Cuộc chiến đóng cửa lãnh sự quán Mỹ-Trung: Lợi, hại thế nào?
Hành động đóng cửa lãnh sự quán mang tính biểu tượng là đóng lại các kênh giao tiếp giữa hai nước trong thời điểm hai bên cần đối thoại chiến lược hơn lúc nào hết.
Ngày 21-7, Bộ Ngoại giao Mỹ bắn phát pháo đầu tiên khơi mào cuộc chiến đóng cửa lãnh sự quán (LSQ) Mỹ - Trung bằng cách lệnh Bắc Kinh trong vòng 72 giờ phải đóng cửa LSQ Trung Quốc (TQ) ở TP Houston (bang Texas) với cáo buộc đây là ổ gián điệp. Ngày 24-7, Mỹ tiếp quản LSQ TQ ở Houston.
Ngày 24-7, TQ trả đũa bằng cách yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ rời LSQ ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) trong 72 giờ. Đến ngày 27-7, TQ chính thức tiếp quản LSQ Mỹ tại Thành Đô.
Đối ngoại “bện” vào đối nội
Nguyên nhân sâu xa khiến Mỹ bắn phát pháo này là gì? Nhà nghiên cứu Paul Heer cho rằng quyết định đóng cửa LSQ TQ ở Houston có vẻ là một sản phẩm của chiến lược vận động tái tranh cử của chính phủ Tổng thống Donald Trump, đó là nhấn mạnh sự đe dọa TQ gây ra với Mỹ. Bước đi này không chỉ giúp ông Trump lái sự chú ý khỏi cách ông xử lý dịch COVID-19 mà còn tấn công cả đối thủ Joe Biden rằng ông này quá mềm yếu và không đủ sức đối phó TQ.
Ông Heer là nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức nghiên cứu chính sách công Trung tâm Vì quyền lợi quốc gia (Mỹ), chuyên về các vấn đề TQ và Đông Á. Ông từng là đại diện Tình báo Quốc gia Mỹ phụ trách khu vực Đông Á giai đoạn 2007-2015.
Đồng tình với nhà nghiên cứu Heer, chuyên gia Orville Schell (Giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung tại Hội châu Á ở New York) cũng cho rằng chính trị nội địa ở Mỹ trước kỳ bầu cử tổng thống tháng 11 tới có thể cũng có vai trò trong việc Mỹ đóng cửa LSQ TQ. Hay nói cách khác, chính sách đối ngoại của Mỹ đã bị “bện” vào các vấn đề nội địa, mà lớn nhất là cuộc bầu cử sắp tới.
Sai lầm chiến lược của Trung Quốc
Để Mỹ đi tới nước đóng cửa LSQ thì TQ cũng phải nhìn lại mình. Tại hội nghị trực tuyến ở Singapore ngày 23-7, nhiều nhà phân tích cho rằng TQ đã mắc sai lầm chiến lược trong quan hệ với Mỹ. Sai lầm này không chỉ ở việc TQ tiếp chiêu cuộc chiến đóng cửa LSQ với Mỹ mà nằm sâu xa ở chỗ TQ không còn “đồng minh” nào ở Washington. “Đồng minh” ở đây ý muốn nói đến các nhân vật, tổ chức quan trọng ở Mỹ ủng hộ TQ.
Cố vấn cấp cao Robert Kaplan tại Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) cho rằng thời điểm này TQ không còn quan chức hay nghị sĩ Mỹ nào ủng hộ, kể cả các nhân vật Dân chủ vốn không thuận hòa với chính phủ Cộng hòa của ông Trump. Bên cạnh đó, theo chuyên gia Kishore Mahbubani tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc ĐH Quốc gia Singapore, “sai lầm chiến lược lớn nhất” của TQ là xa lánh để rồi đánh mất sự ủng hộ lớn của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.
Nhớ lại hồi giữa thập niên 1990, khi Tổng thống Bill Clinton muốn rắn tay về thương mại với TQ, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã ngay lập tức ngăn cản với lý do TQ là thị trường lớn với Mỹ. Tuy nhiên, mọi việc hoàn toàn khác thời điểm này. Khi ông Trump mở màn cuộc thương chiến với TQ, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã không lên tiếng.
Quan hệ Mỹ - Trung tới đây thế nào sẽ tùy vào ai là tổng thống Mỹ tiếp theo.
