'Cuộc chiến' không ngừng nghỉ

'Chúng ta có thể khẳng định rằng chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước' - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020.

Thực tiễn, từ năm 2013 đến nay, công tác đấu tranh PCTN đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “trở thành phong trào, xu thế”, được quốc tế ghi nhận.

Kết quả trên thể hiện ở những con số: Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, (trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng), trong đó có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo...

Việc xử lý hình sự nhiều cán bộ cấp cao trong thời gian qua đã thể hiện rõ quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đặc biệt, công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; nhiều địa phương, bộ, ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ “tham nhũng vặt”.

Tuy nhiên, trong “cuộc chiến” này vẫn có ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào PCTN sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và làm “chậm” sự phát triển đất nước; hoặc lo ngại liệu tới đây “lò” chống tham nhũng có còn “cháy” nữa không.

Những suy nghĩ lệch lạc và băn khoăn trên đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận: Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đẩy mạnh PCTN và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã chót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh.

Rõ ràng, đấu tranh PCTN đã trở thành phong trào quần chúng, trở thành xu thế không ai có thể cưỡng lại được. Cho dù toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang phải tập trung cho nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước nhưng công tác đấu tranh PCTN là không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà phải làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Theo nhiều chuyên gia, chế độ nào, quốc gia nào cũng có tham nhũng và không thể xóa bỏ tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Đối với Việt Nam, PCTN là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp lâu dài. Do vậy, “cuộc chiến” này phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự...

Tham nhũng sẽ bị loại bỏ khi Đảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”, đặc biệt là sự chủ động vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong PCTN.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-chien-khong-ngung-nghi-post435864.html