Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở đất nước đông dân thứ hai thế giới
Ấn Độ đã đặt khoảng 1,3 tỷ dân trong tình trạng phong tỏa 21 ngày (kết thúc vào 15-4) với cảnh báo rằng, nếu không kìm hãm được sự lây lan của dịch Covid-19 trong thời gian này thì đất nước có thể thụt lùi 21 năm. Nhưng liệu 21 ngày có đủ để nước đông dân thứ hai thế giới này ngăn chặn được dịch bùng phát?
Nhiều người nhận định, nếu không có biện pháp khẩn cấp, Ấn Độ có thể là “chiến trường” chính của thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Nếu nhìn vào bối cảnh dịch đang bùng phát ở Italia, Tây Ban Nha, Mỹ, nơi có mật độ dân số thấp hơn và hệ thống chăm sóc y tế tiên tiến hơn, hẳn Ấn Độ không đủ nguồn lực để sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh bùng lên.
Có thêm thời gian để “chạy đua” với dịch
Không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ phải đối mặt với nhiều rào cản lớn trong cuộc chiến này. Họ không đủ kinh phí chăm sóc sức khỏe, thiếu nước sạch, các cơ sở vệ sinh, trong khi dân số mật độ khá cao. Nhiều thành phố lớn nhất của Ấn Độ có mật độ trung bình khoảng 420 người/km2, một tình huống chắc chắn khiến cho quy định cách ly xã hội khó thực thi nghiêm ngặt. Trong số đó, thách thức lớn hiện nay là ngăn chặn làn sóng bùng phát dịch bệnh ở các khu ổ chuột. Giới y khoa nói rằng, tình hình sẽ vượt tầm kiểm soát nếu dịch Covid-19 lan ra tại những nơi có điều kiện vệ sinh kém và hầu như không có nước máy. Hàng nghìn người sống trong điều kiện chật chội và nghèo khổ khiến cho việc cách ly xã hội không thể thực hiện được.
Là đất nước rất rộng lớn và dân số đông, Ấn Độ cũng đang hứng chịu những chỉ trích do tỉ lệ xét nghiệm virus quá thấp. Một phần nguyên nhân là do sự thiếu hụt trầm trọng cả bộ xét nghiệm và các thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế và người dân. Bác sỹ Arvind Kumar - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật tại Bệnh viện Sir Ganga Ram ở Thủ đô New Delhi cho rằng, quyết định của chính phủ phong tỏa toàn bộ 1,3 tỷ dân trong 3 tuần là cơ hội tốt nhất để nước này có thể nhận diện được các điểm nóng nhiễm dịch. Đó cũng là khoảng thời gian quý báu để đặt mua và sản xuất thêm máy thở, thiết bị bảo hộ y tế. “Bệnh viện của chúng tôi chỉ trong 2 tuần qua đã trang bị thêm nhiều thiết bị bảo hộ hơn trước. Đây là thách thức lớn khi cả nước đang tăng cường sản xuất các thiết bị y tế và nhanh chóng phân phối cho các bệnh viện”. Các bác sỹ hy vọng lệnh phong tỏa sẽ giảm thời gian đạt đỉnh dịch và các bệnh viện có thời gian chuẩn bị tiếp nhận số lượng lớn ca bệnh mới.
Áp lực dồn lên người nghèo
Hơn 90% lao động phi nông nghiệp của Ấn Độ (khoảng 500 triệu người) làm trong ngành kinh tế không chính thức như: công nhân xây dựng, nhà cung cấp thực phẩm, lái xe kéo hoặc bán hàng. Sau khi lệnh phong tỏa được công bố, nhiều người người rơi vào cảnh mất việc vì doanh nghiệp của họ bị đóng cửa và lệnh cách ly khiến họ không thể đi lại. Với họ, nỗi lo chết đói lớn hơn cả nỗi sợ nhiễm bệnh. Do không có đồ ăn, chỗ ngủ và tiền bạc, hàng chục nghìn người lao động nghèo đành đi bộ về quê. “Công việc bị đình trệ, tôi đã không kiếm ra tiền suốt 20 ngày rồi. Tôi vốn được trả công 5 USD/ngày, số tiền ít ỏi đó đủ để gia đình tôi sống sót. Khi tất cả mọi thứ ngừng lại, tôi chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc sống trong cảnh nghèo đói và bẩn thỉu” - Sia, một công nhân ở Gurugram nói.
Cuối tháng 3-2020, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố phát tiền trực tiếp cho các hộ nghèo và phát trước tiền lương hưu 3 tháng cho người già, góa phụ, người khuyết tật.
