Cuộc chiến Mỹ - Nga: Tomahawk đối đầu S-400
Mạng lưới phòng không Nga triển khai ở Syria có thể bắn hạ nhiều tên lửa Tomahawk của Mỹ, nhưng có thể khiến 2 nước bị cuốn vào cuộc đối đầu trực diện.
Nga và Mỹ đang đứng trước nguy cơ đối đầu quân sự ở Syria. Ngày 11/4, Tổng thống Trump tiếp tục đe dọa trên Twitter rằng Nga nên chuẩn bị đối phó với tên lửa của Mỹ sắp được bắn đến Syria. Ông nói thêm tên lửa sắp tấn công Syria là loại tên lửa mới, "đẹp và thông minh”.
Đáp lại, Moscow tuyên bố sẽ bắn hạ vũ khí Mỹ nhắm vào Syria. "Nếu người Mỹ khai hỏa, tên lửa của họ sẽ bị bắn hạ, thậm chí nơi tên lửa được phóng đi cũng sẽ bị tấn công", Reuters dẫn lời Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin cảnh báo hôm 10/4.
Một cuộc đụng độ giữa vũ khí Mỹ và Nga có thể xảy ra tại Syria. Cả hai nước đều triển khai nhiều tài sản chiến lược xung quanh khu vực, đặc biệt, Moscow đã đem đến Syria những hệ thống phòng không mạnh nhất của họ.
Tomahawk: “Át chủ bài” của Mỹ
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk là vũ khí lý tưởng nhất để thực hiện cuộc tấn công đáp trả vào Syria. Đầu tháng 4/2017, Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào sân bay al-Shayrat gần thành phố Homs, Syria. Vụ không kích diễn ra chỉ vài ngày sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib.
Tomahawk là vũ khí đa năng, tầm bắn hơn 2.500 km. Tên lửa có thể phóng từ tàu chiến mặt nước, tàu ngầm đem lại khả năng tác chiến đa dạng và linh hoạt. Tomahawk được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến kết hợp giữa dẫn hướng quán tính (INS), GPS, men theo địa hình (TERCOM), so sánh hình ảnh tương phản (DSMAC) và radar.
Tên lửa có thể mang theo đầu đạn liều nổ cao để phá hủy các mục tiêu kiên cố, đầu đạn chùm để phá hủy đường băng, kho tàng, đạn nổ trên không để tiêu diệt máy bay và các phương tiện chiến đấu khác. Nó cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Phiên bản hiện đại nhất của Tomahawk là block IV. Phiên bản này được nâng cấp sâu về hệ thống điều khiển, có thể nhắm mục tiêu trong thời gian thực. Nó còn có khả năng điều khiển lại trên không và truyền hình ảnh trực tiếp qua vệ tinh để xác định xem tên lửa có trúng mục tiêu hay không.
Tomahawk tham chiến lần đầu trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Nó là vũ khí định hình kỷ nguyên tác chiến bằng vũ khí dẫn đường công nghệ cao. Từ đó đến nay, Tomahawk luôn là vũ khí đầu tiên mà Mỹ sử dụng để mở màn cuộc chiến. Nó gieo rắc nỗi kinh hoàng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Đông.
Một vũ khí khác mà Mỹ có thể sử dụng là tên lửa hành trình AGM-158 JASSM phóng từ máy bay chiến đấu. Tên lửa này được thiết kế với khả năng tàng hình cao, “đẹp và thông minh” như lời Tổng thống Trump ám chỉ về vũ khí mà Mỹ sẽ sử dụng để tấn công Syria.
AGM-158 có tầm bắn 370 km với phiên bản JASSM, 1.000 km với phiên bản JASSM-ER. Tên lửa này có thể phóng từ tiêm kích F-15, F-16, F/A-18 máy bay ném bom B-1B, B-52 và phi cơ tàng hình B-2. AGM-158 được xem là “khắc tinh” của các hệ thống phòng không.
