Cuộc chiến chống Covid-19 tại Ấn Độ có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn

Ấn Độ đứng thứ 4 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng gấp 4 lần trong hơn 1 tháng qua.

Khi đại dịch Covid-19 tấn công châu Âu và sau đó là Mỹ, Ấn Độ vào thời điểm đó chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để ứng phó kịp thời với dịch bệnh, chính quyền của Thủ tướng Modi đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vào cuối tháng 3.

Mặc dù đã áp dụng biện pháp phong tỏa, hệ thống y tế của Ấn Độ vẫn bị quá tải với số ca mắc Covid-19 cao. Tính đến ngày 25/6, Ấn Độ ghi nhận hơn 490.000 ca nhiễm , trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh nhiều thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Brazil và Nga.

Một bệnh viện tạm thời được xây dựng cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Mumbai, Ấn Độ ngày 11/6. Ảnh: Reuters.

Một bệnh viện tạm thời được xây dựng cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Mumbai, Ấn Độ ngày 11/6. Ảnh: Reuters.

Dịch Covid-19 tại Ấn Độ đang tồi tệ như thế nào?

Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 cùng dự đoán của các nhà dịch tễ học cho thấy, kịch bản tồi tệ nhất tại Ấn Độ vẫn chưa xảy ra.

Ramanan Laxminarayan, Giám đốc trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết trong một báo cáo gần đây rằng, Ấn Độ có thể ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất vào tháng 9, với 200 triệu trường hợp.

Nguyên nhân nào dẫn đến sự tăng vọt của số ca nhiễm virus gần đây và Ấn Độ nên làm gì để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh? Trước khi tìm hiểu nguyên nhân, chúng ta cùng xem xét các con số.

Tính đến ngày 23/6, khoảng 248.189 người mắc Covid-19, chiếm hơn một nửa số ca nhiễm virus tại Ấn Độ, đã hồi phục. Số ca tử vong do dịch bệnh khoảng 14.000 người, chiếm khoảng 3% số ca mắc bệnh.

Chỉ trong khoảng 1 tháng, số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần so với con số 100.000 vào hồi giữa tháng 5.

Số ca mắc Covid-19 tăng cao là điều đã được dự đoán trước ở một quốc gia lớn như Ấn Độ với dân số đông và là nơi bùng phát nhiều dịch bệnh khác như lao, tim mạch và tiểu đường.

So với mật độ dân số cao tại Ấn Độ thì số ca mắc Covid-19 có vẻ ít nghiêm trọng hơn khi dựa trên bình quân đầu người. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng số ca nhiễm virus sẽ tiếp tục trở lại khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế và cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường.

Ấn Độ có tỷ lệ tử vong không cao do người dân phần lớn thuộc nhóm dân số trẻ, đặc biệt là những người dưới 65 tuổi đã phục hồi sau hoặc có khả năng chống chọi với dịch bệnh tốt hơn.

Vậy Ấn Độ có nên lo lắng về đại dịch khi có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp? Câu trả lời là có, vì dịch Covid-19 sẽ tiếp tục gây ra những rủi ro cho sức khỏe cộng đồng cho đến khi một số lượng lớn người dân bị nhiễm virus. Điều này khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh và nỗ lực giảm thiểu tốc độ lây nhiễm của Ấn Độ trở nên quan trọng hơn.

Dịch bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn

Thêm vào đó, số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ trên thực tế có thể cao hơn đáng kể so với con số được báo cáo. Điều này cho thấy lỗ hổng trong việc xét nghiệm và một số trường hợp được xét nghiệm và điều trị không phù hợp tại Ấn Độ.

Về cơ bản, Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát tốc độ lây lan của dịch Covid-19, điều này có thể làm tê liệt nghiêm trọng hệ thống y tế công cộng mong manh của nước này khi số ca mắc bệnh tăng cao.

Một số thành phố như Mumbai, Chennai, Delhi và Ahmedabad đã chứng kiến sự tăng vọt số ca mắc Covid-19 do lượng lớn người trở về nước. Khoảng 3/4 số ca tử vong do dịch bệnh tại Ấn Độ được báo cáo ở 3 tiểu bang Maharashtra, Gujarat và Delhi. Tuy nhiên, khi người lao động trở về nhà từ nước ngoài và từ các thành phố lớn của Ấn Độ, các tiểu bang và thành phố khác cũng ghi nhận số ca mắc bệnh tăng đột biến.

Trong khi các bang như Maharashtra và Tamil Nadu, những nơi có diễn biến dịch bệnh phức tạp, đã giảm số ca mắc Covid-19, các bang khác như Madhya Pradesh hay Rajasthan có thể chứng kiến đỉnh dịch Covid-19 do mô hình di cư nội địa.

Các bang không thể hỗ trợ nhau chống Covid-19

Một cách để kiểm soát đỉnh dịch Covid-19 tại Ấn Độ là tăng cường khả năng y tế của các khu vực trên cả nước. Một biện pháp hiệu quả khác là trước tiên, Ấn Độ cần tăng cường khả năng xét nghiệm. Tiếp theo, nước này cần chuyển nguồn lực y tế bao gồm bác sĩ, y tá, vật tư y tế, thuốc và máy thở từ các tiểu bang đã kiểm soát được dịch bệnh sang khu vực dịch Covid-19 đang lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, các biện pháp trên đều được cho là khó khăn với Ấn Độ bởi nhiều lý do.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ thường xuyên thiếu hụt ngân sách. Hệ thống này phải chịu nhiều áp lực do cách tổ chức. Hệ thống chăm sóc y tế nhà nước yếu kém trong khi của tư nhân lại mạnh. Hai mô hình này đã không cùng nhau phối hợp để phản ứng nhanh trước cuộc khủng Covid-19. Đồng thời, Ấn Độ cũng rơi vào tình trạng thiếu nhân viên y tế, máy thở, thiết bị bảo hộ cá nhân và năng lực cần thiết để giảm thiểu sự lây lan của virus.

