Cuộc chiến chống Covid-19: Giải pháp nào giúp doanh nghiệp bảo vệ vững chắc chuỗi cung ứng?
Sau 76 năm giành độc lập, Việt Nam đang phải đối mặt 'kẻ thù giấu mặt' Covid-19 gây tổn thất về người và thiệt hại lớn về kinh tế.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Nhiều tháng qua, hàng triệu người dân Việt Nam đã ở yên trong nhà. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị đình trệ. Trong 8 tháng đầu năm 2021, có tới hơn 85.000 doanh nghiệp đã phải rời khỏi thị trường.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong số doanh nghiệp rời khỏi thị trường nói trên, đã có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng gần 26%; hơn 30.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Riêng TP. Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường tính từ đầu năm đến nay, chiếm hơn 28% và tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Để dốc toàn lực cho cuộc chiến ở giai đoạn then chốt, quyết định nhất, hàng loạt những quyết sách lớn, chưa từng có tiền lệ đã được triển khai. TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cấp phát túi an sinh cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn, phương châm hành động là không để hộ dân nào thiếu lương thực, thực phẩm.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sản xuất, địa phương này cũng đang tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, theo các phương thức bảo đảm an toàn như “3 tại chỗ”; “1 cung đường - 2 điểm đến”, “1 cung đường - 2 điểm đến” mở rộng; “4 xanh” gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh…
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, với biến chủng Delta lây lan nhanh, tấn công trực tiếp vào các khu công nghiệp, khu chế xuất các doanh nghiệp vẫn đang phải chịu thiệt hại nặng nề. Dịch bệnh càng kéo dài, doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong việc duy trì phát triển và hồi phục sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo đánh giá của hiệp hội các doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu của các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là do không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt.
Đơn cử như đối với các doanh nghiệp da giày, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động với công suất 50%-70 %, do giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp còn hoạt động buộc phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống Covid-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động).
Các chuyên gia tại Đại học Kinh tế Quốc dân nhận thấy, những khó khăn trên của doanh nghiệp có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến” một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở, do điều kiện vật chất đáp ứng ăn và nghỉ không được thiết kế từ đầu.
Việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và khả năng hội nhập của kinh tế Việt Nam.
Nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… nơi bị phong tỏa bị chốt chặt, không thể đến nơi làm việc, làm đứt gãy nguồn lao động.
Song song với đó, biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm “hàng thiết yếu” ở các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Cụ thể, chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy cung lao động và nguyên vật liệu.
Chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản đứt gãy lao động, thị trường, vận chuyển. Chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị dãn cách, chi phí đáp ứng điều kiện sản xuất quá cao...
Tìm giải pháp gỡ khó
Tại tọa đàm "Giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng thời Covid-19" diễn ra ngày 8/9, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải đánh giá, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Trước hết, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng đúng thời gian dẫn đến mất đơn hàng và các đối tác tiềm năng vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Đồng thời, việc cung ứng hàng hóa bị thiếu hụt dẫn đến giá cả leo thang, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu cho sinh hoạt và phòng chống dịch. Một khi các doanh nghiệp không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và khả năng hội nhập của kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên ông Hải nhận thấy, Covid-19 là phép thử với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hậu Covid-19 và xa hơn là trong tương lai, chuỗi cung ứng hàng hóa cần phải được tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu tốt nhất những chấn thương bất ngờ.
Ông Hải nêu quan điểm: "Muốn làm được điều này, cần nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng. Chỉ có minh bạch thông tin mới có thể đánh giá một cách toàn diện hoạt động của các bên tham gia chuỗi cung ứng và những rủi ro tiềm ẩn của từng bên, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó với rủi ro và lên kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Ngoài ra, cần phân tích, đánh giá rủi ro tiềm ẩn từ nhà cung cấp và bên thứ 3, đặc biệt là khi nguồn hàng dần cạn kiệt và nhu cầu tăng cao. Rủi ro này có thể bao gồm rủi ro về giá, rủi ro về đạo đức, pháp lý và uy tín. Cần lên kế hoạch cho tình trạng thiếu hụt lao động do không có sẵn nguồn nhân lực trọng yếu tại chỗ.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa sẽ ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực".
Nhóm nghiên cứu tại tại Đại học Kinh tế Quốc dân cũng có khuyến nghị các chính sách đối với việc tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo nhóm nghiên cứu, Chính phủ chỉ đạo các Bộ Ban ngành Trung ương và địa phương thực hiện theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường.
Đặc biệt, các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư. Đẩy nhanh việc tiêm vaccine tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với nhân lực logistics, nhân lực sản xuất, dân cư toàn xã hội.
Song song với đó, nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành.
Nhóm cho biết thêm: "Cần thay thế cơ chế 'luồng xanh' bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương.
Như vậy, việc bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra sẽ không cần thiết. Thay vào đó, các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch sẽ nhận diện các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về.
Các chuyên gia tại Đại học Kinh tế Quốc dân đã xây dựng ứng dụng điện tử “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: "Ngoài ra, Chính phủ, chính quyền địa phương tăng cường đối thoại chính sách và quy định với các bên liên quan, đặc biệt là các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ giãn cách do dịch Covid-19".