'Cuộc chiến' giành suất vào lớp 10 ngoài công lập (bài 2)
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023- 2024 của Hà Nội có hơn 100.000 thí sinh dự thi. Theo kế hoạch phân luồng sau bậc THCS, Hà Nội tuyển trên 72.000 học sinh vào trường công lập; tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 em; tuyển vào các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 em và tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 em.
Với chính sách phân luồng này, nếu xét về mặt lý thuyết, Hà Nội không thiếu chỗ học nếu học sinh trượt lớp 10 công lập. Tuy vậy, trong mùa tuyển sinh năm học 2023-2024, chuyện hi hữu đã xảy ra, đó là hiện tượng phụ huynh xếp hàng từ sớm, thậm chí từ đêm hôm trước tại một số trường THPT ngoài công lập để mong có thể được nộp hồ sơ nhập học cho con. Từ câu chuyện trên, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề cốt lõi mà phụ huynh quan tâm hiện nay không còn câu chuyện “hết công, học tư” mà là chất lượng giáo dục.
Phụ huynh xuyên đêm xếp hàng để nộp hồ sơ vào lớp 10
Tại trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa), dù lịch nộp hồ sơ là trong ngày 5/7 nhưng từ 12 giờ đêm 4/7, cổng trường đã đông kín cả trăm phụ huynh xếp hàng chờ mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Nhiều người trong số họ đã có mặt ở đây từ lúc 19h tối 4/7, mang theo ghế nhựa và nước uống, xuyên đêm xếp hàng lấy số thứ tự chờ đến giờ nộp hồ sơ. Các phụ huynh tự phát ghi danh sách theo thứ tự người đến trước để sáng hôm sau làm "bằng chứng xếp hàng" gửi trường.
Cảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm hoặc tập trung đông tại khu vực cổng trường để nộp hồ sơ cho con cũng xảy ra với Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng); THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa). Đây là những ngôi trường mới nổi trong những năm gần đây và được phụ huynh đánh giá có chất lượng giáo dục tốt với “đầu ra” đảm bảo. Học sinh phải có điểm thi từ trên 7 đến trên 8 điểm/môn mới đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường. Mức học phí của các trường này cũng rơi vào tầm 5-8 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với trường THPT công lập nhưng vẫn thấp hơn so với một số trường THPT dân lập có uy tín được phụ huynh xếp vào top đầu với mức học phí trên 10 triệu đồng/tháng.
Anh B.V.H, phụ huynh học sinh tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày qua, cả gia đình tôi “mất ăn mất ngủ” để tìm trường sau khi biết con trượt hết các NV vào công lập trên địa bàn quận Đống Đa do năm nay điểm chuẩn của các trường đều tăng mạnh so với năm 2022. Tôi phải xin nghỉ làm để đến một số trường THPT công lập có điểm chuẩn thấp hơn tìm hiểu thông tin nộp hồ sơ cho con nhưng phần lớn đây đều là những trường khu vực ngoại thành, con phải đitừ 5 rưỡi sáng mới kịp giờ học, quá vất vả trong 3 năm. Mặc dù Trường THPT Hoàng Cầu có học phí tương đối cao so với các trường công lập nhưng do trường ở ngay gần nhà nên vợ chồng tôi đã quyết tâm cố gắng làm lụng, tích cóp để đăng ký cho con vào học”.
Dù nhà ở tận quận Long Biên nhưng chị chị L.N.L cũng xếp hàng sớm để nộp hồ sơ cho con vào Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa). Theo chị L, con gái chị đỗ NV2 vào Trường THPT Cao Bá Quát nhưng sau nhiều ngày cân nhắc chị đã quyết định cho con vào học ở Trường Phan Huy Chú vì trường ở gần nơi chị làm việc, chất lượng dạy học, môi trường học tập đều được phụ huynh đánh giá tốt.
“Trong thông báo của các nhà trường, thời gian tiếp nhận hồ sơ nhập học lớp 10 đều từ 8 giờ sáng và trong giờ hành chính. Tuy nhiên, nhu cầu cao, chỉ tiêu ít lại thêm việc ưu tiên người đến trước và sẽ dừng nhập học khi đủ chỉ tiêu nên dẫn đến tâm lý phụ huynh quá sốt ruột nên ai cũng đi xếp hàng xuyên đêm hoặc từ sáng sớm để nộp hồ sơ. Chúng tôi mong thành phố sẽ có thêm nhiều trường THPT dân lập chất lượng cao với mức học phí vừa phải để phụ huynh học sinh đỡ phải vất vả dậy sớm tất tả xếp hàng như hiện nay”- chị L chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, rõ ràng qua câu chuyện phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để giành suất nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 và điểm chuẩn liên tục “nhảy múa” khiến phụ huynh “hụt hơi” chạy theo tại một số trường dân lập những ngày qua cho thấy, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa thực sự nghiêm khắc trong việc quản lý cách thức xét tuyển của các trường; cần sớm xây dựng một cơ chế rõ ràng hơn, chấm dứt việc xét tuyển trực tiếp gây khó khăn cho người dân, đi ngược với sự bùng nổ của chuyển đổi số trong giáo dục.
