'Cuộc chiến' năng lượng: Có thật là Nga đang chiếm thế thượng phong và châu Âu phải trả giá đắt?
Câu hỏi 'Ai là người thắng cuộc trong 'cuộc chiến' năng lượng hiện nay giữa Nga và châu Âu?' thường xuyên được đặt ra và thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Trong bài viết xuất bản trên The Frontier Post ngày 24/11, tác giả Li-Chen Sim nhận định rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay - được đánh dấu bởi giá nhiên liệu và điện cao nhất kể từ năm 2020, các lệnh trừng phạt, sự rút lui của các công ty, gián đoạn nguồn cung và định tuyến lại dòng chảy năng lượng - đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nga và châu Âu.
Một số nhà phân tích cho rằng, Nga đang chiến thắng trong “cuộc chiến” năng lượng trong khi không ít người nhận định ngược lại. Vậy ai đúng?
Câu trả lời phụ thuộc vào thời gian.
Nhiều người khẳng định, trong ngắn đến trung hạn, Nga sẽ trông rất giống người chiến thắng, nhờ khả năng phục hồi kinh tế bất chấp việc bán ít năng lượng hơn giữa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, châu Âu sẽ phải trả giá đắt vì sự chậm trễ trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Nhưng về dài hạn, Nga có thể suy giảm với tư cách là một siêu cường năng lượng, trong khi châu Âu có thể hưởng lợi từ những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thoát nguồn năng lượng của Moscow.
Nguồn thu của Nga từ năng lượng có mãi ổn định?
Cho đến nay, Nga vẫn chứng tỏ tiềm lực kinh tế mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu của nước này từ dầu và khí đốt hiện phần lớn còn nguyên vẹn.
Điều này là do giá các mặt hàng ở mức cao trên thị trường toàn cầu và thực tế là Liên minh châu Âu (EU) - khách hàng lớn nhất của Nga, vẫn tiếp tục mua các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch của nước này trước khi lệnh cấm một phần dự kiến có hiệu lực vào cuối năm.
Sự thận trọng về tài khóa của Nga trong nhiều năm qua và các biện pháp kiểm soát vốn kể từ chiến dịch quân sự ở Ukraine cũng đã mang lại cho nước này nguồn dự trữ tài chính lớn để tăng lương hưu, các khoản phúc lợi xã hội và tiền lương của công nhân viên chức, giảm bớt phần nào tình trạng lạm phát.
Do đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến của Nga cho năm 2022 vẫn được dự đoán tăng, dù đã được điều chỉnh giảm xuống còn 3,4-5%, thấp hơn mức dự báo 8-15% từ hồi tháng 4.
Tuy nhiên, "chiến thắng" của Nga có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Điều này một phần do Moscow đã giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang EU vào tháng 9/2022 và vì khối 27 quốc gia sẽ ngừng mua dầu thô của Nga qua đường biển (từ 5/12) và tất cả các sản phẩm dầu (từ 5/2/2023).
Theo một số tính toán, 54% doanh thu của Nga từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 6 tháng đầu sau xung đột với Ukraine đến từ EU. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận sắp tới sẽ làm giảm nguồn thu của Moscow.
Đã có những dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm khối lượng xuất khẩu dầu của Nga kể từ tháng 10 và sụt giảm doanh thu từ dầu và khí đốt trong tháng 8, mặc dù giá dầu cao hơn so với một năm trước đó.
Ngay cả Bộ Tài chính Nga cũng dự đoán khối lượng khai thác dầu sẽ giảm từ 7-8% vào năm 2023 so với năm 2022. Sản lượng than xuất khẩu của nước này có thể giảm từ 6-17% vào năm 2022.
Ngoài ra, những thách thức về cấu trúc vốn có trong lĩnh vực năng lượng của Nga sẽ ngày càng rõ ràng hơn theo thời gian.
Một là ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này đang suy giảm trong dài hạn, thể hiện ở việc dự trữ đang giảm dần. Năm 2020, dự trữ dầu mỏ của Nga thấp hơn 7% so với mức được ghi nhận vào năm 1991, trong khi Mỹ và Saudi Arabia đã tăng lượng lên lần lượt 114% và 14% so với cùng kỳ.
Điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội phát triển lâu dài của Nga vì lĩnh vực dầu mỏ chiếm phần lớn tổng đóng góp của dầu khí vào thu ngân sách liên bang (50%) và GDP (20%).
Hai là, khả năng lưu trữ hạn chế có nghĩa là xuất khẩu giảm chắc chắn sẽ dẫn đến sản xuất ngừng hoạt động. Việc duy trì hoạt động tại nhiều mỏ dầu nhỏ và lâu năm của Nga để có thể tái khởi động chúng trong tương lai sẽ là một công việc tốn kém và khó khăn.
Ba là, cơ sở hạ tầng của Nga được xây dựng để phục vụ khách hàng ở châu Âu. Do đó, hiện không có đường ống nào có thể chuyển khí đốt Tây Siberi từ châu Âu sang châu Á.
Việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt chuyên dụng như vậy còn đang chờ thỏa thuận cuối cùng giữa Nga và Trung Quốc “trong tương lai gần”. Có rất ít cơ hội để các dòng khí đốt bắt đầu chảy trước năm 2030.
Nga cũng thiếu tàu để vận chuyển dầu và khí đốt vì Moscow vốn phụ thuộc vào các tàu châu Âu. Điều này sẽ khiến các tàu hầu như không thể tiếp cận được hàng hóa trong bối cảnh EU áp đặt giá trần với dầu Nga.
Do đó, Nga có khả năng chuyển từ một “quốc gia dầu khí chiến lược” thành một quốc gia “giảm năng lượng”.
Con đường dài và khó khăn đang đợi châu Âu
Vào tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo châu Âu sẽ “đóng băng” nếu EU tiến hành giới hạn giá khí đốt của nước này, đồng thời nói rằng Moscow sẽ trả đũa bằng cách cung cấp “không khí đốt, không dầu mỏ, không than đá, không dầu nhiên liệu, không gì cả”.
Trên thực tế, kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu đã đầy hơn 95% tính đến ngày 19/11, vượt qua mức mục tiêu 80% của EU. Điều này cho thấy rõ ràng châu Âu có khả năng tránh được tình trạng thiếu hụt và mất điện trầm trọng trong suốt mùa Đông và đầu mùa Xuân.
Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga cũng đã giảm từ 40% trước xung đột xuống còn dưới 20% tổng lượng nhập khẩu của lục địa.
Tuy nhiên, tất cả những điều này đều đi kèm với một cái giá quá lớn sẽ ám ảnh châu Âu trong ngắn hạn và trung hạn. EU đã chi khoảng 105 tỷ USD tính đến cuối tháng 10 trong những nỗ lực nhằm tăng mức lưu trữ; con số này không bao gồm chi phí mua sắm (thông qua thuê hoặc xây dựng) cơ sở hạ tầng để tiếp nhận và xử lý khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Ở cấp độ vi mô, các hộ gia đình đang phải chịu mức tăng 90% hóa đơn năng lượng so với năm trước. Các chính phủ trên khắp châu Âu đã đồng ý hoặc đang chịu áp lực trợ cấp cho người tiêu dùng, điều này sẽ dẫn đến mức nợ công cao hơn.
Ngành công nghiệp của châu lục này cũng đang gặp khủng hoảng. Công ty nhập khẩu năng lượng Uniper đã báo cáo khoản lỗ ròng gần 40 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022, một trong những khoản lỗ lớn nhất lịch sử của doanh nghiệp Đức.
Các nhà máy sản xuất thép, phân bón, hóa chất và ô tô đang cắt giảm mạnh sản xuất hoặc đóng cửa do chi phí năng lượng cao và nhu cầu chậm lại.
Một báo cáo gần đây cho thấy, khả năng khu vực đồng Euro có thể tránh được một cuộc suy thoái vào năm 2022 nếu giá dầu và khí đốt tiếp tục có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Bỉ đã cảnh báo rằng "5 đến 10 mùa Đông tới sẽ rất khó khăn". Điều này đặc biệt là bởi, không giống như năm nay, châu Âu sẽ không thể tận dụng nhập khẩu hydrocacbon của Nga trong tương lai. Hơn nữa, lượng lớn LNG sẽ chỉ có sẵn vào khoảng năm 2026 khi các dự án ở Qatar, Mỹ, Australia và Mozambique đi vào hoạt động.
Không thể tránh khỏi, EU sẽ tiếp tục chi những khoản tiền lớn, kéo theo nợ công, để trả giá cao hơn các khách hàng khác nhằm đảm bảo cung cấp đủ khí đốt trong vài năm tới. Nỗi lo sợ về “nền kinh tế Đức phi công nghiệp hóa” và một đòn giáng mạnh vào khả năng cạnh tranh của châu Âu đã xuất hiện.
Tuy nhiên, về dài hạn, triển vọng của châu Âu trong “cuộc chiến” năng lượng có thể sẽ tươi sáng hơn so với Nga. Các nhà lãnh đạo EU nhận thức rõ ràng rằng sự phụ thuộc của châu Âu vào hydrocacbon giá rẻ của Nga với 40% lượng khí đốt tiêu thụ của EU, 27% lượng dầu nhập khẩu và 46% lượng than được nhập khẩu từ Nga vào năm 2021.
Về vấn đề này, kế hoạch REPowerEU được EU công bố vào tháng 3/2022 nhằm giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, tiến tới độc lập về năng lượng, đang thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh. Hầu hết các chuyên gia đồng ý với EU rằng, việc cung cấp tài chính và thực hiện kế hoạch là “khó khăn, vất vả, nhưng khả thi”.
“Cuộc chiến” năng lượng giữa Nga và châu Âu bắt đầu vào tháng 2/2022, tiếp tục căng thẳng và sẽ còn kéo dài. Câu trả lời cho câu hỏi “Ai chiến thắng trong cuộc chiến này?” phụ thuộc vào thời gian.