Nhiều ý kiến quan tâm, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 16-5, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và Báo cáo kiểm toán, báo cáo thẩm tra đối với nội dung này.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.
Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đánh giá: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC đã bổ sung và quy định rõ hơn về thẩm quyền xử phạt, phân định rõ theo chức danh, lĩnh vực chuyên ngành, quy định việc xử lý VPHC trên môi trường điện tử.
Đại biểu cũng tán thành việc bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý VPHC để góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý VPHC. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, nên thay cụm từ “công nghệ thông tin” bằng cụm từ “công nghệ số” để phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong quản lý; đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy định trong dự thảo Luật hoặc văn bản hướng dẫn về yêu cầu ứng dụng công nghệ số và xây dựng cơ sở dữ liệu xử lý VPHC theo hướng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về xử lý VPHC, chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, phản hồi và giải trình; giá trị pháp lý của kết quả thực hiện xử lý VPHC trên môi trường điện tử có giá trị tương đương với việc xử lý VPHC bằng phương thức truyền thống.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo nêu ý kiến tại thảo luận tổ.
Đánh giá quy định về việc người đứng đầu có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt VPHC là cần thiết, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về phạm vi, thời hạn giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt VPHC theo từng vụ việc hay theo mức xử phạt và trách nhiệm pháp lý khi cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị sửa đổi quy định về văn bản quy phạm pháp luật của HĐND theo hướng: “HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh giao; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp” để tránh tình trạng xung đột pháp luật, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương các cấp áp dụng pháp luật được chính xác, thống nhất.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định UBND cấp xã được ban hành quyết định phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao để tránh tạo thêm một cấp trung gian trong giải quyết các công việc tại cấp xã và đúng với mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cần bảo đảm chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, tiết giảm chi phí, không hình thành cấp huyện thu nhỏ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến.
Phát biểu ý kiến tham gia về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân, bảo đảm mức phạt cao hơn so với lợi nhuận thu được từ việc vi phạm. Bên cạnh đó cần có nguyên tắc xử phạt rõ ràng, bảo đảm tính răn đe và ngăn chặn hành vi trục lợi.
Cùng quan tâm đến các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị: Cần tách riêng các quy định về xử phạt VPHC liên quan đến lĩnh vực này để có khung xử phạt phù hợp; bổ sung các hành vi vi phạm của cả người trực tiếp sản xuất và người làm công tác quản lý.
Về trách nhiệm quản lý, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong quản lý an toàn thực phẩm, tránh tình trạng "đùn đẩy" trách nhiệm; tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã trong việc quản lý, kiểm tra các hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, thanh tra trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị quy định rõ thẩm quyền của chủ tọa kỳ họp trong việc xử lý các phát biểu không đi thẳng vào nội dung trọng tâm và cân nhắc giữ nguyên thời gian phát biểu 7 phút, nhưng có quy định xử lý đối với các phát biểu dài dòng, không có nội dung…