Cuộc chiến chống tiền mã hóa của Trung Quốc tiếp tục leo thang

Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây kêu gọi đóng cửa một công ty 'bị nghi ngờ cung cấp dịch vụ phần mềm cho các giao dịch tiền ảo' được coi là động thái mới nhất của Bắc Kinh trong chiến dịch chống tiền mã hóa.

Cuộc chiến chống tiền mã hóa của Trung Quốc tiếp tục leo thang. Ảnh: CNBC.

Theo CNBC, Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa cho biết họ đã kêu gọi đóng cửa một công ty “bị nghi ngờ cung cấp dịch vụ phần mềm cho các giao dịch tiền ảo.”

Ngoài ra, tuyên bố trên cũng đưa ra cảnh báo các tổ chức tài chính không được phép cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền ảo, bao gồm cung cấp mặt bằng kinh doanh hoặc tiếp thị.

Đây cũng không phải lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh bày tỏ quan điểm quyết tâm đối với chiến dịch chống các loại tiền kỹ thuật số.

Vào năm 2013 , quốc gia này đã ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán ngừng sử dụng Bitcoin. Các nhà chức trách Trung Quốc đã cấm giao dịch tiền điện tử vào năm 2017 và cam kết sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các sàn giao dịch tiền điện tử vào năm 2019.

Mới đây, vào tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã siết chặt lệnh cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử. Trong tháng 6 vừa qua, các nhà quản lý nước này đã bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi liên quan đến các giao dịch tiền điện tử.

Cùng tháng đó, các nhà quản lý đã gây áp lực lên các ngân hàng và doanh nghiệp thanh toán ngừng cung cấp dịch vụ tiền điện tử. Các mạng xã hội Weibo – luôn được ví như Twitter của Trung Quốc – cũng đã chặn các tài khoản liên quan đến tiền điện tử.

Những giả thuyết

Tính đến nay, khoảng hơn 50% các cơ sở khai thác Bitcoin trên toàn cầu đã ngừng hoạt động sau khi chính quyền Bắc Kinh mở chiến dịch trấn áp quyết liệt đối với hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin.

“Chính quyền Bắc Kinh đang tìm mọi cách có thể để đảm bảo rằng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác biến mất khỏi hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc”, ông Fred Thiel, Giám đốc điều hành của Marathon Digital Holdings kiêm thành viên của Hội đồng khai thác Bitcoin nhận định.

Trung Quốc liên tục thí điểm phát hành tiền nhân dân tệ kỹ thuật số trong thời gian gần đây. Ảnh: CNBC/ Getty Images.

Một ý kiến cho rằng chiến dịch trên là nhằm thúc đẩy luật nghiêm ngặt hơn trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm nay.

Ông Nic Carter, đối tác sáng lập của Castle Island Ventures nhận định: “Họ đang trấn áp tất cả các loại hành vi phạm pháp.”

Từ trước đến nay, việc phát triển mạnh mẽ của các loại tiền điện tử cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều các vụ phạm tội và hành vi phạm pháp xảy ra. Ông Carter nói thêm rằng vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử thị trường tiền điện tử có thể là Plus Token, là một dự án của Trung Quốc.

Một giả thuyết khác được đưa ra là Trung Quốc đang “dọn đường” cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của riêng mình, một loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương đã được phát triển từ năm 2014 .

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã ra mắt kể từ năm 2014, tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa triển khai đồng nhân tệ kỹ thuật số trên phạm vi toàn quốc. Thay vào đó, Trung Quốc vẫn đang tập trung vào các cuộc thử nghiệm dưới dạng phát lì xì tại một số thành phố lớn.

Vào tháng 4 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), ông Li Bo cho biết, ngân hàng trung ương sẽ mở rộng phạm vi các dự án thử nghiệm và thậm chí có thể thử nghiệm đối với các du khách nước ngoài vào Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

“Một phần của điều này là để đảm bảo việc chấp nhận tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Trung Quốc và hỗ trợ giám sát các hoạt động tài chính kinh tế,” ông Thiel chia sẻ. Về mặt lý thuyết, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể cho phép chính phủ có nhiều quyền lực hơn trong việc theo dõi chi tiêu của người dân.

Về phía những người ủng hộ tiền điện tử như ông Thiel, họ tin rằng lệnh cấm giao dịch Bitcoin và các loại tiền điện tử khác sẽ thực sự có lợi cho thị trường tiền mã hóa trong dài hạn. “Bitcoin đã chứng minh khả năng phục hồi của nó. Các hoạt động khai thác cũng như các giao dịch tiền mã hóa chỉ di chuyển từ Trung Quốc tới những quốc gia có tiềm năng khác mà thôi”, ông Thiel chia sẻ.

“Dù chiến dịch trấn áp của Bắc Kinh ngày càng gia tăng, giá Bitcoin vẫn khá ổn định, điều này cho thấy thị trường đã dần quen với tình trạng này”, ông Carter nhấn mạnh.

Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-chien-chong-tien-ma-hoa-cua-trung-quoc-tiep-tuc-leo-thang-post143482.html