Chuyên gia ROBERT DALY,
Giám đốc Trung tâm Wilson thuộc Viện Kissinger về TQ và Mỹ
Lợi, hại còn phải bàn
Đóng cửa LSQ có thể dẹp được một công cụ phục vụ các hành vi ác ý của hai bên nếu đúng như các cáo buộc công khai từ hai nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng động thái này của hai bên lợi không bằng hại.
Có thể còn quá sớm để nói chắc hai bên sẽ làm gì tiếp theo nhưng nhiều khả năng cuộc chiến đóng cửa LSQ sẽ còn leo thang nữa. Ông Trump từng cảnh cáo ông có thể sẽ nhận lấy “vai trò chính” trong quá trình buộc TQ phải giảm thái độ đối đầu và vị tổng thống này được cho là đang cân nhắc đóng cửa thêm LSQ TQ ở Mỹ. Ngoài LSQ ở Houston, TQ còn có đại sứ quán ở thủ đô Washington, D.C., các LSQ ở các TP New York, Chicago, San Francisco, Los Angeles.
Trong khi đó, chuyên gia Schell và chuyên gia Robert Daly (Giám đốc Trung tâm Wilson thuộc Viện Kissinger về TQ và Mỹ) cho rằng phương án trả đũa tiếp theo của TQ khả năng sẽ nhắm đến LSQ Mỹ ở Vũ Hán. Tuy nhiên, thời điểm này, LSQ Mỹ ở Vũ Hán gần như không còn hoạt động sau khi nhân viên về nước để tránh đại dịch đầu năm nay. Vì thế, TQ có thể sẽ có bước đi thực chất hơn là lệnh đóng cửa LSQ Mỹ ở Hong Kong. Ông Hu Xijin, Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo,cũng đồng tình khả năng này. Theo ông này, “thậm chí nếu không đóng cửa thì TQ cũng có thể cắt giảm nhân sự” ở đây và gây khó khăn cho Mỹ.
Dù phương án nào xảy ra đi nữa thì theo các chuyên gia, sức nặng đòn trả đũa của hai bên sẽ tương đương nhau. Các bất tiện mà Mỹ gây ra với các nhà ngoại giao TQ sẽ được TQ đáp lại tương đương với các nhà ngoại giao Mỹ. Cuối cùng, dù cuộc chiến có được giải quyết thế nào thì cũng sẽ làm tăng nhận thức tiêu cực của hai bên về nhau. Thực tế này liệu có làm lợi cho bất kỳ mục tiêu chính sách nào của hai bên không thì còn phải bàn.
Ngoài khả năng leo thang trước mắt, theo nhiều nhà phân tích, hai nước cũng chưa chú ý đúng mức đến các hệ lụy chiến lược về dài hạn khi tăng thêm sự đối đầu và thù địch trong quan hệ. Hành động đóng cửa LSQ mang tính biểu tượng đóng lại các kênh giao tiếp giữa hai nước, trong thời điểm hai bên cần đối thoại chiến lược và tăng cường hiểu biết lẫn nhau hơn lúc nào hết. Diễn biến này tiếp sức kéo quan hệ Mỹ - Trung xuống thấp nhanh hơn nữa.
Tại sao Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô mà chưa phải ở Hong Kong?
Khảo sát của Hoàn Cầu Thời Báo cho thấy 2/3 người gốc đại lục ở Hong Kong khi được hỏi đều nói muốn chính phủ đóng cửa LSQ Mỹ ở đây để trả đũa không chỉ việc Mỹ đóng cửa LSQ TQ ở Houston mà còn liên quan vụ luật an ninh quốc gia.
Trong khi LSQ ở Houston nhỏ hơn nhiều so với các LSQ khác của TQ ở San Francisco, New York, Chicago thì LSQ ở Hong Kong được xem là cơ sở ngoại giao quan trọng thứ hai của Mỹ tại TQ sau đại sứ quán ở Bắc Kinh. Đóng cửa LSQ Mỹ ở Hong Kong sẽ là một sự kiện nghiêm trọng.
Suốt thời gian căng thẳng qua, TQ luôn phản ứng tương xứng với các động thái của Mỹ, có thể thấy điều này qua cuộc chiến thương mại. Đó là lý do tại sao lúc này TQ chọn đóng cửa LSQ Mỹ ở Thành Đô mà không phải ở Hong Kong.