Cuộc chia tay sóng gió
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ sau 2 ngày 'sóng gió' của chính trường nước Anh khi có tới hơn 50 quan chức rời chính phủ
Cuối cùng, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ sau 2 ngày "sóng gió" của chính trường nước Anh khi có tới hơn 50 quan chức rời chính phủ, khiến quyền lực chính trị của thủ tướng suy giảm nghiêm trọng.
Phát biểu tại Phố Downing ngày 7/7, ông Johnson khẳng định quyết định từ chức vì lợi ích của đảng và đất nước bởi giờ đây mong muốn của đảng Bảo thủ là có một nhà lãnh đạo mới, một thủ tướng mới.
Ông Johnson sẽ tiếp tục tại vị thủ tướng cho tới khi đảng Bảo thủ bầu ra thủ lĩnh mới. Quy trình này dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới với việc Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo của đảng Bảo thủ, nhóm họp.
Quyết định từ chức trên kết thúc 3 năm cầm quyền đầy biến động của một trong những vị thủ tướng gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại nước Anh.
Tiếp nhận chức thủ tướng từ người tiền nhiệm Theresa May hồi tháng 7/2019 với "di sản" là một nước Anh chia rẽ và bế tắc hơn bao giờ hết vì Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU), ông Johnson đã dẫn dắt đảng Bảo thủ giành chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2019 và lãnh đạo chiến dịch bỏ phiếu thành công đưa Vương quốc Anh chính thức rời EU từ 23h ngày 31/1/2020 (giờ GMT).
Ông cũng điều hành nước Anh vượt qua đại dịch COVID-19 với một chương trình tiêm chủng dẫn đầu thế giới.
Tuy nhiên, thời gian đương nhiệm của Thủ tướng Johnson cũng chứng kiến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh với tỷ lệ lạm phát đạt mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm.
Sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Johnson kết thúc đầy kịch tính sau một chuỗi bê bối của cá nhân thủ tướng và chính phủ do ông điều hành, khiến đảng Bảo thủ và các thành viên nội các quyết định quay lưng với nhà lãnh đạo này. Thậm chí, Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi đã kêu gọi ông Johnson từ chức chỉ sau một ngày được ông bổ nhiệm.
Sự kiện xem như "mở màn" dẫn tới sự nghiệp chính trị của ông Johnson sụp đổ là việc nghị sĩ Christopher Pincher từ chức ngày 30/6 do những cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục.
Thủ tướng Johnson bị phát hiện đã không trung thực khi tuyên bố không biết về bê bối của nghị sĩ Pincher ở thời điểm bổ nhiệm ông này làm phó trưởng ban thẩm tra tư cách đại biểu của đảng Bảo thủ tại quốc hội vào tháng 2.
Ngày 5/7, Thủ tướng Johnson phải lên truyền hình xin lỗi về việc "bổ nhiệm ông Pincher mặc dù đã được thông báo về bê bối quấy rối tình dục của ông này".
Sự kiện này được coi là giọt nước tràn ly, khiến Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid ngay sau đó đã từ chức với lý do không thể chấp nhận những bê bối trong chính phủ trong nhiều tháng qua, kéo theo hàng loạt những tuyên bố từ chức của các thành viên chính phủ khác trong 2 ngày tiếp theo.
Trước đó, vào tháng 4, ông Johnson trở thành thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Anh bị cảnh sát phạt do vi phạm các quy định phòng dịch COVID-19 khi tham dự các bữa tiệc tại Văn phòng Thủ tướng trong thời gian Anh đang áp lệnh phong tỏa năm ngoái.
Ông Johnson đã phải lên truyền hình xin lỗi vì vụ việc, được biết đến với tên gọi Partygate, đồng thời phải đối mặt với cuộc điều tra của Hạ viện Anh về việc liệu ông có cố ý lừa dối hay không.
Bê bối Partygate khiến Thủ tướng Johnson phải trải qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng Bảo thủ vào đầu tháng 6. Mặc dù vượt qua cuộc bỏ phiếu, tỷ lệ nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông Johnson lên tới hơn 40%.
Vụ Partygate cũng làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của đảng cầm quyền, được cho là một trong những nguyên nhân khiến đảng Bảo thủ mất hàng trăm ghế hội đồng vào tay Công đảng đối lập tại cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 5.
