Cuộc chiến giữ rừng Mã Đà
Chiếc xe 2 cầu len lỏi một cách khó khăn qua những hàng cao su 4-5 năm tuổi để vào rừng Chiến khu Mã Đà (thuộc Chiến khu Đ) do Công ty B58 quản lý.
Và ít ai nghĩ rằng, chỉ cách con đường nhựa phẳng phiu vài trăm mét, ngoài kia là một thế giới rừng nguyên sinh đặc trưng của vùng Đông Nam bộ lên đến hơn 500ha (thuộc tiểu khu 379 Mã Đà, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) được bảo vệ nguyên vẹn suốt hơn 24 năm qua, với biết bao gian nan, thử thách.
Vượt bao thử thách
Trái với vẻ già nua bên ngoài của những phụ nữ đã bước vào tuổi 70, khi hướng dẫn chúng tôi đi thăm rừng, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, Phó Giám đốc Công ty B58, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bình Phước, bỗng trở thành con người khác hẳn. Bà nhanh nhẹn hẳn lên, không có chút mệt mỏi, dù đang là cao điểm mùa khô giữa cái nắng buổi trưa tháng 4. Giọng từ tốn, chậm rãi, bà trải lòng về “cuộc chiến” giữ lại những cánh rừng nguyên sinh này.
Năm 1993, bà Tươi từ Nam Định cùng gia đình vào lập nghiệp ở đất Bình Phước, khi đó còn là tỉnh Sông Bé. Với bản tính chịu khó lại lanh lợi trong kinh doanh, sau một thời gian, bà bắt đầu tích lũy được một số vốn kha khá. Là một CCB từng có những năm tháng gắn bó với những cánh rừng ở các tỉnh phía Bắc, bà không khỏi xót xa trước cảnh phá rừng không thương tiếc để phục vụ cho nhu cầu mưu sinh, phát triển cây công nghiệp như cao su, tiêu. Năm 1996, vợ chồng bà và Ban liên lạc khối Tình báo B58 (Hội CCB TPHCM) được tỉnh cho nhận khu rừng Chiến khu Mã Đà để chăm sóc, bảo vệ.
Nhận thấy các thành viên chủ chốt của ban liên lạc ít người lại ở xa, phần lớn là các cựu binh đã cao tuổi, việc quản lý có phần lỏng lẻo, phát sinh nhiều rắc rối nên vợ chồng bà đã xin ban liên lạc giao hẳn việc khoán, bảo vệ rừng cho vợ chồng bà đảm trách và nhận được sự đồng ý. Năm 2009, tỉnh Bình Phước yêu cầu ban liên lạc thành lập công ty để có tư cách pháp nhân, phù hợp với quy định của pháp luật, dẫn đến sự ra đời của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ B58 (Công ty B58), do chồng bà Tươi làm giám đốc, bà làm phó giám đốc. Đến năm 2010, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty B58 tiếp tục thực hiện thỏa thuận, được nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng có từ thời tỉnh Sông Bé cũ và lập dự án Khu du lịch sinh thái lịch sử.
Theo chân anh Chí, Trưởng phòng Bảo vệ rừng Công ty B58, vào sâu trong rừng, tận tay sờ lên gốc những cây cao hàng chục mét - thuộc nhóm cây gỗ quý nhóm I, nhóm II, anh kể: “Khoảng năm 2012-2014 là thời gian căng thẳng nhất trong cuộc chiến giữ rừng ở Chiến khu Đ này. Tôi có 2 lần đối mặt với lâm tặc, may mắn là chỉ bị chém trượt. Năm 2013, tiếp tục ngăn chặn người dân đổ xô vào rừng khai thác quả ươi. Năm 2014, lâm tặc lẻn vào đánh dấu 60 cây lim, đã dọn gốc sạch, chỉ chờ mưa to sẽ cưa đổ, nhưng anh em đã phát hiện kịp thời. Lần đó, chúng tôi tập trung hết lực lượng, đóng chốt tại chỗ 24/24 giờ để bảo vệ cho bằng được”. Cũng có lần lâm tặc còn mua chuộc bằng tiền, nhưng chúng đã không mua được sự quyết tâm của anh chàng dân tộc quê Lạng Sơn này.