“Chính vì sự thiếu cứng rắn từ cơ quan quản lý và việc cố tình làm chiêu trò PR của một số trường, tâm lý đám đông từ phụ huynh đã dẫn tới việc xếp hàng thâu đêm suốt sáng như hiện nay. Tại sao những sự việc này lại chỉ xuất hiện tại Hà Nội, hãy nhìn TP Hồ Chí Minh, một thành phố có số dân nhỉnh hơn Hà Nội, họ xử lý rất tốt chuyện này. Đây là vấn đề mà ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô cần suy nghĩ và sớm đưa ra giải pháp”- thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên tổ chức giáo dục FPT nêu quan điểm.
Vấn đề cốt lõi vẫn là nâng chất lượng giáo dục
Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Từ câu chuyện phụ huynh xếp hàng để nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 các trường dân lập cho thấy, áp lực tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội không còn là chuyện "hết trường công phải chọn trường tư" mà ai ai cũng thấy "chất lượng" mới là vấn đề.
“Hãy xem bảng xếp hạng các trường top trên 41 điểm và các trường top dưới để thấy sự chênh lệch về điểm đầu vào lớp 10, còn thực tế, xét trên những tiêu chí khác thì không biết khoảng cách sẽ ra sao. Vì sao phụ huynh xếp hàng từ tờ mờ sáng? Có lẽ một phần là vì sự chênh lệch chất lượng quá xa mà ai ai cũng biết. Phụ huynh bây giờ đang có xu hướng đánh giá chất lượng nhà trường dựa vào các yếu tố như là môi trường giáo dục, là chương trình tốt với nhiều hoạt động để con họ được rèn luyện, trải nghiệm… Và để lấp đầy khoảng trống này, không hề dễ bằng cách chỉ dồn sức vào việc dạy và học để thi mà rất cần sự cải tổ cả trường THCS và THPT; sự quản trị chất lượng toàn diện, minh bạch, không thể chỉ dựa vào thành tích thi cử”-PGS.TS Chu Cẩm Thơ đặt vấn đề.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng, những năm gần đây, một số trường ngoài công lập có kế hoạch giáo dục tốt, tạo dựng được thương hiệu và uy tín với các bậc phụ huynh. Do đó số lượng hồ sơ nộp vào rất đông. Do trường ngoài công lập rất khó xác định được số lượng thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển nên việc đưa ra mức điểm sàn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm các năm và phổ điểm thi. Tuy nhiên, khi số lượng học sinh nộp hồ sơ tăng vọt, nếu các trường không có cách tổ chức hợp lý sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng đã xảy ra trong những ngày qua, phụ huynh phải thức thâu đêm đợi nộp hồ sơ cho con.
“Hiện nay khoảng cách giữa trường công và trường tư đã được thu hẹp. Nhiều trường ngoài công lập thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, song các trường cũng cần tính toán mức học phí để chia sẻ với phụ huynh, tạo thêm cơ hội học tập cho học sinh”- thầy Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng nêu quan điểm: Việc cha mẹ mong muốn chọn trường tốt nhất cho con trong khả năng là hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, hình ảnh những phụ huynh thức trắng đêm xếp hàng giành suất học cho con đang cho thấy một thực trạng đó là cần nhiều hơn những ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, cơ sở vật chất đảm bảo để phụ huynh yên tâm gửi gắm con em mình. Trong lúc này, các địa phương cần tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng để có thêm những ngôi trường chất lượng cao, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để học sinh có thêm các lựa chọn, từ đó góp phần giảm tải áp lực cho khu vực công lập.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận, hiện đang có sự chênh lệch về chất lượng giữa các trường công trong khu vực nội thành và ngoại thành, giữa hệ thống trường công lập và trường dân lập chất lượng cao. Sở GD&ĐT Hà Nội đang nỗ lực tìm giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách này. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh.
Theo đó, Hà Nội phấn đầu từ kỳ tuyển sinh năm học 2024-2025, tất cả trường học trên địa bàn sẽ triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến, không còn trường nào thu hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tiếp. Nhiều người kỳ vọng, nếu kế hoạch này được thực hiện, kể từ năm học 2024-2025, Hà Nội sẽ không còn cảnh phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ cho con.