Đảng Bảo thủ còn hứng chịu thất bại kép trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 23/6 khi mất 2 ghế hạ nghị sĩ tại khu vực bầu cử Tiverton và Honiton, nơi được coi là thành trì của đảng từ năm 1885, cùng Wakefield, nơi đảng đã giành ghế từ tay Công đảng trong cuộc bầu cử năm 2019.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh với lạm phát đạt 9,1%, mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm, và dự kiến sẽ đạt mức 2 con số vào cuối năm, cùng thuế phí tăng trong bối cảnh thu nhập hộ gia đình bị thắt chặt, cũng là nguyên nhân khiến cử tri bất bình với chính quyền của Thủ tướng Johnson.
Kế hoạch của chính phủ Anh nhằm loại bỏ Nghị định thư Bắc Ireland, một phần quan trọng trong thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU, cũng khiến ông Johnson mất điểm không chỉ đối với EU mà ngay cả trong nước bởi việc phá vỡ những cam kết quốc tế đặt dấu hỏi về độ tin cậy của Anh với tư cách là một đối tác lớn trên thế giới.
Những bê bối của chính phủ do Thủ tướng Johnson điều hành, câu hỏi về tư cách và sự chính trực của ông khiến các nghị sĩ đảng cầm quyền quyết tâm thay đổi lãnh đạo đảng để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024 trong bối cảnh uy tín của đảng Bảo thủ đang suy giảm nghiêm trọng.
Tất cả dẫn tới "cuộc chia tay sóng gió" của Thủ tướng Johnon. Mặc dù ông Johnson được cho sẽ giữ cương vị thủ tướng cho đến mùa Thu, một số nghị sĩ đảng Bảo thủ, bao gồm các bộ trưởng đã từ chức trong tuần này, tin rằng ông Johnson nên rời Phố Downing ngay lập tức.
Cuộc đua cho vị trí lãnh đạo đảng cũng đã khởi động với các gương mặt tiềm năng như Bộ trưởng Tài chính vừa được bổ nhiệm Nadim Zahawi; Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace; Ngoại trưởng Liz Truss; Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Tom Tugendhat; Tổng chưởng lý Suella Braverman; cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid. Kết quả cuộc thăm dò mới đây do công ty phân tích dữ liệu YouGov (Anh) thực hiện cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace là ứng cử viên tiềm năng nhất cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và tân thủ tướng Anh, với tỷ lệ ủng hộ 13% trong tổng số 716 thành viên đảng Bảo thủ tham gia cuộc khảo sát.
Quốc vụ khanh phụ trách chính sách thương mại, Bộ Thương mại quốc tế, Penny Mordaunt, nhận được 12% phiếu bầu. Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak ở vị trí thứ ba với 10% tỷ lệ ủng hộ, tiếp theo là Ngoại trưởng Liz Truss với 8%.
Cựu Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và chương trình nâng cấp nước Anh, Michael Gove và Phó Thủ tướng Dominic Raab cùng nhận được 7% số phiếu ủng hộ.
Tuy nhiên, nhiều thách thức lớn đang chờ đợi người kế nhiệm ông Johnson. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo lạm phát có thể đạt 11% vào mùa Thu, đồng bảng đang mất giá và triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn yếu.
Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đang chật vật với danh sách chờ khám chữa bệnh lên tới 4,3 triệu bệnh nhân sau những gián đoạn do đại dịch. Tân thủ tướng Anh cũng sẽ phải đối mặt với câu hỏi về khả năng cầm quyền của đảng Bảo thủ.
Theo một cuộc thăm dò do YouGov thực hiện vào tháng 6, sự ủng hộ của các cử tri dành cho đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019 đã giảm mạnh. Sau 12 năm cầm quyền với 4 cuộc tổng tuyển cử và 3 đời thủ tướng, đảng Bảo thủ đang đối mặt với những rạn nứt và không dễ phục hồi.
Chuyên gia Will Tanner tại tổ chức nghiên cứu Onward (Anh) nhận định chắc chắn đảng cầm quyền sẽ thống nhất một điều, đó là cuộc tranh cử sắp tới cho vị trí lãnh đạo đảng cần phải trả lời câu hỏi ai là người có thể khôi phục các giá trị của đảng. Các ứng cử viên sẽ phải cạnh tranh với những cam kết khôi phục sự liêm chính của cơ quan công quyền, việc tuân thủ pháp luật và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-chia-tay-song-gio/250350.html