'Cuộc chạy đua vaccine COVID-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia'
Sáng 12/1, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn thế giới thường niên chủ đề 'Cuộc chạy đua Vaccine COVID-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia' nhằm thảo luận, trao đổi các vấn đề về tác động vai trò của vaccine COVID-19 đến quan hệ quốc tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam giữa bối cảnh đại địch.
Đây là một trong những chuỗi sự kiện khoa học kết nối giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà quản lý trên cả nước nhằm trao đổi, phản biện, kiến nghị chính sách liên quan đến chủ đề trên.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh cho biết, đại dịch COVID-19 là nguồn gây mất an ninh phi truyền thống lớn nhất về y tế và kinh tế. Việc chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng vaccine làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng mới có động lực lây nhiễm và gây tử vong mạnh hơn. Trong khi đó, cạnh tranh giữa các nước lớn là nguồn gây mất an ninh truyền thống toàn cầu.
Bàn về cuộc chạy đua giữa nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine phòng COVID-19 và sự xuất hiện các biến chủng mới của SARS- CoV-2, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện Y học Dự phòng quân đội cho biết, hiện trên thế giới đã có 4 công nghệ tạo Vaccine COVID-19 khả năng sản xuất đại trà nhanh hơn và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp phòng dịch tốt hơn như: Vaccine virus bất hoạt; vaccine dưới đơn vị; vaccine vector virus; vaccine RNA. Hiện nhiều nước đang cố gắng sản xuất vaccine chạy đua với virus biến chủng trong đó có virus sinh “biến chủng” và virus chạy theo biến chủng. Giải pháp tình thế hiện nay là “tiêm thêm một mũi” (“tăng cường” bằng loại vaccine khác hoặc “nhắc lại” bằng loại vaccine cũ đã tiêm) với kỳ vọng tăng hiệu quả kháng thể bảo vệ và “phổ rộng” hơn với các biến chủng đang lưu hành.
Chia sẻ chính sách ngoại giao vaccine COVID-19 của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, các quốc gia phát triển trên thế giới đã có rất nhiều các chính sách đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine. Các nước này còn chủ động ký hợp đồng đặt mua trực tiếp với các cơ sở nghiên cứu, đồng thời hỗ trợ chi phí cho các hoạt động nghiên cứu. Không những vậy, việc nghiên cứu, phát triển hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ sẽ tạo ra các loại vaccine, góp phần trở thành nguồn lực, lợi thế cho Việt Nam trong quá trình ngoại giao vaccine nhằm gây ảnh hưởng và tạo ra mối quan hệ hợp tác song phương giữa các quốc gia, đồng thời giảm sự lệ thuộc vào nguồn vaccine quốc tế vốn đã khan hiếm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn khuyến nghị, thời gian tới Việt Nam cần tái cơ cấu quỹ vaccine phòng COVID-19 với phương hướng tăng cường cơ cấu chi tiêu cho các hoạt động nghiên cứu phát triển vaccine và thuốc phòng COVID-19, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển vaccine theo hướng tăng lên về quy mô, số lượng các công trình nghiên cứu và chất lượng các nghiên cứu để tạo ra vaccine phòng COVID-19 càng sớm càng tốt. Hoàn thiện cơ chế chính sách ngoại giao vaccine, không những tìm kiếm thêm các nguồn cung qua quan hệ hợp tác giữa các quốc gia phát triển mà còn tham gia biếu tặng vaccine, thuốc chữa, vật liệu y tế cho các quốc gia khác nhằm gia tăng ảnh hưởng và tăng cường sự gắn kết giữa các quốc gia.
Diễn đàn có 2 phiên chính: Phiên 1: Cuộc chạy đua Vaccine COVID-19 và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn trên thế giới. Phiên 2: Ảnh hưởng của cuộc chạy đua Vaccine COVID-19 đối với các nước đang phát triển và Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia của nhiều bộ, ngành và địa phương đã thảo luận các vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, vai trò thay đổi của các nước lớn trên thế giới xung quanh vấn đề sản xuất và phân phối vaccine; chính sách ngoại giao vaccine của Việt Nam và hàm ý đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới.