Cuộc chiến 'một mất một còn'

Nước Anh đang đứng trước những ngổn ngang khó dẹp bỏ một sớm một chiều trong vấn đề rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - khi chỉ còn đúng 1 tháng nữa là đến thời hạn chót phải rời đi.

Nước Anh đang đứng trước những ngổn ngang khó dẹp bỏ một sớm một chiều trong vấn đề rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - khi chỉ còn đúng 1 tháng nữa là đến thời hạn chót phải rời đi.

Và cho đến thời điểm này, thật sự, điều đang được nói đến không phải là việc rời đi như thế nào, vui mừng hay buồn ra sao mà là việc khả năng Anh sẽ phải “cuốn gói ra đi” mà không có một thỏa thuận, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson nhất quyết phải ra đi đúng thời hạn chót đề ra. Thủ tướng Johnson đã cam kết đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31-10 dù có hay không có một thỏa thuận, bất chấp việc quốc hội thông qua đạo luật yêu cầu ông phải trì hoãn Brexit nếu cơ quan lập pháp này không thông qua một thỏa thuận ra đi vào giữa tháng 10 tới. Vì vậy, phát biểu với Sky News trong ngày đầu tiên hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ cầm quyền ở thành phố Manchester hồi cuối tuần qua, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói: “Cách tốt nhất để ra khỏi là bằng một thỏa thuận. Chúng tôi phải hoàn tất Brexit. Chắc chắn không thỏa thuận nhiều khả năng xảy ra”.

Trong khi đó, Công đảng đối lập đang nỗ lực ngăn chặn một kịch bản không thỏa thuận cho Brexit (Brexit cứng). Trong tuyên bố ngày 29-9, Công đảng nhấn mạnh, họ phải đảm bảo nguy cơ Anh rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận bị chặn đứng trước khi đảng này cân nhắc bất kỳ kế hoạch nào nhằm lật đổ Thủ tướng Johnson. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC, khi được hỏi liệu Công đảng có đang lên kế hoạch kêu gọi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Johnson hay không, nữ phát ngôn viên của Công đảng Angela Rayner đáp: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng việc chúng tôi không đạt được thỏa thuận sẽ không còn nữa trước khi chúng tôi làm bất cứ điều gì khác”. Đáp lại ngay lập tức, Thủ tướng Johnson tuyên bố, ông sẽ không từ chức để tránh phải trì hoãn Brexit sau ngày 31-10.

Tất nhiên, tất cả các bên sẽ đều có lợi ích, nếu đạt được thỏa thuận Brexit. Trên thực tế, nhìn nhận khách quan, Anh và EU vẫn có thể đạt được thỏa thuận Brexit với các điều khoản tốt vào tháng 10 tới, nhưng vấn đề là hai bên không còn nhiều thời gian để thực hiện vấn đề này. Trước mắt, London Anh cần đệ trình một đề xuất cụ thể bằng văn bản tại Brussels. Thứ hai là cả Anh và EU cần tìm được giải pháp nhằm khơi thông bế tắc trong điều khoản “chốt chặn” của thỏa thuận Brexit liên quan đến vấn đề biên giới trên đảo Ireland. Cơ chế “chốt chặn” luôn giữ vai trò “chuyển đổi” nhằm bảo vệ “sự toàn vẹn của thị trường chung” trong giai đoạn Anh và 27 nước thành viên còn lại của EU xác định mối quan hệ tương lai.

Loại bỏ điều khoản “chốt chặn” - vốn sẽ giữ Anh ở lại trong liên minh thuế quan và thị trường đơn lẻ sau khi rời EU cho đến khi hai bên tìm thấy một giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn một đường biên giới cứng trên đảo Ireland - được coi là trọng tâm trong kế hoạch của Thủ tướng Johnson để đưa nước Anh rời EU vào ngày 31-10 tới.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_213435_cuoc-chien-mot-mat-mot-con-.aspx