Một số thành phố lớn tại Ấn Độ như Mumbai, Chennai và Delhi thường có năng lực tốt hơn và nhiều nguồn lực hơn để đối phó với đại dịch Covid-19. Tại một số khu vực, năng lực và kiến thức của họ về việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 đã được chia sẻ đến các tiểu bang khác như Bihar, Jharkhand và Orissa – những nơi đang thiếu hụt năng lực y tế.

Tuy nhiên, những thành phố lớn tại Ấn Độ cũng đang rơi vào tình trạng dịch bệnh phức tạp, khiến họ không có nhiều cơ hội để hỗ trợ các bang khác.

Delhi dường như đang ở trong tình trạng khẩn cấp khi không đủ giường bệnh, nhân viên y tế và nguồn cung để đối phó với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 theo dự kiến. Mumbai ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 bằng gần 1/4 số ca mắc bệnh tại Ấn Độ và số ca tử vong chiếm 1/3. Thành phố Chennai đã quay trở lại thực hiện biện pháp phong tỏa cho đến cuối tháng 6 do số ca nhiễm virus tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Do đó, việc các bang tại Ấn Độ hỗ trợ nhau để kiểm soát dịch Covid-19 đã bị hạn chế.

Không xét nghiệm trên diện rộng

Một lý do khác khiến Ấn Độ không thể làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19 là không tiến hành đủ xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Xét nghiệm là biện pháp rất quan trọng, nó không chỉ giúp xác định người mắc bệnh mà còn giúp nhanh chóng cách ly bệnh nhân và truy vết những người họ đã tiếp xúc.

Việc xét nghiệm tại Ấn Độ đã bị ảnh hưởng do chính sách không thống nhất, giá cả không đồng đều. Xét nghiệm dịch mũi RT-PCR do Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) tổ chức là phương pháp được ưu tiên nhất, tuy nhiên chiến dịch đã bị trì hoãn khi đưa ra vấn đề về việc những người nào nên được xét nghiệm và dựa trên điều kiện nào.

Ban đầu, New Delhi sử dụng các bộ kit xét nghiệm nhập khẩu với giá 60 USD và mức giá cao này đã làm cản trở quá trình xét nghiệm trên diện rộng. Tuy nhiên, gần đây một số bang như Maharashtra, Delhi và Karnataka đã hạ giá bộ kit xét nghiệm.

Thêm vào đó, sức khỏe là một vấn đề do nhà nước Ấn Độ quản lý, vậy nên việc thực hiện các tiêu chuẩn bắt buộc của ICMR đã thay đổi rất nhiều do khác biệt về cơ sở hạ tầng y tế nhà nước.

Tính đến ngày 15/6, Ấn Độ đã thực hiện 0,1 mẫu xét nghiệm trên 1.000 người, tương đương khoảng 150.000 mẫu/ngày, ít hơn so với tại Nam Phi và Mỹ đã thực hiện lần lượt 0,5 và 1,15 xét nghiệm trên 1.000 người.

Trong tương lai, các hướng dẫn y tế hiện hành cho phép xét nghiệm cho những người trong một độ tuổi nhất định, có triệu chứng và bệnh đi kèm, nên được nới lỏng để việc xét nghiệm trên diện rộng có thể thực hiện.

Nếu những đối tượng dễ bị tổn thương được xét nghiệm càng sớm thì sẽ nhanh chóng phát hiện các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Đồng thời, cho bệnh nhân nhập viện và chăm sóc y tế đặc biệt.

Kịch bản trên có thể giảm bớt gánh nặng cho một hệ thống y tế đang quá tải tại Ấn Độ. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, dường như đang có một nỗ lực được phối hợp để giảm số ca mắc bệnh được thể hiện qua một số tín hiệu tích cực. Một số bang như Karnataka và Kerala đã làm tốt việc kiểm soát dịch Covid-19 hơn so với các bang khác.

Thành phố Bengaluru đã ngăn Covid-19 hiệu quả khi lên kế hoạch phòng dịch cẩn thận và thực hiện truy vết tiếp xúc. Bang Karnataka đã nhanh chóng xét nghiệm, theo dõi tiếp xúc và cách ly những người nhiễm virus.

Công nghệ cũng được triển khai để truy vết và theo dõi các trường hợp mắc Covid-19. Ngành công nghiệp Ấn Độ đang hỗ trợ tăng cường khả năng xét nghiệm thông qua việc sản xuất tăm bông lấy dịch mũi và xét nghiệm phát hiện kháng thể. Các phòng thí nghiệm tư nhân đang tham gia vào việc xét nghiệm SARS-CoV-2 mặc dù có một số rào cản về mặt pháp lý.

ICMR cũng khuyến nghị chính phủ tiểu bang làm việc trực tiếp với các phòng thí nghiệm tư nhân để thương lượng mức giá thấp hơn khi có thêm nguồn cung y tế và bộ kit xét nghiệm nội địa.

Mặc dù có những bước tiến tích cực, Ấn Độ sẽ không thể làm phẳng đường cong dịch Covid-19 vào thời điểm này do quốc gia Nam Á đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh, không chỉ riêng Covid-19./.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNA

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-chien-chong-covid19-tai-an-do-co-nguy-co-tro-nen-toi-te-hon-1064336.vov