Cuộc chiến giành quyền kiểm soát 'màn hình thứ tư'
Ngành công nghiệp ô tô và các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đang lao vào cuộc chiến giành quyền kiểm soát màn hình của bảng điều khiển ô tô, được xem là 'màn hình thứ tư' sau màn hình tivi, máy tính và điện thoại di động.
Miếng bánh khổng lồ từ “màn hình thứ tư”
Trung bình mỗi tài xế Mỹ chỉ dành 51 phút lái xe trên đường mỗi ngày, theo kết quả khảo sát của Quỹ An toàn giao thông AAA, có trụ sở ở Washington. Để nâng cao con số này, các hãng xe đang tìm cách phát triển màn hình bảng điều khiển ô tô để giúp thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng. Một số hãng xe lo ngại các ông lớn công nghệ ở Thung lũng Silicon dẫn đầu là Alphabet (công ty mẹ của Google) và Apple sẽ giành quyền kiểm soát các màn hình bảng điều khiển ô tô thông qua các hệ điều hành Android và iOS của họ.
Một số hãng xe trông cậy hoàn toàn vào các hệ điều hành do Google cung cấp cho các màn hình bảng điều khiển. Một số hãng xe khác đang đặt cược rằng họ có thể huy động sức mạnh công nghệ để cạnh tranh với Google và Apple.
Trên các màn hình bảng điều khiển ô tô trong tương lai, thông tin quảng báo về các nhà hàng, các phòng khám và các dịch vụ khác của địa phương sẽ được hiển thị tùy vào tuyến đường mà xe đang đi qua. Một số chuyên gia còn hình dung rằng người dùng có thể xem một chương trình truyền hình ở nhà và sau đó, nếu có việc phải đi, họ có thể tiếp tục xem chương trình này trên màn hình bảng điều khiển xe.
Một số công ty đang phát triển các tính năng cho phép người dùng đặt mua và thanh toán xăng, cà phê và nhiều hàng hóa khác từ màn hình bảng điều khiển ô tô.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường McKinsey & Co., các sản phẩm được thúc đẩy bởi dữ liệu từ ô tô kết nối, bao gồm các quảng cáo dựa vào địa điểm của xe và các ứng dụng dự báo thời điểm bảo dưỡng xe, có thể tạo ra doanh thu lên đến 750 tỉ đô la vào năm 2020.
Ky Tang, Giám đốc điều hành của Công ty Telenav, chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo dựa trên bản đồ lộ trình cho các hãng xe, nói: “Chúng tôi xem đây là cuộc chiến giành quyền kiểm soát màn hình thứ tư sau màn hình tivi, máy tính và điện thoại di động”.
Trong cuộc chiến này, các hãng xe vấp phải một bất lợi, đó là những dòng xe mới cần mất nhiều năm thiết kế và phát triển. Trong khi đó, các khách hàng có xu hướng sử dụng xe của họ lâu hơn so với smartphone và các màn hình của các dòng xe cũ lại không thể cập nhật các tính năng mới. Ngoài ra, nhiều hãng xe cũng ngại chi tiền phát triển hệ thống điện tử tốn kém
Nhiều hãng xe phát triển hệ điều hành riêng
Hãng xe Volkswagen (Đức) quyết định phát triển bộ não máy tính riêng cùng kho ứng dụng và dịch vụ riêng cho các dòng xe mới của hãng này vì muốn kiểm soát các luồng dữ liệu của người dùng từ bảng điều khiển ô tô.
Herbert Diess, Giám đốc điều hành Volkswagen, nói: “Giống như hệ điều hành Android và iOS, chúng tôi đang phát triển hệ điều hành vw.os để làm nền tảng cho các ứng dụng và dịch vụ trên xe của chúng tôi”.
Năm 2016, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai đã tiếp cận ông Diess để đề nghị lắp đặt hệ điều hành Android cho các màn hình trên xe của Volkswagen và cho phép tiếp cận thông tin về mức nhiên liệu còn trên xe để đưa ra các hướng dẫn đi đến trạm xăng gần nhất. Song Diess không đồng ý vì lo ngại Google sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh hơn là đối tác.
Hãng xe BMW (Đức) cũng không cho phép sử dụng hệ điều hành Android trên các màn hình bảng điều khiển.
BMW đang xây dựng một hệ điều hành riêng sau một cuộc khảo sát khách hàng vào năm 2015 phát hiện ra rằng, không ai sử dụng các màn hình đa phương tiện đắt tiền do BMW thiết kế, thay vào đó, họ sử dụng smartphone để nghe nhạc và xem thông tin hướng dẫn lộ trình khi đang lái xe.
Vào cùng năm đó, BMW cùng hai hãng xe khác của Đức, Volkswagen và Daimler, mua công ty bản đồ trực tuyến HERE với giá 3,1 tỉ đô la để phát triển các ứng dụng bản đồ của riêng họ, thay vì để các tài xế sử dụng các ứng dụng bản đồ của Google.
Hãng xe Daimler đã xây dựng một phần mềm cho hệ thống truyền thông đa phương tiện mới có tên gọi MBUX sử dụng ở các dòng xe thuộc thương hiệu Mercedes-Benz. Hệ thống này, bao gồm trợ ảo giọng nói Hey Mercedes, cho phép kiểm soát sự tiếp cận từ bên ngoài và những gì hiển thị trên màn hình bảng điều khiển của xe.
Năm 2017, hãng xe Ford (Mỹ) đã thuê 400 kỹ sư từ Công ty BlackBerry để nâng cao chất lượng của phần mềm riêng cũng như phát triển các tính năng số hóa mới dành cho các dòng xe của Ford.
Google thống lĩnh hệ điều hành trên ô tô
Trong khi đó, hãng xe General Motors (Mỹ) sử dụng phần mềm miễn phí của Google rồi sau đó tùy chỉnh để tạo ra trải nghiệm riêng cho người dùng. Phần mềm của Google đang chiếm 19% trong số tất cả hệ điều hành được sử dụng trên ô tô hiện nay và con số này sẽ tăng lên gần 1/3 vào năm 2024, theo Công ty phân tích dữ liệu IHS Markit.
Google lấn sân vào lĩnh vực phần mềm ô tô như là một phần của chiến lược cung cấp các dịch vụ và nội dung khắp các nền tảng sử dụng hệ điều hành Android, cho phép khách hàng tiếp cận đời sống số hóa của họ trên nhiều màn hình khác nhau, giúp Google thu về doanh thu quảng cáo trực tuyến 82 tỉ đô la vào năm ngoái.
Năm ngoái, liên minh ba hãng xe Nissan - Renault - Mitsubishi đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Google để lắp đặt hệ điều hành Android vào 10,6 triệu xe mà liên minh này bán ra trên toàn cầu mỗi năm.
Vào năm tới, hãng xe Volvo sẽ giới thiệu một hệ điều hành mới do Google phát triển cho thương hiệu Polestar của Volvo. Màn hình của Polestar được thiết kế giống như máy tính bảng điện tử được tích hợp dịch vụ bản đồ Google Maps và gọi điện thoại Google Voice. Các tài xế của Polestar cũng có thể tải các ứng dụng từ kho ứng dụng Google Play về màn hình của xe. Các lãnh đạo Volvo lo ngại rủi ro nếu chi tiền quá lớn để phát triển hệ điều hành riêng nhưng khó có khả năng đánh bại sự thống lĩnh của hệ điều hành Android.
Theo Wall Street Journal
Chánh Tài