Cuộc chiến chống hàng giả cần quyết liệt hơn
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng, mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ sàn thương mại điện tử, cùng sự tỉnh táo của người tiêu dùng.
Khi thấy nước hoa Dior Sauvage 100ml được rao bán với giá chỉ 180.000 đồng trên sàn thương mại điện tử Shopee, anh Dũng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã nhanh chóng đặt mua. Nhưng sau 3 ngày chờ đợi, sản phẩm nhận được lại khiến anh tá hỏa: đó là hàng giả. Trong khi trên website chính thức của Dior, một chai nước hoa Sauvage có giá tới 120 euro - tương đương khoảng 3,5 triệu đồng, chưa tính các loại thuế phí nhập khẩu chính ngạch và cước vận chuyển.
Anh Trần Văn Dũng chia sẻ: "Tôi được bạn giới thiệu cho hãng nước hoa này, tôi thích nên cũng đặt mua theo. Nhưng về nhà xịt thử thấy mùi khác thì tôi biết ngay đó là hàng giả".
Sau khi phát hiện bị lừa, anh Dũng không thể khiếu nại hay trả hàng vì sản phẩm đã bị khóa trên hệ thống. Tuy nhiên, shop bán hàng giả vẫn hoạt động bình thường cho tới nay.
Câu chuyện của anh Dũng không phải cá biệt. Trong tháng 5/2025, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã kiểm tra 1.244 vụ, xử lý 835 vụ vi phạm, trong đó có 118 vụ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Bà Nguyễn Kiều Anh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Từ 15/5 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chủ động và phối hợp với Công an Thành phố kiểm tra, xử lý 100 vụ, đang xử lý 51 vụ, chuyển Công an 4 vụ; số tiền phạt hành chính là 1,2 tỷ đồng; giá trị tang vật vi phạm là 3,7 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm gồm: máy làm đẹp, gạo, quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện điện thoại, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm nhập lậu, thuốc lá, dép, tất, đồ chơi trẻ em, đồng hồ, sạc, tai nghe, pin điện thoại, máy móc, rượu, sữa, nấm, tụ điều hòa, khoai tây, bánh kẹo, phụ tùng xe máy, dụng cụ thể thao...".
Tại Hội nghị triển khai thực hiện Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng phải duy trì công tác kiểm tra một cách thường xuyên và liên tục; lựa chọn đúng lĩnh vực, trúng địa bàn để thực hiện; đồng thời phải có sự phân công cụ thể, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng đơn vị, từng cá nhân; triển khai các biện pháp giám sát, kiểm tra thị trường mang tính đột phá tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng, mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ sàn thương mại điện tử trong việc siết kiểm duyệt và hơn hết là sự tỉnh táo của người tiêu dùng mỗi khi đưa ra quyết định mua hàng.