'Cuộc chiến' điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện Dã chiến số 1 Hà Nam
Kể từ khi số F0 tăng mạnh nhưng chủ yếu ở thể nhẹ, Bệnh viện (BV) Dã chiến số 1 Hà Nam chỉ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng vào điều trị. Với nhiều người, mắc Covid-19 bây giờ là bình thường, nhưng có vào BV Dã chiến mới thấy Covid-19 vẫn thực sự rất đáng sợ. Các bác sỹ, điều dưỡng ở đây vẫn hằng ngày hằng giờ căng sức giành giật sự sống cho bệnh nhân...
Kể từ khi số F0 tăng mạnh nhưng chủ yếu ở thể nhẹ, Bệnh viện (BV) Dã chiến số 1 Hà Nam chỉ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng vào điều trị. Với nhiều người, mắc Covid-19 bây giờ là bình thường, nhưng có vào BV Dã chiến mới thấy Covid-19 vẫn thực sự rất đáng sợ. Các bác sỹ, điều dưỡng ở đây vẫn hằng ngày hằng giờ căng sức giành giật sự sống cho bệnh nhân...
Theo hướng dẫn qua điện thoại của bác sỹ Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, phụ trách BV Dã chiến, tôi đến gặp bác sỹ Phạm Thị Ngọc Anh, Trưởng Khu Cấp cứu BV Dã chiến. Đang làm hồ sơ bệnh án, bác sỹ Ngọc Anh gọi điện tìm một người dẫn tôi vào khu cách ly điều trị. Các bác sỹ, điều dưỡng đang làm trong khu cách ly đều không nghe máy, chắc đang quá bận. Bác sỹ Ngọc Anh gọi một điều dưỡng khác sáng nay không có lịch làm việc trong khu điều trị, thì một cán bộ hành chính ngồi gần đó cho biết anh ấy đang chuyển thi thể một bệnh nhân mới tử vong xuống khu nhà lạnh. Không còn cách nào, bác sỹ Ngọc Anh hỗ trợ tôi mặc quần áo bảo hộ rồi dẫn đến một cánh cửa sắt có khóa, chỉ cho tôi tự lấy chìa mở, rồi khóa lại ngay, và chỉ đường để tôi tự vào.
Khu Cấp cứu của bệnh viện ở ngay tầng 1. Các giường đều kín chỗ với những bệnh nhân nằm mê man giữa một đống dây dợ và máy móc. 9h30 phút sáng, các bác sỹ, điều dưỡng vẫn đang tất bật xử lý cho một cụ già có vấn đề ống xông. Một bệnh nhân có vấn đề về hô hấp, bác sỹ đến xem xét và chỉ định tiêm tăng cường thuốc, điều dưỡng cùng con bệnh nhân (cũng là F0 điều trị tại đây nhưng đã hồi phục) đỡ bệnh nhân để làm vệ sinh... Ở phòng bên cạnh, một bệnh nhân nữ trẻ có vẻ đã khá, không phải thở ô - xy. Nhưng phía trong là 3 cụ già nằm mê man giữa những máy móc. Các điều dưỡng thi thoảng chạy lại xem các chỉ số trên máy gắn ở đầu giường các cụ. Làm việc ở đây, cán bộ y tế đều mặc trang phục bảo hộ, riêng một bác sỹ tên Tuân thì không. Anh nói mới bị lây nhiễm Covid-19 nên không cần thiết mặc trang phục bảo hộ. Đây là lần thứ 3 anh bị lây nhiễm Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ.
Khu Hồi sức ở dãy nhà phía sau. Bệnh nhân vào Khu Cấp cứu sau khi đã đỡ sẽ được chuyển sang Khu Hồi sức. Ở đây có nhiều bệnh nhân đã hồi phục, đi lại bình thường, chủ yếu là người trung tuổi và trẻ. Nhưng cũng có không ít bệnh nhân dù không cần phải có máy móc hỗ trợ nhưng vẫn gắn chặt với chiếc giường, với đủ các loại thuốc, dịch truyền treo ở phía trên đầu giường.
Tại Khu Hồi sức, tôi gặp một người quen làm ở một cơ quan của tỉnh. Anh cho biết bố và hai vợ chồng anh đều điều trị ở đây đã được gần chục ngày. Anh đã khỏe trở lại, nhưng bố anh thì vẫn còn yếu.
Chia sẻ về những ngày điều trị ở đây, anh cho biết nhiều người ở bên ngoài nghĩ rằng Covid-19 giờ là bình thường, nhưng có vào đây mới thấy Covid-19 vẫn thực sự rất đáng sợ. Cái đáng sợ đầu tiên mà anh thấy là bệnh chuyển biến xấu rất nhanh, không lường trước được. Có cụ già nằm cạnh giường bố anh, đêm vẫn chuyện trò bình thường, biếu cụ miếng bánh đa cụ vẫn nhai giòn tan, vậy mà đến gần sáng cụ đột ngột thở rút lên một hồi, dù có máy móc hỗ trợ, bác sỹ cấp cứu nhưng cũng không thể cứu được. Có cụ điều trị đã ổn định, người nhà nghĩ rằng cụ sẽ khá dần lên, nhưng chỉ trong tích tắc cụ đột ngột thở dốc và ra đi, cấp cứu không có hiệu quả... Hầu hết đều nghĩ rằng chỉ người già và có bệnh nền, người chưa tiêm vắc - xin mới đáng lo, người trẻ, không bệnh nền, đã tiêm đủ mũi vắc - xin không đáng lo, nhưng không hẳn là thế. Ví dụ điển hình là vợ anh. Vợ anh còn trẻ, không bệnh nền, đã tiêm 3 mũi vắc - xin, nhưng vì trước khi mắc bệnh có thức đêm chăm sóc các con nhỏ bị Covid-19 nên kiệt sức. Vì thế khi mắc Covid-19 vợ anh mệt rất nhanh. May là anh không chủ quan, thường xuyên đo chỉ số SPO2 cho vợ, khi phát hiện SPO2 xuống dưới 90 anh lập tức báo cán bộ y tế để chuyển vợ vào BV Dã chiến mới cấp cứu kịp. Giờ nghĩ lại anh vẫn thấy sợ, nếu không cẩn thận, không đo SPO2 liên tục cho vợ thì không thể nói trước được chuyện gì,...
