Cuộc chiến giành giật nhà máy LCD của Sharp

Nguyên nhân nào khiến hàng loạt công ty lớn của Nhật Bản, bao gồm SoftBank, KDDI, đang trong cuộc chiến mua lại nhà máy LCD của Sharp?

Đầu tháng 6, nhà mạng Nhật Bản KDDI cho biết sẽ làm việc với Sharp để biến nhà máy sản xuất tấm nền LCD tại thành phố Sakai thành trung tâm dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI). Bốn ngày sau, SoftBank – công ty viễn thông thuộc Tập đoàn SoftBank của “ông trùm” Masayoshi Son cho biết đã giành được “đàm phán độc quyền” để mua phần lớn cơ sở từ Sharp.

SoftBank và KDDI chỉ là hai trong số các công ty đang chạy đua để biến nhà máy của Sharp thành một trung tâm dữ liệu AI khổng lồ. Theo nguồn tin của Nikkei, một doanh nghiệp thứ ba gần đây cũng đang đàm phán về vấn đề này.

Nhà máy Sakai nằm trong một khu công nghiệp rộng khoảng 700.000 m2 được xây dựng trên vùng đất khai hoang ở vịnh Osaka. Đây là nhà máy sản xuất màn hình TV cỡ lớn chính của Sharp. Tuy nhiên, hãng sẽ ngừng sản xuất vào tháng 9 trước sức ép cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc.

Quyết định này đã mở ra một cuộc tranh giành để tái sử dụng nhà máy.

Nhà máy LCD của Sharp trở thành mục tiêu "giành giật" của các công ty lớn Nhật Bản để chuyển đổi thành các trung tâm dữ liệu phục vụ AI. Ảnh: Kyodo

Nhà máy LCD của Sharp trở thành mục tiêu "giành giật" của các công ty lớn Nhật Bản để chuyển đổi thành các trung tâm dữ liệu phục vụ AI. Ảnh: Kyodo

SoftBank thông báo đang đàm phán mua tới 60% cơ sở Sakai, bao gồm nhà máy sản xuất bảng điều khiển TV chính cũng như các nhà máy khí đốt và điện. SoftBank nói sẽ chuyển đổi nhà máy thành một trung tâm dữ liệu khi tìm cách thúc đẩy các doanh nghiệp AI.

Hồi tháng 5, Nikkei đưa tin tập đoàn SoftBank dự định chi 10 nghìn tỷ yên (63 tỷ USD) để biến mình thành một tên tuổi AI lớn. Trong cuộc họp trước đây, Junichi Miyakawa, Chủ tịch kiêm CEO SoftBank chia sẻ tham vọng trở thành "công ty dẫn đầu thị trường về AI tạo sinh" và công nghệ mới sẽ là "trụ cột trong tầm nhìn dài hạn của công ty", chuyển trọng tâm sang AI trong tương lai.

SoftBank cũng đang phát triển mô hình AI ngôn ngữ lớn của riêng mình phù hợp với tiếng Nhật.

Về phần mình, trong thông cáo báo chí, KDDI cho biết đã tham gia đàm phán với Sharp cùng với các công ty bao gồm nhà xây dựng máy chủ Super Micro Computer của Mỹ, nhằm xây dựng "một trong những trung tâm dữ liệu AI lớn nhất ở châu Á", sử dụng 1.000 đơn vị hệ thống AI tiên tiến của Nvidia. Tuy nhiên, điều này sẽ khó khăn hơn khi SoftBank nhảy vào. KDDI có thể đàm phán mua phần còn lại của cơ sở Sakai mà SoftBank không mua.

Theo người phát ngôn KDDI, công ty vẫn theo đuổi mục tiêu ban đầu và điều quan trọng là sức mạnh tính toán, chứ không phải diện tích khu đất mà trung tâm dữ liệu sẽ được xây dựng.

Dù vậy, nguồn tin của Nikkei tiết lộ, các cuộc đàm phán dường như rất căng thẳng. Một giám đốc của một công ty Nhật Bản khác gần đây đã đàm phán với Sharp nói rằng các cuộc thảo luận đã bị trì hoãn vì Sharp thay đổi đề nghị giữa chừng và đề xuất ông sử dụng các nhà máy LCD khác, thay vì cơ sở Sakai, để đặt các trung tâm dữ liệu. Ông nghe nói SoftBank ban đầu muốn mua lại tất cả diện tích có sẵn của nhà máy Sakai.

Cuộc tranh giành nhà máy LCD của Sharp để chuyển đổi thành một trung tâm dữ liệu AI cho thấy nhu cầu năng lực tính toán AI cấp thiết của Nhật Bản vì việc thiết lập các data center từ số không có thể mất nhiều năm. Bên cạnh đó, thị trường trung tâm dữ liệu ở đây đang trong tình trạng cung không đủ cầu và dự đoán khó cải thiện trong ngắn hạn do nhu cầu mạnh mẽ và hạn chế về điện. Mức tiêu thụ điện năng trên mỗi m2 của các cơ sở này nhiều hơn ít nhất 10 lần so với văn phòng bình thường nên rất khó tìm được vị trí lý tưởng.

SoftBank mong muốn bắt đầu hoạt động tại Sakai vào năm 2025. Điều làm cho cơ sở Sakai đặc biệt thích hợp để chuyển đổi sang trung tâm dữ liệu AI là các tiện ích điện và tài nguyên nước có thể được sử dụng cho mục đích làm mát.

Cơ sở Sakai, mở cửa vào năm 2009, được xem là viên ngọc quý của Sharp. Tuy nhiên, Sakai không đạt được kỳ vọng khi các đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc nhảy vào và các công nghệ mới như OLED xuất hiện. Dù sắp ngừng sản xuất, khả năng xử lý nhu cầu năng lượng cao đối với sản xuất LCD vẫn còn.

Một phát ngôn viên của SoftBank cho biết Sakai cũng đầy hứa hẹn nhờ vị trí của nó. Với nhiều trung tâm dữ liệu nằm gần Tokyo, sẽ rất hữu ích khi phân tán sức mạnh tính toán để ngăn chặn sự gián đoạn trong trường hợp xảy ra thảm họa. Đó là lý do tại sao công ty cũng đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu AI ở Hokkaido.

(Theo Nikkei)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-chien-gianh-giat-nha-may-lcd-cua-sharp-2294527.html