'Cuộc chiến' cửa hàng tiện lợi: Đại gia ngoại tuyên bố có nghìn cửa hàng, bây giờ ra sao?
7-Eleven, GS25, Circle K, Mini Stop… là những đại gia ngoại từng tuyến bố sẽ có hàng nghìn cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam nhưng hiện còn cách rất xa vạch đích.
Theo Nielsen, thị trường bán lẻ Việt được đánh giá rất tiềm năng, bởi thu nhập của người dân ngày càng tăng, họ có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm thuộc nhóm tiêu dùng và thực phẩm hàng ngày.
Thống kê của Nielsen cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại vài năm qua liên tục tăng, ở mức khoảng 19%. Tín hiệu này khiến các doanh nghiệp bán lẻ ngoại tăng cường bành trướng, cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 chính là phân khúc các đại gia ngoại tấn công mạnh mẽ nhất.
Đại gia ngoại cạnh tranh khốc liệt
Tại TP.HCM, một số khu vực trung tâm và xung quanh các trường học được xem là thiên đường của các cửa hàng tiện lợi. Nhiều cửa hàng của các thương hiệu khác nhau mọc sát vách, thậm chí, các cửa hàng của cùng một thương hiệu cũng đặt rất gần nhau, giành từng khách hàng.
Các góc đường xương cá trong khu vực phố Tây (quận 1) như: Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão… hầu như không thiếu một thương hiệu cửa hàng tiện lợi nào tại Việt Nam, từ Circle K (Mỹ), Mini Stop (Nhật), Family Mart (Nhật) và B's Mart (Thái Lan),...
Thống kê của chúng tôi cho thấy, vây quanh phố Tây Bùi Viện có tất cả 14 cửa hàng tiện lợi, riêng Circle K áp đảo với tổng cộng 10 cửa hàng, nhiều điểm kinh doanh của thương hiệu này nằm cạnh nhau. Dù tập trung một khu vực nhưng lượng người ra vào mua hàng khá ổn định.
"Cơ bản là cửa hàng cũng chỉ bán đồ lặt vặt, khách thường vào mua nước, mì ly, nấu và ăn tại chỗ. Buổi tối có thêm nhiều bạn trẻ, họ thích ăn uống trong này, vừa có chỗ ngồi vừa tám chuyện. Nhiều người ngồi xuyên đêm", Huyền - một nữ nhân viên cho biết.
Nếu như Circle K bành trướng ở khu vực trung tâm quận 1, quận 3 thì Mini Stop lại chọn lãnh địa là các khu vực đông đúc ở Bình Thạnh, Phú Nhuận. Trên một đoạn đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh) chỉ vài trăm mét có đến 3 cửa hàng Mini Stop, đó là chưa nói vừa đến ngã ba, ngã tư giao với đường khác lại có thêm 2-3 Mini Stop khác. Cửa hàng nào cũng có khách, nhất là vào giờ cao điểm, học sinh ngồi kín khu vực ăn uống tự phục vụ.
Đằng sau tham vọng nghìn cửa hàng
Hai thương hiệu ngoại đình đám nhảy vào cạnh tranh "miếng bánh" bán lẻ Việt Nam mà cụ thể là phân khúc cửa hàng tiện lợi gần đây nhất là 7-Eleven (Mỹ) và GS25 của tập đoàn GS Retail (Hàn Quốc). Cuộc đổ bộ này từng khiến ngành bán lẻ Việt dậy sóng và các doanh nghiệp khác phải dè chừng vì năng lực tài chính cũng như sự đón nhận nhiệt tình của người tiêu dùng thế giới dành cho 7-Eleven và GS25.
Giữa năm 2017, 7-Eleven khai trương cửa hàng đầu tiên tại quận 1 và nhanh chóng tạo nên hiện tượng giới trẻ, dân văn phòng xếp hàng dài để chờ mua chai nước, ổ bánh mì.
