Cuộc chiến đốt tiền

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp tục là chiến trường gây tiêu tốn nhất trong lịch sử hiện đại của thế giới trong những năm gần đây.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Mỹ vừa công bố gói viện trợ mới nhất cho Ukraine trị giá 1 tỷ USD, trong khi đó giới chức Kiev tiết lộ mỗi ngày nước này tiêu tốn khoảng 100 triệu USD cho chiến dịch quân sự chống Nga.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp tục là chiến trường gây tiêu tốn nhất trong lịch sử hiện đại của thế giới trong những năm gần đây. Dòng tiền viện trợ và vũ khí từ phương Tây tiếp tục đổ về Ukraine để giúp nước này phản công chống lại lực lượng Nga, trong khi cuộc chiến ngày càng gia tăng về mức độ khốc liệt.

Trong chuyến thăm bất ngờ Ukraine của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/9, quan chức này đã công bố thêm gói viện trợ mới trị giá hơn 1 tỷ USD của Washington dành cho Kiev. Trong đó bao gồm khoản cam kết hỗ trợ quân sự dài hạn trị giá 175 triệu USD, hơn 200 triệu USD hỗ trợ cải cách lĩnh vực tư pháp, 206 triệu USD viện trợ nhân đạo và hơn 90 triệu USD hỗ trợ rà phá bom mìn.

Bên cạnh khoản tài chính nói trên, Mỹ cũng sẽ gửi thêm cho Ukraine các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), tên lửa chống tăng Javelin, xe tăng Abrams và các hệ thống vũ khí khác. Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo họ cũng sẽ gửi đạn uranium nghèo, loại đạn có hiệu quả cao trong việc xuyên thủng các xe bọc thép cho Ukraine.

Loại đạn có tính phóng xạ nhẹ này được làm từ kim loại đậm đặc, là sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Số đạn đặc biệt này có thể được Mỹ gửi kèm với lô xe tăng Abrams, dự kiến sẽ đến Ukraine vào mùa Thu năm nay. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Washington “không ảo tưởng” rằng con đường phía trước ở Ukraine sẽ dễ dàng, nhưng nhấn mạnh sẽ hỗ trợ liên tục của Mỹ cho Ukraine.

Hiện tại Ukraine vẫn được các đồng minh Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, duy trì dòng chảy viện trợ tài chính và vũ khí cho cuộc phản công lực lượng Nga. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chiến dịch quân sự của Ukraine chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới khi mùa Đông đang đến gần. Điều này đồng nghĩa cuộc chiến sẽ còn chứng kiến thời gian “đốt tiền” nhiều hơn nữa cho Ukraine.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 5/9, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm của Ukraine là Aleksey Reznikov tiết lộ nước này tiêu tốn khoảng 100 triệu USD mỗi ngày trong chiến dịch quân sự chống Nga. Trong khi đó, tính tổng cộng từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt hồng tháng 2/2022, Ukraine đã nhận tổng cộng khoảng 100 tỷ USD viện trợ từ các đối tác quốc tế.

Trong đó, riêng Mỹ đã viện trợ 66,2 tỷ USD cho Kiev, trong đó bao gồm 43,1 tỷ USD viện trợ quân sự trực tiếp và hàng chục tỷ USD các khoản hỗ trợ ngân sách, tái thiết. Trong khi đó, giới chức Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và phương Tây đang trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột khi trang bị vũ khí cho Ukraine.

Ngoài những tốn kém do hoạt động trên chiến trường mang lại cho cả Ukraine và Nga, nền kinh tế của hai nước này tiếp tục hứng chịu tổn thất trầm trọng từ cuộc xung đột. Quan chức Nga ngày 7/9 đề xuất cấm xuất khẩu dầu mỏ tạm thời trong thời gian tới để ổn định thị trường nội địa đang có nguy cơ khan hiếm.

Nga là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nên việc buộc phải dừng xuất khẩu do nguy cơ trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường quốc tế cũng như nguồn tài chính phục vụ cho cuộc chiến của Moscow tại Ukraine.

Đức Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuoc-chien-dot-tien-post653430.html