Cuộc chiến mới của các chủ hàng ngoại tại Việt Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đã khiến những nhà bán lẻ sản phẩm nội địa của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… tại Việt Nam phải cạnh tranh với các nhà bán hàng quốc tế. Áp lực cạnh tranh mới buộc những chủ hàng này phải thay đổi.

Trung Quốc mở rộng kinh doanh, chủ hàng Việt Nam gặp khó

Chị Ngọc Oanh, ở TPHCM, đã bán các sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang… sản xuất tại Trung Quốc hay còn gọi là hàng nội địa Trung ở Việt Nam được năm năm. Trước đây, chị thường trực tiếp sang nước láng giềng mua hàng hoặc mua qua các sàn thương mại điện tử như Taobao, 1688 để bán tại thị trường trong nước. Việc kinh doanh ổn cho đến khi các cửa hàng bán hàng nội địa Trung Quốc xuất hiện dày đặc trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.

“Ở thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng giảm từ 30-40%”, chị nói.

Trước đây, khách muốn mua hàng Trung Quốc thường phải tìm đến các nhà bán hàng trung gian như chị để đặt đơn, đợi gom đơn rồi vận chuyển về Việt Nam nhưng nay, khách hàng có thể mua từ các các cửa hàng bán hàng nội địa Trung trên sàn TMĐT Việt Nam. Những cửa hàng này đang xuất hiện dày đặc trên các sàn, không những có giá tốt hơn mà tốc độ giao hàng cũng rất nhanh. Vì vậy, đã có không ít khách hỏi giá, tư vấn mẫu mã từ cửa hàng của chị rồi lên Tiktok Shop, Shopee… so sánh giá và đặt hàng ở đó.

“Thời gian giao nhận từ Trung Quốc về tay khách còn nhanh hơn vận chuyển từ Hà Nội đến TPHCM. Có món họ bán ra bằng giá tôi nhập vào”, chị nói.

Tương tự như chị Oanh, nhiều chủ cửa hàng nội địa Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các cửa hàng trên sàn TMĐT. Áp lực này ngày càng tăng cao khi “ông lớn” TMĐT – Trung Quốc đẩy mạnh mạng lưới.

Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đang xây dựng nhiều tổng kho, chủ yếu là tổng kho chứa hàng tiêu dùng còn được gọi là “kho GIGA” tại các thành phố giáp biên giới Việt Nam như ở Hà Khẩu (giáp Lào Cai), Bằng Tường (giáp Lạng Sơn), Đông Hưng (giáp Quảng Ninh).

Trong đó, dự án khu thương mại tại huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) sở hữu diện tích khoảng hơn 85.000 m2, dự kiến sẽ là khu tích hợp kho bãi, logistics và thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Việc hàng loạt kho bãi chứa hàng hóa của Trung Quốc dần hoàn thiện, làm cuộc đua về giá cả và logistics trở nên khốc liệt hơn.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, chuyên gia về logistics thương mại điện tử nội địa, việc thời gian giao hàng về Việt Nam của các sản phẩm trên sàn TMĐT quốc tế nhanh hơn một số tuyến giao nhận trong nước là chính xác.

Do kho tập kết hàng nội địa Trung thường được đặt khá gần với cửa khẩu biên giới Việt – Trung nên khoảng cách từ kho đến Hà Nội ngắn hơn rất nhiều so với tuyến từ TPHCM – Hà Nội. Vì vậy, để giao các đơn hàng nội địa Trung đến trung tâm Hà Nội chỉ mất từ 2-4 ngày nhưng với tuyến giao từ TPHCM đến địa điểm tương tự ở Hà Nội thì trung bình mất từ 3-5 ngày.

Tuy nhiên, một điểm quan trọng những giúp thời gian giao hàng ngắn hơn là thời gian thông quan ngắn. Sau một thời gian cải tiến quy trình, cùng với sự xuất hiện của nhiều đơn vị chuyên hỗ trợ dịch vụ thông quan 2 đầu xuất khẩu và nhập khẩu, quy trình thông quan được rút ngắn đáng kể và chỉ vài giờ thay vì vài ngày là có thể thông quan.

