'Cuộc chiến' chống hàng giả, hàng nhái: Trách nhiệm của toàn xã hội

Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu lớn đang diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng và làm suy giảm niềm tin vào môi trường kinh doanh lành mạnh.

Cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng phát hiện, thu giữ gần 6000 đôi giày, dép “nhái” các nhãn hiệu nổi tiếng, với tổng giá trị khoảng 1,5 tỉ đồng.

Cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng phát hiện, thu giữ gần 6000 đôi giày, dép “nhái” các nhãn hiệu nổi tiếng, với tổng giá trị khoảng 1,5 tỉ đồng.

Hàng giả, hàng nhái tăng, đa dạng mặt hàng

Năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%). Thu nộp ngân sách trên 541 tỉ đồng (tăng 8%). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỉ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó, trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỉ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 205 tỉ đồng.

Các mặt hàng bị làm giả, nhái phổ biến bao gồm: Thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử và dược phẩm. Nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như: Gucci, Louis Vuitton, Hermès được bán công khai trên các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok .

Trong những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm.

Trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỉ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu lớn diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi. Các sản phẩm bị làm giả chủ yếu thuộc các lĩnh vực như: Thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, linh kiện điện tử… Đặc biệt, tình trạng này có xu hướng tập trung tại các đô thị lớn và bùng phát mạnh mẽ trong môi trường thương mại điện tử – nơi việc kiểm soát và xác minh nguồn gốc hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

 Cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ hàng trăm sản phẩm quần áo nhái nhãn hiệu nổi tiếng vào tháng 10/2024.

Cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ hàng trăm sản phẩm quần áo nhái nhãn hiệu nổi tiếng vào tháng 10/2024.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ gây tổn thất kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp, nhãn hiệu chân chính mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Những sản phẩm này thường không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trong các lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.

Mặt khác, việc tiêu thụ hàng giả làm méo mó thị trường, khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính mất động lực cạnh tranh, suy giảm uy tín và hiệu quả hoạt động.

Theo Luật sư Nguyễn Quang Vịnh - Công ty Luật TNHH Trường Lộc (TP Hà Nội), dưới góc độ pháp luật, hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái là hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử lý theo nhiều hình thức, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Luật sư Nguyễn Quang Vịnh, hành vi này vi phạm Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cùng với các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2022).

Có hai hình thức xử lý chính, đó là, xử phạt hành chính: Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP, mức phạt tối đa với cá nhân là 250 triệu đồng. Đối với tổ chức, mức phạt gấp đôi – lên tới 500 triệu đồng. Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp bổ sung như: tịch thu, tiêu hủy hàng hóa, phương tiện vi phạm.

Về xử lý hình sự, theo Điều 226, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đối với pháp nhân thương mại, mức phạt từ 500 triệu đồng đến 5 tỉ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động đến 2 năm.

Luật sư Nguyễn Quang Vịnh - Công ty Luật TNHH Trường Lộc nêu quan điểm về trách nhiệm của người mua hàng trong việc tiêu thụ và trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Mua hàng giả, hàng nhái là “tiếp tay”, là vi phạm pháp luật
Một thực trạng đáng lo ngại, nhiều người tiêu dùng biết rõ sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn cố tình mua vì giá rẻ và mẫu mã giống hàng thật. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi này là tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái và cả người mua lẫn người bán đều vi phạm luật pháp về nhãn hiệu hàng hóa.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định xử phạt người tiêu dùng vì hành vi mua hàng nhái. Việc xử phạt phải dựa trên lỗi của người vi phạm, nhưng rất khó để xác định người tiêu dùng có chủ ý mua hàng giả hay không.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định rõ tại Điều 8 và Điều 10 về quyền được lựa chọn và nghĩa vụ tự bảo vệ mình của người tiêu dùng. Theo đó, người mua cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, xuất xứ, nguồn gốc và giấy tờ chứng minh hợp pháp. Nếu biết rõ hàng giả, hàng nhái mà vẫn cố tình mua để sử dụng hoặc bán lại, người tiêu dùng có thể bị xem xét là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có – theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 – và phải chịu xử lý tương ứng theo mức độ vi phạm.

Luật sư Nguyễn Quang Vịnh nhấn mạnh, việc ngăn chặn và xử lý hành vi buôn bán hàng giả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như: Quản lý thị trường, Hải quan, Công an kinh tế, Thanh tra chuyên ngành...

Các cơ quan này có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

 Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo lập Tổ công tác đặc biệt, mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, hàng giả. (Hình minh họa - chinhphu.vn)

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo lập Tổ công tác đặc biệt, mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, hàng giả. (Hình minh họa - chinhphu.vn)

UBND các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ vào công tác kiểm soát thị trường, giám sát các giao dịch thương mại điện tử – nơi đang là “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả hoành hành.

Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng là nâng cao vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong việc giám sát, phản ánh vi phạm, cũng như hỗ trợ pháp lý cho người tiêu dùng khi phát hiện, khiếu nại về hàng giả, hàng nhái.

Có thể thấy, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái không thể chỉ đặt trên vai một cơ quan hay một nhóm đối tượng. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng cho đến các tổ chức xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, siết chặt quản lý, tăng cường chế tài và đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân để đẩy lùi vấn nạn này, bảo vệ sự công bằng và lành mạnh cho môi trường kinh doanh cũng như sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Thủ tướng: Thành lập Tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm

Nhận thấy, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng, đối tượng nhiều, tính chất phức tạp, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe, người dân và uy tín, thương hiệu đất nước, ảnh hưởng tới lòng tin, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân.

Ngày 14/5/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, trong thời gian từ ngày 15/5-15/6. Thủ tướng nêu rõ mục tiêu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.

Từ đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước, thúc đẩy tăng trưởng, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, uy tín, thương hiệu đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/cuoc-chien-chong-hang-gia-hang-nhai-trach-nhiem-cua-toan-xa-hoi-177825.html