Khó có cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông?

Mỹ không loại trừ khả năng Iran bắt tay với các nhóm ủy nhiệm để phát động tấn công Israel từ nhiều hướng nhằm trả đũa cái chết của một thủ lĩnh Hamas và một chỉ huy cấp cao Hezbollah

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc việc tăng cường phòng thủ ở Trung Đông khi Washington chuẩn bị cho kịch bản Iran trả đũa Israel sau các vụ tấn công khiến thủ lĩnh Ismail Haniyeh của nhóm vũ trang Hamas và chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của phong trào Hezbollah thiệt mạng.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 1-8, ông Joe Biden cho biết Washington sẽ hỗ trợ Israel phòng thủ trước các mối đe dọa, trong đó có việc triển khai lực lượng phòng thủ mới của Mỹ.

Theo một số quan chức Mỹ, Lầu Năm Góc đã thảo luận với Bộ Tư lệnh Trung tâm về những điều chỉnh cần thực hiện đối với lực lượng Mỹ tại khu vực nhưng hiện chưa có quyết định cuối cùng. Trong khi đó, ông Daniel Hagari, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel, cho biết "các đối tác quốc tế" đã tăng cường lực lượng trong khu vực nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Khẩu đội tên lửa phòng không Iron Dome trên một tàu chiến ngoài khơi TP Haifa - Israel hôm 1-8. Ảnh: REUTERS

Khẩu đội tên lửa phòng không Iron Dome trên một tàu chiến ngoài khơi TP Haifa - Israel hôm 1-8. Ảnh: REUTERS

Theo đài CNN, giới chức Mỹ dự báo phản ứng của Iran có thể bao gồm việc các nhóm ủy nhiệm được Tehran hậu thuẫn tấn công lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria. Trước đó, các lực lượng này đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công tương tự trong nhiều tháng.

Song, hành động này đã giảm dần sau khi vụ tấn công bằng máy bay không người lái khiến 3 quân nhân Mỹ thiệt mạng ở Jordan hồi tháng 1-2024.

Mỹ cũng dự đoán Iran có thể tấn công Israel bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái như vụ hồi tháng 4. Tuy nhiên, lần tấn công sắp tới, nếu diễn ra, sẽ có quy mô lớn và phức tạp hơn trước. Mỹ không loại trừ khả năng Iran bắt tay với các nhóm ủy nhiệm để phát động tấn công từ nhiều hướng.

Ông Hassan Nasrallah, thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Lebanon, hôm 1-8 ám chỉ rằng một cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Israel có thể đang được lên kế hoạch sau khi tuyên bố cuộc xung đột giữa Hezbollah và Israel đã bước vào "một giai đoạn mới".

Cùng ngày, lãnh đạo lực lượng Houthi ở Yemen cảnh báo sẽ có hành động quân sự để đáp trả vụ ám sát ông Ismail Haniyeh - thủ lĩnh Hamas, ở thủ đô Tehran - Iran trong cuộc tấn công bị quy trách nhiệm cho Israel.

Theo đài CNN, Mỹ hiện vẫn tin rằng không bên nào tại khu vực muốn xảy ra cuộc chiến toàn diện bao trùm Trung Đông. Dù vậy, các quan chức nước này lo ngại về nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm, từ đó đe dọa dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Trong bài viết trên trang The Coversation, ông Ali Mamouri, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Deakin (Úc), nhận định vụ ám sát ông Haniyeh là sự leo thang nghiêm trọng trong khu vực vốn đang bất ổn và ngày càng thù địch này. Tuy nhiên, việc Iran phản ứng mạnh đến đâu sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố và một cuộc chiến toàn diện không phải là điều chắc chắn.

Theo chuyên gia Mamouri, chính sách đối ngoại của Iran đã áp dụng mức độ thực dụng cao, tính toán cẩn thận các hành động của quân đội và tránh bất kỳ điều gì có thể phát động một cuộc chiến tốn kém, với những hệ lụy về kinh tế, chính trị và an ninh.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ không có phản ứng mạnh mẽ từ Iran. Các đồng minh của Tehran, nhất là Hezbollah, có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Israel.

Một yếu tố khác là Iran vừa bầu chọn một chính phủ ôn hòa mới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Masoud Pezeshkian. Nhà lãnh đạo này cho biết ông muốn ưu tiên cải cách chính sách đối ngoại của Iran để tạo ra một môi trường thân thiện hơn trong khu vực.

Điều này cũng có thể mở đường cho mối quan hệ tốt hơn với các cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, vụ ám sát ông Haniyeh đã đẩy chính phủ mới của Iran vào thế khó khi phải cân bằng giữa việc cần có phản ứng mạnh mẽ và mong muốn theo đuổi các cải cách ngoại giao và kinh tế.

Nhiều tác động về kinh tế

Giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh trong vài ngày qua và được giao dịch quanh ngưỡng 2.464 USD/ounce ngày 2-8, theo sau quyết định mới nhất về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông. Đáng chú ý, sức hút của vàng như kênh trú ẩn an toàn đã gia tăng sau khi căng thẳng leo thang trở lại giữa Iran và Israel.

Trong khi đó, theo trang Bloomberg, giá dầu hướng đến tuần giảm thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh nỗi lo về nhu cầu giảm tại 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới phủ bóng lên rủi ro địa chính trị ở Trung Đông. Giá dầu thô Brent được giao dịch quanh ngưỡng 80 USD/thùng và dầu WTI quanh ngưỡng 76 USD/thùng ngày 2-8. Trước đó, dữ liệu công bố hôm 1-8 cho thấy dấu hiệu suy yếu trong hoạt động sản xuất ở Mỹ và Trung Quốc. Giá dầu thô đã tăng hôm 30-7 sau khi xuất hiện thông tin về các vụ tấn công khiến một thủ lĩnh Hamas và một chỉ huy cấp cao Hezbollah thiệt mạng.

Tuy nhiên, giá dầu đã giảm sau đó giữa lúc có nỗi lo về nhu cầu dầu sụt giảm trong những tháng tới. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, vẫn là mối quan tâm lớn đối với thị trường dầu mỏ vì Bắc Kinh không cung cấp nhiều chi tiết về kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa.

Tại Mỹ, FED đã báo hiệu khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Giới đầu tư lo ngại rằng động thái này có thể đã quá muộn để ngăn chặn nền kinh tế "hạ cánh cứng" (kịch bản nền kinh tế sụt tốc mạnh, thậm chí rơi vào suy thoái để đổi lấy việc hạ nhiệt lạm phát).

Một nỗi lo khác là tác động của việc căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số chuyên gia cảnh báo lực lượng Houthi ở Yemen có thể leo thang các cuộc tấn công trên biển ở biển Đỏ theo sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, đe dọa làm gián đoạn hoạt động cung ứng.

Theo trang Yahoo! News, những năm gần đây, các sự kiện địa chính trị, như cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza, đã cho thấy các tuyến cung ứng dễ bị tổn thương ra sao.

Xuân Mai

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kho-co-cuoc-chien-toan-dien-o-trung-dong-196240802205817876.htm