Các thương hiệu, chủ shop tham gia nhiều phiên livestream trên TMĐT tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng An

Các thương hiệu, chủ shop tham gia nhiều phiên livestream trên TMĐT tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng An

Theo ông Trung, những thay đổi này đem đến áp lực cạnh tranh rất lớn cho những người bán hàng nội địa Việt Nam hoặc nhập hàng nội địa Trung Quốc về bán. Người bán cần phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và chiến lược bán hàng rõ ràng để thích nghi với sự thay đổi, nếu không sẽ rất khó làm ăn.

“Nguồn hàng nội địa Trung vô cùng đa dạng, giá bán hiện tại khá hấp dẫn. Nếu quy trình logistics mới giúp giá bán giảm thêm, thời gian giao hàng nhanh hơn thì các nhà bán hàng tại Việt Nam rất khó khăn để cạnh tranh trực tiếp” ông nói.

Chuyển mình cạnh tranh

Nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ đã tìm cách xoay xở trrước sự gia tăng số lượng cửa hàng Trung Quốc tại Việt Nam. Các chủ hàng trong nước tìm các nâng số lượng hàng hóa nhập vào để có giá sỉ; đàm phán, tìm nguồn xưởng có giá tốt hơn; mở rộng bán hàng đa kênh, tìm khách hàng tiềm năng ở nhiều kênh…

Cùng với đó, chủ hàng cũng hợp tác đơn vị vận chuyển trung gian cho ghép tuyến để giảm chi phí chuyển hàng, thông quan.

Một chương trình livestream bán hàng trên sàn Taobao ở Trung Quốc nhân ngày Lễ Độc thân 11-11. Ảnh: Xinhua/Reuters

Một chương trình livestream bán hàng trên sàn Taobao ở Trung Quốc nhân ngày Lễ Độc thân 11-11. Ảnh: Xinhua/Reuters

Chị Thiên Trang, ngụ tại thành phố Đà Nẵng, người thường xuyên nhập hàng thời trang từ Quảng Châu cho biết, việc kết hợp làm chương trình khuyến mãi, tăng cường xuất hiện, truyền thông trên nhiều nền tảng giúp cửa hàng tiếp cận đến nhiều khách hàng mới hơn.

Trước đây, chị Trang thường tập trung bán trên Facebook, Shopee nhưng khi “ông lớn” TMĐT xuất hiện các tính năng mới, chị tăng cường đội ngũ chốt đơn qua livestream, trau chuốt xây dựng hình ảnh, tìm kiếm mẫu mã lạ, tập trung chăm sóc khách hàng, chính sách đổi trả sản phẩm.

“Khách hàng vẫn thích được tư vấn trực tiếp dù ngồi ở nhà, hiểu được điều đó nên tôi thêm tương tác, cho nhân viên trải nghiệm sản phẩm ngay trên livestream. Cách làm này được tôi duy trì khoảng nửa năm nay, giúp doanh số tăng nhẹ 5-10%/tháng”, chị nói.

Ông Trịnh Đức Huy, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhà sáng lập cộng đồng E.F.E cho rằng, vai trò của người “đánh hàng” nội địa về Việt Nam ngày càng mờ nhạt. Để thích ứng với cuộc chơi mới, chủ hàng cần mở rộng quy mô, tăng thêm dịch vụ chăm sóc khách hàng…

Thêm vào đó, người bán hàng nên tập trung kiểm soát chất lượng đầu vào của hàng hóa, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đầu tư mảng gia công ODM để nâng cao chất lượng. Nếu không, những chủ hàng này khó mà trụ vững cho dù đã tham gia thị trường nhiều năm.

Chia sẻ với KTSG Online, đại diện chuỗi cửa hàng bán sản phẩm nội địa Nhật Bản Hachi Hachi cho biết, so với những năm trước đây, hàng nội địa Nhật Bản ngày càng đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

Trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay, thương hiệu chưa có ý định mở rộng cửa hàng mới mà sẽ tận dụng cơ hội từ TMĐT, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến. Hachi Hachi cũng chú trọng về dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng, tiến hành phân tích dữ liệu khách hàng thân thiết để có những chương trình chăm sóc cá nhân hóa nhằm giữ chân khách hàng cũ.

Cùng với đó, cửa hàng cũng sẽ tối ưu hóa chi phí vận hàng bằng việc soát lại quy trình công việc, cắt giảm những chi phí không cần thiết và thực hiện nhiều biện pháp khác để có thể cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Hoàng An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cuoc-chien-moi-cua-cac-chu-hang-ngoai-tai-viet-nam/