Cuộc chiến chống virus kỳ lạ của cộng đồng Do Thái giáo chính thống

Cộng đồng Do Thái giáo chính thống sống khép kín ở Israel đã phải nhờ đến đối tượng mà họ luôn nhìn với con mắt dè chừng và xem là kẻ thù để chống Covid-19.

Trước khi thị trưởng thành phố Bnei Brak biết được mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thành phố của ông đã trở thành tâm dịch tại Israel.

Bnei Brak là thành phố tập trung người theo Do Thái giáo chính thống ở quận Tel Aviv. Cứ 7 ca nhiễm virus corona ở Israel thì có 1 ca ở Bnei Brak. 1/3 trong số 210.000 dân của thành phố này có nguy cơ nhiễm bệnh.

Chính những phong tục họ đặt ra để bảo vệ truyền thống như giới hạn việc sử dụng công nghệ hiện đại, ác cảm với truyền thông phi tôn giáo và nghi ngờ các tổ chức nhà nước đã khiến cư dân Bnei Brak không tiếp cận được những cảnh báo về dịch bệnh.

Người dân ở đây sống trong các căn hộ chật hẹp san sát nhau. Cuộc sống của họ chỉ có việc cầu nguyện và học tập, những hoạt động có sự tiếp xúc giữa người với người cao. Do đó, nơi đây nhanh chóng trở thành mảnh đất màu mỡ để Covid-19 lây lan.

 Người dân ở Bnei Brak sống sát nhau trong các căn hộ. Ảnh: New York Times.

Người dân ở Bnei Brak sống sát nhau trong các căn hộ. Ảnh: New York Times.

Trong tuyệt vọng, Thị trưởng Avraham Rubinstein đã tìm đến sự giúp đỡ từ đối tượng mà người theo Do Thái giáo chính thống từ lâu xem là mối đe dọa đối với cách sống của họ: lực lượng quân đội.

Quân đội vào cuộc

Hai tuần sau, Bnei Brak vẫn có nhiều ca nhiễm nhất Israel, nhưng tình hình đang nhanh chóng được kiểm soát. Số ca nhiễm mới giảm hơn một nửa, số người được xét nghiệm mỗi tuần đã tăng gấp ba và chỉ có 2.109 người dương tính với virus. Giáo đường và chủng viện Do Thái (yeshiva) đóng cửa.

Đường phố gần như vắng tanh. Vẫn có thể nghe thấy lời cầu nguyện đều đặn, nhưng âm thanh phát ra từ ban công và mái nhà.

Câu chuyện về tình hình ở Bnei Brak là về sự kết nối giữa hai chủ thể mâu thuẫn tàn khốc nhất của Israel: một cộng đồng xem người ngoài là kẻ thù, đặc biệt là quân đội do quân đội là nơi tập trung nhiều người thế tục và những người Israel coi Do Thái giáo chính thống là lạc hậu và là một gánh nặng một phần vì hầu hết họ đều từ chối nghĩa vụ quân sự.

Thị trưởng Rubinstein đã gọi cho thiếu tướng Ronny Numa, cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung ương Israel, vào buổi tối cách đây vài tuần. Sáng hôm sau, ông Numa đã đến quản lý Tòa thị chính.

Các giáo sĩ ở Bnei Brak cuối cùng cũng nhận ra sự nguy hiểm của virus. Các tờ báo của họ bắt đầu đưa tin về cái chết của hàng chục người theo Do Thái Chính thống ở New York, New Jersey và London.

Ông Numa, 53 tuổi, nói với New York Times ông đã cố gắng thể hiện sự bình tĩnh và lý trí giữa những cảm xúc thuẫn. Ông Numa cho chuẩn tướng Ronen Manelis, người từng là phát ngôn viên của quân đội, thăm dò hiểu biết của người dân về tình hình dịch bệnh.

Đại tá Avi Cohen, người chuyên về tác chiến điện tử, đã lắp hệ thống bản đồ theo dõi người nhiễm bệnh, người già, yeshiva, giáo đường và các thông tin khác trên màn hình lớn. Ông Cohen đã biến tòa thị chính thành trung tâm chỉ huy chống Covid-19.

 Thiếu tướng Ronny Numa trong trung tâm chỉ huy chống Covid-19 ở Bnei Brak. Ảnh: New York Times.

Thiếu tướng Ronny Numa trong trung tâm chỉ huy chống Covid-19 ở Bnei Brak. Ảnh: New York Times.

Họ nhanh chóng nhận ra rằng chiến lược Israel dùng đối phó với virus sẽ không hoạt động ở Bnei Brak.

“Ở nơi khác, người bệnh có thể ở trong phòng riêng và những người khác mang đến cho bệnh nhân những thứ họ cần”, ông Manelis nói với New York Times. “Ở đây, mọi người sống cùng nhau. Bạn không thể tách người bệnh ra”.

Để giữ cho những người nhiễm virus không rời khỏi nhà, ông Numa đã thuyết phục quân đội gửi hai lữ đoàn cùng với hàng trăm tình nguyện viên để đưa vật dụng cần thiết, thực phẩm và thuốc cho những nhà có người phải cách ly.