Theo văn bản của tỉnh Sông Bé (cũ), những người nhận khoán bảo vệ rừng Mã Đà không được trả tiền công, nhưng được trả bằng 90% khối lượng tăng trưởng của cây. Với diện tích hơn 500ha, cây được giữ nguyên và phát triển tốt thì khoản lợi tức này là rất lớn, nhưng cái lớn nhất chính là giữ lại được những khu rừng nguyên sinh như trước đây. Đó mới thực sự là tài sản vô giá, không chỉ của bà Tươi và các CCB Công ty B58 mà còn của Đông Nam bộ và quốc gia.
Bằng sự kiên trì, nhẫn nại, cương quyết và khôn khéo, bà Tươi đã lèo lái công ty để giữ cho bằng được rừng và thành quả giữ rừng của các CCB được thừa nhận. Trên diện tích rừng do Công ty B58 đang quản lý, có 54 cây di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận năm 2014 với 13 loài cây quý nằm trong Sách đỏ như lim, gụ, gõ đỏ, trắc cẩm lai… Đến năm 2017, khi Chính phủ chính thức quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, cấm khai thác dưới mọi hình thức thì bà như được tiếp sức. Quyết định của Chính phủ với bà như một lá “bùa hộ mệnh”, bởi từ đây không còn nguy cơ rừng bị xóa sổ để lấy đất trồng cây công nghiệp. Nghĩa là những trảng lim rộng lớn vài chục hécta, đường kính 50-60cm và một số dấu tích từ thời kháng chiến như hố bom, trạm quân y… sẽ được giữ lại.
Lan tỏa tình yêu rừng
Mỗi lần vào với rừng xanh, bà Tươi lại như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục những việc có ích cho đời. Đội bảo vệ rừng của công ty hiện khoảng 30 người, gồm 10 CCB và con em của CCB, với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Toàn bộ chi phí trả lương cho nhân viên giữ rừng suốt hàng chục năm qua đều do một tay bà Tươi xoay xở từ việc kinh doanh của gia đình. Khi “cuộc chiến” giữ rừng tạm yên thì cũng là lúc người ta thấy bà xuất hiện nhiều trong các chương trình xã hội - từ thiện của Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bình Phước. Đến thăm nhà, cũng là trụ sở Công ty B58, bà Tươi đang chuẩn bị cho chuyến công tác xã hội ngày mai: Tặng quà cho 11 chốt biên phòng để động viên anh em bộ đội, chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Nhưng điều làm chúng tôi tâm đắc hơn cả chính là chương trình trồng cây xanh hàng năm do Công ty B58 tổ chức tại tiểu khu 379 Mã Đà. Hôm chúng tôi đến, tại khu lán trại vẫn còn băng rôn lễ trồng cây cuối năm 2019. Trên mỗi cây đều có lưu lại thông tin người trồng, trong đó có nhiều cây do chính các vị tướng đã từng đi qua chiến tranh, như Trung tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, hay của các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước. Bằng việc làm thiết thực, bà Tươi và những CCB của Công ty B58 đã lan tỏa được tình yêu rừng đến với cộng đồng, nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy yêu quý rừng để bảo vệ “lá phổi xanh” cho cuộc sống.
Nắng chiều còn gắt nhưng hơi gió thổi lên từ sông Mã Đà mát rượi, càng làm cho người nữ CCB sống lại ký ức. Bà nói: “Trước, nơi này còn là đường đất, mưa là không vào được, xe máy phải quấn thêm sợi xích để không bị trượt trên đường, cây hai bên đường xòe tán ôm lấy nhau như cái cổng chào. Vậy mà giờ toàn cao su với cao su…”. Càng nghĩ, bà càng thấy công sức mình bỏ ra là không uổng công.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cuoc-chien-giu-rung-ma-da-668154.html