Anh cũng chia sẻ, gần như ngày nào ở BV cũng thấy có ca tử vong, có ngày đến vài ca. Những bệnh nhân đã hồi phục và là nam giới thường xuyên hỗ trợ nhân viên y tế đưa thi thể bệnh nhân tử vong vào túi chuyên dụng để họ vận chuyển xuống nhà lạnh chờ đơn vị tổ chức tang lễ đến đưa đi xử lý theo quy trình. Người thân mất vì dịch bệnh, xa gia đình, người nhà đau xót lắm. Mọi người ở đây đã quen với việc ngửi thấy mùi hương từ nhà lạnh đưa lại, nghe những tiếng khóc nén chặt, những giọt nước mắt lăn dài của người thân (họ cũng từng là F0 đã khỏi bệnh) khi người nhà họ không qua khỏi. Ở trong một môi trường sự sống và cái chết chỉ gần trong gang tấc, mọi người càng thấy rõ sự khốc liệt của “giặc” Covid-19, và càng biết san sẻ, đồng cảm, hỗ trợ nhau.
Anh cũng cho biết, có ở đây mới thấy cán bộ y tế vất vả như thế nào. Họ mặc quần áo bảo hộ và liên tục đi, chạy, đứng, cúi, mình nhìn thôi cũng thấy mệt...
Hơn 11h trưa, các điều dưỡng sau gần 5 giờ tất bật vẫn chưa xong việc. Trời lạnh mà hơi nóng, mồ hôi đọng thành giọt sau tấm kính chắn giọt bắn. Một bệnh nhân mới được xe cấp cứu chuyển đến. Các bác sỹ, điều dưỡng lại khẩn trương xếp giường, khám, đo các chỉ số, nối máy móc,...
Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Anh, Trưởng Khu Cấp cứu chia sẻ, dù bây giờ không phải là thời điểm BV nhiều bệnh nhân nhất (thời gian cao điểm BV có trên 200 bệnh nhân, hiện tại khoảng trên 100 bệnh nhân), nhưng các bác sỹ, điều dưỡng thực sự áp lực, vất vả bởi đều là bệnh nhân nặng. Với Covid-19, diễn biến bệnh đột ngột là chuyện bình thường. Có những bệnh nhân vào đây tình trạng suy hô hấp sẵn, hoặc có người đang thở ô - xy, diễn biến bệnh dần xấu đi, được đặt nội khí quản thở máy thì cũng dễ hiểu. Nhưng có những bệnh nhân vẫn đang bình thường đột ngột ngừng tuần hoàn. Có bệnh nhân vào viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, các bác sỹ đã nỗ lực cấp cứu thành công, nhưng hôm sau lại tử vong. Có ngày có đến mấy bệnh nhân tử vong. Các bác sỹ, điều dưỡng rất nỗ lực, nhiều người bị mắc Covid-19 nhưng triệu chứng nhẹ vẫn làm việc. Hầu hết các bệnh nhân được chữa khỏi và ra viện. Tuy nhiên, cũng không ít người không qua khỏi, chủ yếu là các cụ già nhiều bệnh nền, nhiều cụ lại chưa tiêm vắc - xin phòng Covid-19. Những lúc ấy người thân đau thương, các bác sỹ buồn bã, bất lực, nhưng quả thực không thể làm thế nào được, Covid-19 quá khốc liệt...
Tôi cởi bộ đồ bảo hộ trước khi ra ngoài. 2 tiếng mặc bộ đồ bảo hộ tôi gần như kiệt sức, mồ hôi ướt hết tóc, mặt đỏ bừng. Vậy mà các điều dưỡng ở đây, mỗi ngày họ làm việc 6 tiếng liên tục trong bộ đồ bảo hộ. Bác sỹ Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, phụ trách BV Dã chiến cho biết, hiện có 70 cán bộ y tế của BVĐK và BV Sản-Nhi làm việc tại đây. Thời gian trước, các cán bộ, nhân viên được cử đến BV đều phải cách ly, làm việc 2 tháng liên tục mới được thay ca về nhà. Từ 19/3, xác định còn phải “chiến đấu” lâu dài, để bảo đảm sức khỏe cho anh em, BV quyết định cứ nửa tháng lại luân phiên kíp làm việc tại đây.
Sau hơn 2 năm hoành hành, Covid-19 đã giảm độ khốc liệt đi rất nhiều, tuy nhiên nó vẫn còn rất đáng sợ. Và cùng với các cán bộ y tế trên cả nước, các y, bác sỹ tại BV Dã chiến số 1 Hà Nam vẫn đang từng ngày từng giờ nỗ lực tập trung điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng, giành lại sự sống cho nhiều người.