết nối hợp tác xã Comisuyl gồm 120 nông dân trồng cây cà phê chất lượng cao với Dimitra, công ty sử dụng vệ tinh, blockchain và trí tuệ nhân tạo để theo dõi chuỗi cung ứng. Dimitra trang trải chi phí lập bản đồ tại các trang trại của hợp tác xã Comisuyl. Công ty cho biết, chưa đến 20% nông dân Honduras sẵn sàng tuân thủ EUDR vì những lý do như thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc.

Đại đa số trong số 12 triệu nông dân trồng cà phê trên khắp thế giới vẫn chưa nắm bắt các quy định chống phá rừng của EU, theo David Browning, CEO của tổ chức phi lợi nhuận Enveritas. Việc truy nguồn cung đến tận trang trại có thể là một nhiệm vụ khó khăn.

Hàng triệu trang trại chờ lập bản đồ

Đối với Ethiopia, cà phê là nguồn doanh thu xuất khẩu số một của và EU là khách hàng hàng đầu của nước này, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Ethiopia có ít nhất 2 triệu nông dân trồng cà phê, với 40% sống dưới mức nghèo khổ. Các khu đất trồng cà phê nhỏ của nước này đôi khi sản xuất vài bao cà phê trong một năm. Sau đó, chúng được xử lý thông qua một chuỗi môi giới và trộn lẫn, khiến việc truy xuất nguồn gốc càng khó khăn hơn. Trước khi rời cảng xuất khẩu, một lô hàng cà phê của Ethiopia có thể đến từ hàng nghìn trang trại.

Liên minh Hợp tác xã nông dân trồng cà phê vùng Oromia ở Ethiopia đang tìm cách lập bản đồ khoảng 5.000 trang trại của các thành viên với chi phí khoảng 4 đô la mỗi trang trại. Dù vậy, liên minh hợp tác xã này đang tìm kiếm các thị trường thay thế như Saudi Arabia, Trung Quốc và Nga.

Tại một tòa nhà ở thành phố Amsterdam của Hà Lan, Thomas Vaassen, đồng sáng lập Meridia Land, có nhiệm vụ giám sát quá trình xác minh dữ liệu thực địa tốn nhiều công sức từ hơn 35 nước và lập bản đồ các trang trại ở Indonesia, Bờ Biển Ngà và Ghana.

Công ty này cũng nhận thấy nhu cầu tăng cao từ một số thương hiệu tiêu dùng và thương mại lớn nhất như Unilever, Mondelez International Cargill. Số lượng khách hàng đã tăng gấp đôi kể từ khi EUDR công bố vào cuối năm 2021. Hàng hàng triệu trang trại khác trên khắp thế giới đang chờ Meridia Land tiến hành lập bản đồ. Vaassen ước tính, khoảng một nửa số trang trại trên thế giới cần tuân thủ EUDR có thể chưa được lập bản đồ.

Theo Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cuoc-chay-dua-dinh-vi-trang-trai-de-tuan-thu-chinh-sach-chong-pha-rung-cua-eu/