'Cuộc chiến' của 140.000 trẻ em mất người thân vì Covid-19 ở Mỹ
Trong khi nước Mỹ đang trong cuộc chiến nảy lửa nhằm ngăn chặn số ca nhiễm và tử vong Covid-19 gia tăng, thì một 'đại dịch' khác đang âm thầm hoành hành sau những cánh cửa đóng kín. Đó là cuộc chiến của những đứa trẻ mất người thân vì Covid-19.
Một nghiên cứu mới, được công bố hôm 7/10 trên tạp chí Nhi khoa Mỹ, ước tính rằng từ tháng 4/2020 đến ngày 30/6 năm nay, hơn 140.000 trẻ em dưới 18 tuổi đã mất cha, mẹ hoặc ông bà, những người chăm sóc, cung cấp nhà ở, các nhu cầu cơ bản cho chúng.
Nghiên cứu tiết lộ rằng không chỉ tỷ lệ tử vong trong cộng đồng da màu tại Mỹ chiếm phần lớn, mà trẻ em trong các cộng đồng này cũng phải đang gánh chịu hậu quả của “đại dịch ngầm” này, Nora Volkow, Giám đốc Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (Nida), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Mặc dù người dân thuộc các nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số chiếm 39% dân số Mỹ, nghiên cứu cho thấy khoảng 65% trẻ em bản địa gốc Tây Ban Nha, người da màu, Châu Á và Mỹ gốc Tây Ban Nha /Alaska đã mất người chăm sóc do hậu quả của Covid. 35% trẻ em da trắng cũng mất đi người chăm sóc.
“Cái chết của cha mẹ là một mất mát to lớn có thể định hình cuộc đời của một đứa trẻ,” Volkow nói. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận định số trẻ em này chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Theo nghiên cứu của Viện Nida: “So với trẻ em da trắng, trẻ em bản địa Mỹ / thổ dân Alaska có nguy cơ mất cha mẹ hoặc ông bà chăm sóc cao hơn 4,5 lần, trẻ em da đen cao hơn 2,4 lần và trẻ em gốc Tây Ban Nha có nguy cơ cao hơn 1,8 lần”.
Nghiên cứu được phối hợp thực hiện giữa Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Đại học Hoàng gia London, Đại học Harvard, Đại học Oxford và Đại học Cape Town. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về tỷ lệ tử vong, khả năng sinh sản và điều tra dân số để ước tính tình trạng mồ côi liên quan đến Covid.
“Giải quyết những mất mát mà những đứa trẻ này đã phải trải qua - và tiếp tục trải qua - phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và điều này phải được đan cài vào tất cả các khía cạnh hoạt động ứng phó khẩn cấp của của nước Mỹ, cả hiện tại và trong tương lai sau đại dịch,” Susan Hillis, một nhà nghiên cứu thuộc CDC Mỹ - đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Volkow khẳng định, nước Mỹ cần hành động nhanh chóng để đưa việc chăm sóc trẻ em vào chiến lược ứng phó Covid quốc gia bằng cách tạo ra một kế hoạch hiệu quả để bảo vệ, giải quyết những bất bình đẳng cơ bản và chênh lệch sức khỏe cho số trẻ em nói trên. Dù vậy, chuyên gia này khẳng định, kế hoạch đó phải ưu tiên nuôi giữ trẻ em trong môi trường gia đình. Nếu điều đó là không thể, Volkow nói, phải có sự giám sát cẩn thận của gia đình nhận nuôi để tránh nguy cơ chúng bị bỏ rơi và lạm dụng.