Thủ tướng Narendra Modi đã thành lập Quỹ Hỗ trợ và cứu trợ công dân nằm trong Quỹ Tình huống khẩn cấp để thu hút quyên góp từ các công ty, cá nhân, nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn. Một số chính quyền tiểu bang cũng phát tiền mặt và thực phẩm miễn phí cho người nghèo. Nhưng khoản trợ cấp cùng thực phẩm này không đủ và đôi khi được giao chậm. Nhiều người di cư cũng không được đăng ký chính thức nên không thể nhận được hỗ trợ thông qua các chương trình hiện có. Theo Asia Times, chính quyền bang Uttar Pradesh hứa phân phát 1 lần cho cư dân số tiền 1.000 rupee (tương đương khoảng 13,11 USD), nhưng số tiền này gần như không đủ để nuôi sống một gia đình trong 5 ngày.
Áp lực không chỉ có ở khu vực đô thị. Bà Vandita - một nông dân sống ở ngôi làng hẻo lánh trong dãy Himalaya có tích trữ được một số thực phẩm cùng khoản tiền tiết kiệm, nhưng vẫn cảm thấy bất an. Vụ mùa năm ngoái thất thu, còn vụ xuân năm nay vài tháng nữa mới thu hoạch. Các biện pháp cách ly xã hội hạn chế công việc của người nông dân. Điều bà lo lắng hơn cả là nếu những người lao động nhập cư trở về từ các thành phố, ngôi làng của bà sẽ bị khủng hoảng. Người dân ở đây không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, muốn đến bệnh viện gần nhất sẽ mất vài ngày. Nếu có một đợt bùng phát dịch trong làng, hậu quả của nó sẽ rất bi thảm.
Cần đồng bộ các biện pháp chống dịch
Liệu 21 ngày có đủ để Ấn Độ có thể kìm hãm được sự lây lan của dịch Covid-19? Không - đó là câu trả lời của học giả Rajesh Singh và Ronojoy Adhikari đến từ Đại học Cambridge. Mới đây, họ sử dụng một mô hình toán học dựa trên phân bố độ tuổi và liên hệ xã hội của Ấn Độ để đề xuất cần gia hạn việc phong tỏa nhưng có chèn thêm giai đoạn “nghỉ”. Theo 2 chuyên gia này, cách nhanh chóng giảm bùng phát mà không gây xáo trộn xã hội là kết hợp cả cách ly lẫn giảm tiếp xúc giữa mọi người. “Dịch bệnh luôn đi trước chúng ta một bước: 1 ngày nó phát triển, chúng ta cần hơn 1 ngày phong tỏa để đưa trở lại mức độ ban đầu. Mở rộng điều này, có thể thấy tại sao lệnh phong tỏa 21 ngày ở Ấn Độ sẽ khó có tác dụng, vì dịch đã có hơn 21 ngày để phát triển” - ông Ronojoy Adhikari, nhà nghiên cứu tại Khoa Toán học của Đại học Cambridge trả lời phỏng vấn hãng tin IndiaToday.
Cặp đôi học giả Adhikari-Singh đưa ra 2 mô hình về lệnh phong tỏa có thể hiệu quả với Ấn Độ. Đó là bộ 3 giai đoạn: 21 ngày, 28 ngày và 5 ngày. Trong đó có 2 lần giãn cách 5 ngày có thể làm chậm sự lây lan, đủ để giúp chính quyền kiểm soát dịch bằng cách truy tìm các mối tiếp xúc của bệnh nhân và áp đặt cách ly, từ đó giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Thời gian cách ly liên tục trong 49 ngày, tương đương 7 tuần có thể cho kết quả tương tự. Hãng tin ANI của Ấn Độ dẫn lời Thủ tướng Narendra Modi ngày 8-4 tiết lộ rằng, lệnh phong tỏa để kiểm tra sự lây lan của dịch Covid-19 sẽ được gia hạn và các hạn chế sẽ không được gỡ bỏ ngay sau ngày 14-4. Thủ tướng Modi cho biết, ông sẽ tham khảo ý kiến của các Bộ trưởng nhưng nhìn chung, việc dỡ bỏ phong tỏa “là không thể”.
Các ca nhiễm ở Ấn Độ tới đã vượt mốc 2.500 ca, nhưng vẫn là con số tương đối nhỏ so với các nước như Mỹ hay Tây Ban Nha, Italia. Cũng có lo ngại rằng, xét nghiệm hạn chế đã che giấu quy mô thực sự của dịch bệnh ở Ấn Độ và sự lây truyền của cộng đồng. Các ca nhiễm không rõ nguồn lây có thể đang gia tăng. Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, chỉ riêng lệnh phong tỏa là chưa đủ. Điều mà Ấn Độ cần làm là sự phân tán xã hội, xét nghiệm rộng rãi để phát hiện các ca bệnh càng nhanh càng tốt, đồng thời sắp xếp chăm sóc giảm nhẹ cho những người có thể bị bệnh nặng. Tổ chức Y tế thế giới cũng nhấn mạnh rằng, phong tỏa và cách ly chỉ có tác dụng giúp các nước có thêm thời gian để tấn công virus. Việc kết hợp đồng bộ các biện pháp xét nghiệm, kiểm dịch và điều trị mới là cách nhanh nhất để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch.