Cuộc chiến cam go tại Cung điện Bourbon

Chiều 18.7, Quốc hội khóa XVII của Pháp sẽ khai mạc tại Cung điện Bourbon với nhiệm vụ trọng tâm là bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới. Với tình trạng ba khối đảng chính trị đều không nắm đa số tại cơ quan lập pháp, tiến trình bầu Chủ tịch Quốc hội được dự đoán sẽ trở thành cuộc chiến cam go.

Một phiên họp của Quốc hội Pháp. Ảnh: AFP

Một phiên họp của Quốc hội Pháp. Ảnh: AFP

577 nghị sĩ Quốc hội Pháp sẽ nhóm họp vào 3 giờ chiều ngày 18.7 để bầu người kế nhiệm Chủ tịch Quốc hội Yaël Braun-Pivet, người đã giữ vị trí này trong 2 năm qua. Một cuộc chiến hứa hẹn sẽ cam go tại Cung điện Bourbon khi cả ba khối đảng bao gồm: liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP), khối trung dung Ensemble của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và liên minh cực hữu dẫn đầu bởi đảng Tập hợp Quốc gia (RN) đều không kiểm soát đa số ghế tại cơ quan lập pháp.

Ông Mathilde Philip-Gay, giáo sư luật công tại Đại học Jean Moulin Lyon 3 phân tích: “Trong bối cảnh Tổng thống bị suy yếu sau cuộc bầu cử lập pháp, vai trò của Chủ tịch Quốc hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”. Theo quy định của Luật Hiến pháp, vị trí Chủ tịch Quốc hội chịu đại diện cho các nghị sĩ, chiếm vị trí thứ tư trong trật tự nghi thức, sau Tổng thống Cộng hòa, Thủ tướng và Chủ tịch Thượng viện.

Thủ tục bầu Chủ tịch Quốc hội như thế nào?

Tại phiên họp công khai đầu tiên của cơ quan lập pháp khóa mới, thành viên lớn tuổi nhất của Quốc hội sẽ chủ trì cuộc họp bầu Chủ tịch Quốc hội với sự hỗ trợ của 6 thành viên trẻ nhất. Như vậy, do Phó Chủ tịch đảng RN José Gonzalez, 81 tuổi, sẽ chủ trì phiên họp. Ông sẽ được hỗ trợ bởi các thành viên trẻ nhất của Quốc hội, tất cả đều từ 22 đến 24 tuổi. Để bỏ phiếu, toàn bộ 577 nghị sĩ sẽ tiến hành bỏ phiếu kín vào hòm phiếu đặt trên bục phát biểu.

Ông Mathilde Philip-Gay giải thích: “Nếu một ứng cử viên không đạt được đa số phiếu bầu tuyệt đối trong hai vòng đầu tiên, vòng thứ ba sẽ được tiến hành, và ở vòng này, ứng cử viên chỉ cần giành được đa số tương đối. Tuy nhiên, việc phải tiến hành vòng thứ ba để bầu Chủ tịch Quốc hội là điều bất thường trong lịch sử nền Cộng hòa thứ V của Pháp. Nhưng với tình trạng “Quốc hội treo” hiện tại, điều này có lẽ sẽ xảy ra”.

Ngoài ra, còn có một số quy định khác của cuộc bỏ phiếu. Chẳng hạn như: các ứng cử viên có thể tiếp tục tranh cử trong cả ba vòng, và một cấp phó không phải là ứng cử viên ở vòng đầu tiên có thể tham gia vòng thứ hai hoặc thứ ba, khiến cuộc bầu cử trở nên khó đoán định. Trong trường hợp các ứng cử viên có số phiếu ngang nhau ở vòng thứ ba, ứng cử viên lớn tuổi nhất được tuyên bố đắc cử.

Ai là những ứng cử viên tiềm năng?

Tính đến ngày 17.7, chỉ có 3 ứng viên chính thức được tuyên bố.

Người đầu tiên là Chủ tịch Quốc hội sắp mãn nhiệm, Yaël Braun-Pivet. Ông hy vọng sẽ có thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa nhờ sự hỗ trợ của đảng Những người Cộng hòa (LR) cánh hữu. Một quan chức của LR nói với AFP với điều kiện giấu tên: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đi đến thỏa thuận ủng hộ Yaël Braun-Pivet để ngăn chặn cánh tả giành được vị trí này”.

Nghị sĩ theo chủ nghĩa trung dung Charles de Courson, 72 tuổi, cũng ứng cử. Là người phản đối quyết liệt chương trình cải cách lương hưu của Tổng thống Macron, ông cam kết nếu đắc cử, ông sẽ "đảm bảo Quốc hội hoạt động hiệu quả trong thời kỳ hỗn loạn và chưa từng có này. Annie Genevard, một nghị sĩ của đảng LR cũng tham gia tranh cử với sự ủng hộ của nhóm nghị sĩ của bà.

Phía liên minh cánh tả đã nhất trí về nguyên tắc sẽ đề cử một ứng cử viên duy nhất nhưng không nêu tên. Nghị sĩ Cyrielle Chatelain, người đứng đầu nhóm bảo vệ môi trường, tự giới thiệu mình là một ứng cử viên "tiềm năng" của Mặt trận Bình dân mới.

Những cái tên khác đang được dự đoán chẳng hạn như Naïma Mouthou thuộc đảng của cựu Thủ tướng Édouard Philippe hay Genevìeve Darrieussecq thuộc đảng MoDem. Trong khi đó, phe cánh hữu RN vẫn chưa tiết lộ ứng cử viên của mình.

Vị trí Chủ tịch Quốc hội có quyền lực như thế nào?

Được bầu trong nhiệm kỳ của cơ quan lập pháp - về mặt lý thuyết là 5 năm, Chủ tịch Quốc hội có nhiệm vụ chính là chỉ đạo và điều hành các cuộc tranh luận của Quốc hội, bảo đảm các phiên họp của Quốc hội diễn ra một cách trật tự và tuân thủ Nội quy của Quốc hội. Nhà lập hiến chỉ rõ: “Chủ tịch Quốc hội cũng chịu trách nhiệm bảo đảm kỷ luật và tôn trọng lẫn nhau giữa các nghị sĩ. Chúng tôi gọi Chủ tịch Quốc hội là “cảnh sát của các phiên họp", một quyền lực quan trọng được thực thi dưới danh nghĩa của vị trí này”.

Trong những thập kỷ đầu tiên của nền Cộng hòa thứ năm, việc Chủ tịch Quốc hội phải áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với các nghị sĩ là vô cùng hiếm gặp. Tuy nhiên, điều này đã gia tăng đáng kể từ năm 2022. Theo Mediapart, dựa trên dữ liệu từ Quốc hội Pháp, 106 biện pháp kỷ luật đã được áp dụng từ tháng 6.2022 đến tháng 1.2024, trong khi con số này chỉ là 16 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron (2017-2022) và 8 trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2017.

Chủ tịch Quốc hội cũng có quyền lực đáng kể về công tác nhân sự, bao gồm quyền bổ nhiệm một thành viên của Hội đồng Hiến pháp, hai nhân vật vào Hội đồng cấp trên của ngành Tư pháp và thành viên của một số cơ quan hành chính độc lập.

Vị trí có ảnh hưởng này cũng đóng một vai trò quan trọng là “cửa ải cuối cùng” sẽ xem xét tính hợp hiến trong các sửa đổi dự luật do các nghị sĩ đệ trình.

Quỳnh Vũ (Theo France24)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/cuoc-chien-cam-go-tai-cung-dien-bourbon-i380884/