Chỉ riêng hôm 13/4, các binh sĩ giúp tình nguyện viên đưa 2.800 phần ăn lên xe cứu thương và vận chuyển khắp thành phố. Tại một địa điểm xét nghiệm được xây dựng vội vã trong một bãi đậu xe thương mại, xe cứu thương và ôtô đưa những người nghi nhiễm đến gần các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ để lấy bệnh phẩm.

Nỗ lực ngăn virus ở đây khá tốn kém. Các bữa ăn phân phát trong hai tuần đầu tiên tốn hơn 8 triệu USD từ công quỹ và tiền quyên góp. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn là làm thế nào truyền đi thông điệp tại nơi người dân chủ yếu đọc tin tức trên báo giấy.

 Cộng đồng người theo Do Thái giáo chính thống ở Bnei Brak. Ảnh: New York Times.

Cộng đồng người theo Do Thái giáo chính thống ở Bnei Brak. Ảnh: New York Times.

Ông Manelis cho một chiếc xe hơi đi vòng quanh phát loa cảnh báo và đặt quảng cáo trên các tờ báo chính thống. Hàng trăm người dân được tuyển vào để đến từng nhà phát tờ rơi và thu thập thông tin về người bị bệnh hoặc cần giúp đỡ.

Một trung tâm tiếp nhận cuộc gọi đã được thiết lập để xử lý một loạt các câu hỏi và yêu cầu. Hệ thống gọi tự động thường được sử dụng cho các chiến dịch chính trị thực hiện hơn 40.000 cuộc gọi mỗi ngày.

Thay đổi nhận thức

Người Israel cho rằng người theo Do Thái giáo chính thống vi phạm các quy tắc cách ly xã hội bằng việc tiếp tục cầu nguyện và tập trung đông người. Các quan chức chính phủ đã phong tỏa toàn bộ cộng đồng này, bắt đầu ở Bnei Brak.

Thị trấn bên cạnh Bnei Brak, Ramat Gan cũng dựng lên hàng rào với thành phố này vào tuần trước.

 Binh sĩ giúp đưa các phần ăn lên xe để phân phát. Ảnh: New York Times.

Binh sĩ giúp đưa các phần ăn lên xe để phân phát. Ảnh: New York Times.

“Bnei Brak bắt đầu cảm thấy mọi người ghét họ”, ông Manelis nói.

Trái với suy nghĩ của công chúng rằng người dân Bnei Brak không tuân theo quy tắc cách ly xã hội, họ đơn giản là biết về các quy tắc này”, ông Numa cho biết. “Hầu hết họ không biết về dịch bệnh”.

Ông Manelis, 41 tuổi, cho biết ông cũng lo lắng về cái nhìn của những người bên ngoài không theo đạo Do Thái. “Tôi sợ những gì xảy ra ở Bnei Brak và ở Brooklyn có dẫn đến sự căm ghét người Do Thái trên toàn thế giới”, ông chia sẻ.

Trong khi ông Numa và nhóm của ông cố gắng thích nghi với sự nhạy cảm của người địa phương, các giáo sĩ cũng điều chỉnh hoạt động tôn giáo để phù hợp với tình hình chống dịch.

Thông thường, trong Lễ Vượt qua, người dân sẽ tụ tập quanh các đống lửa và đốt chometz, những món ăn lên men như bánh mì bị coi là không sạch sẽ trong lễ này. Năm nay, chometz của mỗi tòa nhà được thu thập và công nhân vệ sinh mang chúng đến bãi rác của thị trấn để các giáo sĩ làm lễ.

Xã hội Israel vốn luôn mâu thuẫn gay gắt về việc miễn nghĩa vụ quân sự cho những người Do Thái cống hiến cuộc đời cho nghiên cứu tôn giáo. Các chính trị gia thường miêu tả Do Thái giáo chính thống như một gánh nặng tài chính còn những người theo Do Thái giáo chính thống xem quân đội là nơi tập trung các thành phần thế tục, chống tôn giáo.

 Một đội y tế khẩn cấp ở Bnei Brak. Ảnh: New York Times.

Một đội y tế khẩn cấp ở Bnei Brak. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, trong hai tuần qua, cư dân Bnei Brak cơ hội tiếp xúc gần với những người lính và họ rất ấn tượng.

“Bỗng dưng một ngày, những chiếc xe quân sự này xuất hiện. Họ đến giúp người già và những người cần sự giúp đỡ đặc biệt”, ông Avshalom Amar, người dân ở Bnei Brak, nói.

“Điều này sẽ khắc sâu vào trái tim tôi. Họ không chỉ bảo vệ biên giới, họ còn đến giúp chúng tôi trong cuộc khủng hoảng này”.

Đại úy Oriel Bibi, chỉ huy huấn luyện lính nhảy dù, cho biết trẻ em tươi cười chỉ vào ông và hét “lính kìa, lính kìa”. Trong khi đó, người lớn tặng ông bánh kẹo.

“Mọi người thật thân thiện và ấm cúng. Và rõ ràng sự hiện diện của tôi không phải điều bình thường ở đây”, ông Bibi nói.

Hàng nghìn người Israel biểu tình nhưng vẫn giữ giãn cách xã hội Hàng nghìn người xếp hàng biểu tình phản đối Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại quảng trường Rabin, thành phố Tel Aviv, Israel.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-chong-virus-ky-la-cua-cong-dong-do-thai-giao-chinh-thong-post1074140.html