Những vũ khí trên có thể giúp Mỹ đạt mục tiêu phá hủy một số cơ sở hạ tầng và vũ khí của Syria để trả đũa cho vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, hệ thống phòng không của Nga tại Syria sẽ là một rào cản lớn cho mục đích này.
S-400: Kẻ thay đổi cuộc chơi
Nga đã triển khai đến Syria những hệ thống phòng không mạnh nhất của họ. Năm 2015, Moscow triển khai hệ thống phòng không S-400 đến Syria để bảo vệ tài sản của Nga tại căn cứ hải quân Tartus, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một cường kích Su-24 của nước này. Triển khai cùng S-400 là hệ thống pháo tích hợp tên lửa Pantsir-S1.
Năm 2016, Nga triển khai thêm hệ thống tên lửa S-300V4, phiên bản được cấu hình riêng cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đến Syria. Các hệ thống này tạo nên chiếc ô phòng không bao trùm khu vực rộng lớn ở Syria.
S-400 có thể phóng tên lửa 40N6 với tầm bắn lên đến 400 km. Điều đó có nghĩa là khẩu đội S-400 đóng quân ở Latakia có thể bao phủ không phận đến gần phía tây và miền Trung Syria, thậm chí đe dọa trực tiếp lên căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỹ, nơi có lực lượng chiến đấu lớn của Không quân Mỹ đang hoạt động.
Tuy nhiên, tên lửa 40N6 được thiết kế để nhắm các mục tiêu ít cơ động như máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không, máy bay tiếp dầu. Đối với máy bay chiến đấu cơ động cao, hệ thống sẽ sử dụng tên lửa 9M96E2, tầm bắn 120 km, hoặc tên lửa 48N6DM, tầm bắn 250 km.
Sự có mặt của S-400 tại Syria buộc Mỹ phải cân nhắc rất kỹ trước những giải pháp quân sự đối với vấn đề Syria, đặc biệt là giải pháp sử dụng máy bay để tấn công. Sebastien Roblin, chuyên gia về giải quyết xung đột, Đại học Georgetown nhận xét sự có mặt của S-400 tại Syria đã làm thay đổi mọi toan tính của Mỹ.
Hỗ trợ cho S-400 trong việc đánh chặn tên lửa hành trình là hệ thống Pantsir-S1. Hệ thống này là sự kết hợp độc đáo giữa 2 pháo bắn siêu nhanh 30 mm và 8 tên lửa phòng không tầm thấp. Nó được mệnh danh là “Sát thủ phòng không tầm thấp”, có thể vô hiệu hóa mọi mục tiêu đường không trong phạm vi tác chiến.
Dù chưa tham chiến thực tế, S-300 và S-400 nhận được rất nhiều sự tôn trọng của các phi công NATO. Phần lớn phi công Mỹ tin rằng S-300 và S-400 là mối đe dọa lớn nhất đối với các nhiệm vụ chiến đấu không tàng hình.
Mạng lưới phòng không Nga tại Syria có thể đánh chặn vũ khí tấn công của Mỹ, làm giảm hiệu suất chiến đấu, thậm chí có thể gây thiệt hại cho máy bay và phi công. Nếu Mỹ muốn đạt hiệu suất cao trong tác chiến, họ cần tiến hành áp chế phòng không (SEAD) của Nga tại Syria để dọn đường.
Áp chế và chống áp chế phòng không là một cuộc chiến cực kỳ phức tạp. Mỹ có trong tay nhiều vũ khí và phương tiện để làm tê liệt mạng lưới phòng không đối phương, trong khi đó, các hệ thống phòng không Nga cũng có năng lực chống áp chế cực kỳ mạnh mẽ.
Ai sẽ thắng trong một cuộc đối đầu như vậy rất khó để phân định, cả hai bên đều có thể bị thiệt hại nặng. Nhà phân tích Roblin đặt câu hỏi Nga và Mỹ sẽ được gì trong một cuộc đối đầu trực diện tại Syria và sẽ là “điên rồ” để cố tình bắt đầu nó.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-chien-my-nga-tomahawk-doi-dau-s-400-post833876.html