Cuộc chiến khốc liệt mang danh 'chủ nghĩa dân tộc'
Đó là cụm từ mà giới chuyên gia dùng để miêu tả cuộc chiến thu mua vaccine COVID-19 hiện nay giữa các nước trên thế giới. Trong cuộc chiến khốc liệt này, một số nước giàu có hơn quyết định 'chơi riêng' khi trực tiếp thỏa thuận với các hãng sản xuất dược phẩm để có được hàng triệu liều vaccine hứa hẹn cho công dân của mình.
Điều này làm các tổ chức y tế trên toàn cầu lo ngại sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch về cơ chế thu mua số lượng lớn và phân phối công bằng loại vaccine này trên thế giới.
Theo các chuyên gia y tế, các thỏa thuận – trong đó có cả thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh với các hãng dược phẩm lớn như Pfizer (Mỹ), BioNtech (Đức), AstraZeneca (Anh và Thụy Sĩ) và Moderna (Anh) – đang hủy hoại xu hướng toàn cầu. Hãng dược Pfizer mới đây nói rằng, công ty này đang đàm phán với EU và một số nước thành viên về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng.
Trong khi đó, Anh hôm 29/7 (giờ địa phương) tuyên bố đã đạt thỏa thuận về việc cung cấp vaccine COVID-19 tiềm năng từ GlaxoSmithKline (Anh) và Sanofi (Pháp).
Theo Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF), điều này sẽ càng khiến các nước giàu chạy đua tích trữ vaccine và làm sinh ra một xu hướng nguy hiểm: chủ nghĩa dân tộc vaccine. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, xu hướng chủ nghĩa dân tộc trong cuộc chạy đua thu mua vaccine COVID-19 hiện nay có thể lặp lại điều tương tự trước đây với đại dịch cúm H1N1 giai đoạn 2009-2010 – khi các nước giàu thu mua các loại vaccine có sẵn, và khiến các nước nghèo gần như không thể mua được loại vaccine này ở giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, H1N1 chỉ là một dịch bệnh có mức độ vừa phải và tác động về mặt lây nhiễm, số ca tử vong hay tình trạng mất cân bằng phân phối vaccine cũng chỉ ở mức hạn chế. Còn COVID-19 lại là mối đe dọa nghiêm trọng và việc mất cân bằng phân phối vaccine sẽ khiến một số lượng lớn dân số thế giới rơi vào tình cảnh nguy hiểm. Điều này sẽ chỉ khiến đại dịch ngày càng lan rộng và những thiệt hại do nó gây ra cũng ngày càng lớn hơn.
“Điều đáng lo ngại hiện nay là một số nước đang làm những gì chỉ có lợi cho họ”, Gayle Smith, cựu lãnh đạo Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ và CEO của Chiến dịch Một (One Campaign), một chiến dịch phi lợi nhuận nhằm chấm dứt đói nghèo và các dịch bệnh có thể ngăn ngừa, nói.
Hơn 75 nước giàu hơn, trong đó có Anh đã bày tỏ quan tâm tới COVAX, một cơ chế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Các sáng kiến chuẩn bị đại dịch (CEPI) cùng thực hiện. Tuy nhiên, theo Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Mỹ, Trung Quốc và Nga lại chưa bày tỏ quan tâm tới cơ chế này. Một nguồn tin EU gần đây cho biết, Ủy ban châu Âu thậm chí đã khuyến cáo các nước thành viên không mua vaccine COVID-19 thông qua COVAX.
“Tôi rất lo ngại. Những gì đang xảy ra là một số nước đang tìm cách thỏa thuận riêng với các nguồn cung cấp vaccine, cạnh tranh với các thỏa thuận cung cấp đa phương. Trong khi vaccine (ngừa COVID-19) hiện nay chỉ là một nguồn lực hạn chế”. Thomas Bollyky, Giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (Mỹ) nói. Các chuyên gia ước tính thế giới có thể sẽ có khoảng 2 tỷ liều vaccine COVID-19 hiệu quả vào cuối năm 2021, nếu một số ứng viên hàng đầu chứng minh được hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối đang được tiến hành hiện nay.
Mục đích của COVAX là phân phối vaccine cho ít nhất 20% dân số của các nước có tham gia sáng kiến này. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành GAVI Seth Berkley nói rằng, nếu các nước hay khu vực tư lợi tìm cách thu mua vaccine để đảm bảo cho toàn bộ dân số của mình thay vì chia sẻ cho các nước khác để ưu tiên bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất thì đại dịch có thể sẽ không được kiểm soát.
Ông nói: “Nếu bạn có ý định tìm cách chủng ngừa cho toàn bộ nước Mỹ hay toàn bộ EU với 2 liều vaccine thì khi đó bạn sẽ phải có 1,7 tỷ liều. Và nếu đó là toàn bộ số liều vaccine có sẵn trên thế giới thì sẽ chẳng còn gì nhiều cho những nước khác”.
Theo ông Seth Berkley, nếu một số nước, thậm chí tới 30-40 nước có vaccine ngừa COVID-19, nhưng hơn 150 nước và vùng lãnh thổ còn lại trên thế giới không có, thì đại dịch sẽ vẫn hoành hành.
“Virus này lan nhanh như tia chớp. Vì thế cuối cùng bạn sẽ gặp phải tình huống là không thể trở lại bình thường như trước kia. Bạn sẽ không thể đi lại, du lịch, hay tiến hành các hoạt động thương mại nếu như toàn bộ đại dịch không thể khống chế”, Giám đốc điều hành GAVI nói, đồng thời nhấn mạnh, đại dịch chỉ kết thúc khi sự lây lan trên toàn cầu của nó chấm dứt.
Hồi tuần trước, WHO cho biết, hiện có 23 vaccine tiềm năng đang được nghiên cứu bào chế, trong đó 3 loại vaccine đã được chia sẻ dữ liệu để các nhà khoa học khác cùng đánh giá thẩm định.
WHO hoan nghênh những tiến triển trong nghiên cứu bào chế vaccine, cụ thể là thông tin vaccine thử nghiệm của Tập đoàn AstraZeneca, hợp tác với Trường Đại học Oxford của Anh là an toàn và đã tạo ra được phản ứng miễn dịch trong các thử nghiệm giai đoạn đầu trên người tình nguyện khỏe mạnh.
Hãng dược Pfizer của Mỹ và Công ty BioNTech của Đức cũng cung cấp các dữ liệu rất hứa hẹn. Tuy vậy, WHO cảnh báo, hiện vẫn là thời điểm cứu người bằng những công cụ y tế sẵn có, trong khi việc nghiên cứu vaccine đang được tiếp tục.