Cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc đã đến đỉnh điểm?
Sau khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung chip trên toàn cầu trong 3 năm qua, ngành công nghiệp này đang dần phục hồi để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất với ngành chip hiện nay chính là cuộc chiến không có hồi kết giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc là quốc gia có những công ty lớn mạnh trong ngành công nghiệp chip, còn Mỹ vẫn sản xuất rất nhiều sản phẩm của mình tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đang diễn ra do Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc hiện đang đạt đến đỉnh điểm đối với ngành công nghiệp sản xuất chip.
Mỹ đã có động thái ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến nhất, cũng như thiết bị và nhân tài cần thiết để sản xuất chip trong những tháng gần đây, với lý do an ninh quốc gia.
Trung Quốc đã bác bỏ những lo ngại đó, cáo buộc Mỹ là “khủng bố công nghệ” và cản trở tăng trưởng kinh tế của nước này một cách không công bằng. Họ đã tìm cách chống lại các biện pháp ngăn chặn của Mỹ.
Dưới đây là các vấn đề chính trong “cuộc chiến bán dẫn” giữa Mỹ và Trung Quốc mà AFP đưa ra.
Tại sao chip lại quan trọng?
Vi mạch là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu hiện đại, những con chip nhỏ xíu được tìm thấy trong tất cả các loại thiết bị điện tử, từ bóng đèn LED và máy giặt, cho đến ô tô và điện thoại thông minh.
Chúng cũng rất quan trọng đối với các dịch vụ cốt lõi như chăm sóc sức khỏe, luật pháp và các tiện ích.
Trên toàn cầu, chất bán dẫn được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo báo cáo của McKinsey công bố năm ngoái.
Không nơi nào thể hiện bản chất thiết yếu của chúng rõ ràng hơn ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn dựa vào nguồn cung cấp chip nước ngoài ổn định cho cơ sở sản xuất điện tử khổng lồ của mình.
Vào năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu chất bán dẫn trị giá 430 tỷ USD - nhiều hơn cả số tiền họ chi cho dầu mỏ.
Tại sao lại nhắm vào Trung Quốc?
Ngoài iPhone, Teslas và PlayStations, những con chip mạnh mẽ nhất rất quan trọng đối với sự phát triển của công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa siêu thanh và máy bay chiến đấu tàng hình.
Mỹ đã áp đặt một các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào năm ngoái, nhằm ngăn chặn “các công nghệ nhạy cảm với các ứng dụng quân sự” bị các lực lượng vũ trang của Trung Quốc cũng như các cơ quan tình báo và an ninh của nước này mua lại.
Các hạn chế nhắm vào các chip và công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất có thể được sử dụng cho siêu máy tính, thiết bị quân sự cao cấp và phát triển AI trong số các ứng dụng khác.
Việc sản xuất chip cực kỳ phức tạp và thường kéo dài ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nhiều công đoạn phụ thuộc vào đầu vào của Mỹ, cùng các công ty lớn khác của Nhật Bản và Tập đoàn ASML của Hà Lan - công ty thống trị việc sản xuất máy in thạch bản in các mẫu trên tấm silicon.
Điều này mang lại cho bộ ba một ảnh hưởng lớn đối với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Chris Miller, tác giả cuốn sách “Cuộc chiến chip: Cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất thế giới”, cho biết, Trung Quốc sẽ mất nhiều năm để phát triển các giải pháp thay thế trong nước có khả năng tương đương với các công cụ mà nước này đang mất khả năng tiếp cận.
“Nếu dễ thì các công ty Trung Quốc đã làm rồi”, Miller cho biết.
Đã có những biện pháp trừng phạt như thế nào?
Các công ty sản xuất chip Trung Quốc đã dự trữ linh kiện và máy móc trước lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ vào tháng 10 năm ngoái để giảm bớt tác động. Tuy nhiên, một công ty sản xuất chip lớn của Trung Quốc cho biết, một khi hết hàng tồn kho hoặc cần sửa chữa, các biện pháp kiểm soát sẽ bắt đầu có ảnh hưởng.
Một số công ty Trung Quốc đột nhiên không thể đảm bảo quyền tiếp cận chip đã chứng kiến các hợp đồng béo bở với nước ngoài bốc hơi, buộc họ phải cắt giảm việc làm và đóng băng các kế hoạch mở rộng.
Các biện pháp hạn chế của Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm cả Tập đoàn Công nghệ Bộ nhớ Dương Tử (YMTC).
Một trong những ảnh hưởng lớn nhất mà các biện pháp trừng phạt bắt đầu gây ra là làm cạn kiệt nguồn nhân sự tài năng mà Trung Quốc đã dựa vào.
Một cuộc khảo sát gần đây về các công ty chip Trung Quốc ước tính cần 800.000 lao động nước ngoài vào năm 2024, nhưng con số này khó có thể được đáp ứng khi Mỹ hạn chế “người Mỹ” làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc
Trung Quốc đã phản ứng với sự tức giận và đầy thách thức, họ sẽ tăng tốc nỗ lực để trở nên tự chủ về chất bán dẫn.
Để vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ, hai nhà nghiên cứu chất bán dẫn tại Học viện Khoa học Trung Quốc có ảnh hưởng đã đưa ra một kế hoạch chi tiết vào tháng 2 khuyên Trung Quốc nên đầu tư hiệu quả hơn vào tài năng chất lượng cao và nghiên cứu ban đầu.
Hồ sơ của Công ty YMTC cho thấy, công ty đã nhận được 7,1 tỷ USD kể từ khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ có hiệu lực.
Tuy nhiên, hàng chục tỷ đô la mà Trung Quốc đã bơm vào ngành công nghiệp trong nước vẫn chưa mang lại nhiều kết quả.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tự cung cấp 70% chip vào năm 2025, nhưng một số chuyên gia tư vấn ước tính nước này hiện chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu.
Qi Wang, đồng sáng lập của MegaTrust Investment có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Tiền không phải là vấn đề, thay vào đó chỉ ra sự lãng phí và thiếu nhân tài".
John Lee, Giám đốc công ty tư vấn East-West Futures, cho biết, Trung Quốc không có lựa chọn nào tốt hơn ngoại trừ việc tăng gấp đôi hỗ trợ của nhà nước cho ngành công nghiệp này.
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tự cung tự cấp nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn trước những hạn chế như vậy.
“Tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ thành công trong việc ngăn chặn Trung Quốc sở hữu những con chip tuyệt vời,” đồng sáng lập Microsoft Bill Gates cho biết trên một podcast vào tháng 3.