Cuộc chiến 'David và Goliath' trên thị trường đồ ăn nhanh

Tòa án sơ thẩm của Liên minh châu Âu (EU) vừa ra phán quyết rằng McDonald's, công ty kinh doanh hệ thống nhà hàng đồ ăn nhanh, không được độc quyền gọi bánh burger thịt gà của họ là 'Big Mac'.

Phán quyết này đánh dấu thắng lợi cho Supermac's - chuỗi bán đồ ăn nhanh của Ireland, chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài suốt 17 năm, được ví như cuộc chiến giữa David và Goliath, mở đường cho công ty này mở các cửa hàng trên khắp châu Âu.

Cuộc chiến “Big Mac” là gì?

Cuộc chiến pháp lý bắt đầu vào năm 2015, khi Supermac's - công ty bán đồ ăn nhanh mang đi của Ireland - cố gắng đăng ký tên của công ty tại EU làm thương hiệu cho chuỗi nhà hàng, nhằm mục đích mở rộng sang phần còn lại của châu Âu. Tuy nhiên, họ đã vấp phải sự phản đối của McDonald's liên quan việc đăng ký tên và logo Supermac's.

Bánh mì kẹp thịt gà Big Mac.

Bánh mì kẹp thịt gà Big Mac.

McDonald's lập luận rằng cái tên này quá giống với bánh mì kẹp thịt Big Mac của họ và sẽ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Hãng bán đồ ăn nhanh của Mỹ đã giành chiến thắng một phần vào năm 2016, khi Supermac's chỉ được cấp phép sử dụng thương hiệu này làm tên chuỗi nhà hàng, nhưng không được cấp phép cho nhiều mặt hàng thực phẩm và đồ uống.

Một năm sau, công ty được thành lập năm 1978 tại Ballinasloe (Hạt Galway) đã nộp đơn lên Văn phòng Sở hữu trí tuệ EU (EUIPO) yêu cầu chấm dứt việc McDonald’s sử dụng độc quyền thuật ngữ “Big Mac” trong EU. Họ lập luận rằng thương hiệu này đã không được sử dụng thực sự ở EU dưới hình thức tên chuỗi nhà hàng trong khoảng thời gian 5 năm liên tục và cáo buộc McDonald's đã sử dụng chiến thuật bắt nạt bằng cách đăng ký tên thương hiệu để kìm hãm các đối thủ cạnh tranh trong tương lai, chẳng hạn như ngăn chặn Supermac's mở rộng kinh doanh ở EU.

EUIPO ban đầu chấp thuận yêu cầu của Supermac’s, nhưng sau đó lại tái khẳng định quyền bảo hộ thương hiệu cho bánh mì kẹp thịt “Big Mac” của McDonald's. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý EU phát hiện công ty bán đồ ăn nhanh của Mỹ không thể chứng minh việc sử dụng trên thực tế thương hiệu “Big Mac”, nhãn hiệu đã được đăng ký cho McDonald's vào năm 1996.

Hôm 5/6, Tòa án sơ thẩm châu Âu có trụ sở tại Luxembourg đã thay đổi quyết định của EUIPO, thu hồi quyền sử dụng thương hiệu của McDonald's đối với phiên bản thịt gà của món bánh mì kẹp thịt “Big Mac” mang tính biểu tượng của họ. Tuy nhiên, McDonald's vẫn tiếp tục được giữ thương hiệu này đối với phiên bản thịt bò truyền thống. Phán quyết của tòa nêu rõ McDonald's không chứng minh được rằng trong khoảng thời gian 5 năm liên tục trước khi vụ kiện được đệ trình vào năm 2017, chuỗi bán đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới này đã “thực sự” sử dụng thương hiệu đang tranh chấp đối với các sản phẩm “bánh burger kẹp thịt gà” cũng như các sản phẩm “thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm” và các dịch vụ liên quan của họ.

Phán quyết cho biết thêm, bằng chứng do McDonald's cung cấp không đưa ra bất kỳ “dấu hiệu nào về mức độ sử dụng” thương hiệu Big Mac liên quan sản phẩm được chế biến từ gia cầm, đặc biệt là liên quan doanh số bán hàng, khoảng thời gian thương hiệu đó được sử dụng cũng như tần suất sử dụng nó.

McDonald's có thể kháng cáo phán quyết này lên Tòa án Công lý Liên minh châu Âu, tòa án cao nhất châu Âu.

Tác động tới “người khổng lồ” McDonald's

Phán quyết trên có nghĩa là công ty kinh doanh đồ ăn nhanh đa quốc gia do Mỹ thành lập đã mất quyền sử dụng tên “Big Mac” ở EU cho món bánh burger kẹp thịt gà. Món ăn nhanh này gồm hai miếng thịt gà cốt lết, phô mai, rau diếp, hành tây, dưa chuột muối và nước sốt Big Mac đặc biệt, được bán phổ biến hơn bên ngoài EU.

Hãng tin AP mô tả McDonald's không hề bối rối trước phán quyết này, và họ có thể kháng cáo lên Tòa án Công lý châu Âu. Trong một thông cáo báo chí, McDonald's cho biết phán quyết trên không ảnh hưởng đến quyền sử dụng thương hiệu Big Mac của họ. Tuyên bố cho biết: “Quyết định của tòa án sơ thẩm EU không ảnh hưởng đến quyền sử dụng thương hiệu Big Mac của chúng tôi. Thương hiệu này cực kỳ mạnh trên toàn thế giới, bao gồm cả ở EU, và phán quyết này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sử dụng hoặc bảo vệ thương hiệu của chúng tôi trước sản phẩm làm giả hoặc nhái thương hiệu.

McDonald's đã được cấp đăng ký thương hiệu Big Mac của EU từ năm 1996 và thương hiệu này vẫn có đầy đủ hiệu lực đối với món bánh mì kẹp thịt mang tính biểu tượng mà người hâm mộ trên khắp thế giới đã biết đến và yêu thích. Hợp tác với những người được nhượng quyền, chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục phục vụ Big Mac và cộng đồng địa phương của chúng tôi, như chúng tôi đã làm trong nhiều thập kỷ”.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Supermac, ông Pat McDonagh, hoan nghênh phán quyết mới nhất này là một chiến thắng của David trước Goliath và gọi đó là một phán quyết “hợp lẽ phải”. Theo ông, phán quyết này là “một chiến thắng quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ trên toàn cầu”. Trong khi đó, Matthew Harris, luật sư về sở hữu trí tuệ tại công ty luật Pinsent Masons của Anh mô tả phán quyết này là “lời cảnh tỉnh lớn” đối với chủ sở hữu các thương hiệu/nhãn hàng nổi tiếng: Họ, giống như các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn, phải chứng minh được việc sử dụng thương hiệu của họ hoặc có nguy cơ mất chúng.

Chi Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cuoc-chien-david-va-goliath-tren-thi-truong-do-an-nhanh-i733884/