Chỉ 6 tháng sau, đầu năm 2018, GS52 cũng chính thức có mặt và tạo nên cơn sốt tương tự với cửa hàng tiện lợi đầu tiên đặt tại quận 1.
Tuy nhiên, trái với sức hấp dẫn ban đầu, các cửa hàng tiện lợi của 7-Eleven và GS25 dần kén khách Việt. Có thể thấy, hai "ông lớn" này chỉ chọn mặt bằng là khu vực trung tâm, tập trung nhiều dân văn phòng và các khu vực "nhà giàu" ở TP.HCM.
7-Eleven tuyên bố trong ba năm đầu tiên hoạt động sẽ có 100 cửa hàng và 1.000 cửa hàng sau 10 năm. Nhưng đến nay, sau đúng ba năm hoạt động, 7-Eleven chỉ mới có tổng cộng 43 cửa hàng, chưa đạt một nửa chỉ tiêu và là chuỗi có quy mô bé nhất.
Còn GS25, tuyên bố của đại gia này tại thị trường Việt Nam còn "khủng" hơn, có 2.500 cửa hàng trong 10 năm. Nhưng đến nay, số lượng GS25 chỉ mới 63 cửa hàng, nhỉnh hơn đôi chút so với 7-Eleven. Đáng chú ý, số lượng cửa hàng hiện nay của GS25 là kết quả của sau gần một năm thực hiện nhượng quyền để gia tăng độ phủ.
Circle K hiện nay đang dẫn đầu nhưng chỉ dừng lại với 381 cửa hàng, Mini Stop 147 cửa hàng, FamilyMart 142, B's Mart 108. Đây là các thương hiệu vào Việt Nam từ những ngày đầu và cũng trầy trật. Dù rất tham vọng nhưng các "ông lớn" vẫn còn kém rất xa vạch đích hàng nghìn cửa hàng như đã đặt ra.
Cuộc "cách mạng" không dễ dàng
Các doanh nghiệp ngoại nhảy vào thị trường bán lẻ Việt Nam và rất tự tin ở phân khúc cửa hàng tiện lợi, bởi thời điểm đó, ngoài các tiệm tạp hóa, chợ truyền thống và siêu thị thì cửa hàng tiện lợi vẫn còn mới mẻ đối với người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, việc có thể làm nên một cuộc cách mạng dường như không dễ dàng.
Lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho rằng một trong những khó khăn của cuộc chiến cửa hàng tiện lợi chính là mặt bằng bởi trong tình hình nguồn cung mặt bằng ngày càng khan hiếm, nhất là tại các thành phố lớn, việc đàm phán mặt bằng đáp ứng tiêu chuẩn là không dễ. Đó là chưa nói giá thuê mặt bằng ngày càng đắt đỏ.
Đầu năm nay, trong thời điểm COVID-19, một trong những cửa hàng đầu tiên của 7-Eleven trên đường Pasteur (quận 1) cũng phải đóng cửa trả mặt bằng.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, khoảng thời gian vài năm đầu tiên là thời điểm chịu lỗ nặng nề nhất, do đó, phải có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể trụ được, chứ đừng nói đến mở rộng chuỗi thần tốc.
Chuyên gia bán lẻ, thương hiệu và nhượng quyền Nguyễn Phi Vân bình luận đây là một cuộc chiến "đốt tiền", chỉ dành cho những tay chơi có nguồn lực tài chính lâu dài. Theo đó, chỉ có các đại gia nhiều tiền mới có thể tăng độ phủ để lấy thị phần, sau đó mới quay về tập trung hoạt động, tối ưu hóa lợi nhuận.
Ngoài ra, một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp bán lẻ ngoại gặp khó tại Việt Nam là thiếu am hiểu người tiêu dùng.
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ ngoại mạnh về công nghệ, quản trị nhưng mức độ am hiểu người tiêu dùng Việt lại không bằng doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, bà Hà cho rằng, với một "cuộc chiến" của các đại gia, vừa ngoại vừa nội, thì bao giờ người tiêu dùng cũng sẽ là đối tượng được hưởng lợi.