Cuộc chiến ngầm chia sẻ quyền lực ở Thượng viện Mỹ
Sự bất đồng giữa Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số mới ở Thượng viện Mỹ với người ông thay thế - Mitch McConnell đã ngăn cản cả hai đạt thỏa thuận về cách chia sẻ quyền lực tại cơ quan lập pháp.
Ông Schumer, nhà lập pháp hàng đầu của đảng Dân chủ đang chống lại yêu cầu của đối thủ Cộng hòa McConnell về cam kết bảo vệ quy tắc lâu đời của Thượng viện, vốn đòi hỏi phải có đa số cách biệt, ít nhất 60 phiếu thuận để thông qua hầu hết các dự luật và đề xuất.
Sự bất đồng giữa lãnh đạo hai phe Dân chủ và Cộng hòa đang ngăn cản các hoạt động cơ bản của Thượng viện, khi cơ quan lập pháp này bắt đầu năm mới với mỗi đảng đều nắm giữ 50 ghế nghị sĩ. Các ủy ban Thượng viện chưa được tái tổ chức để chấp nhận các thành viên mới.
"Mọi thứ đang bị đình trệ. Tôi có rất nhiều thứ muốn thực hiện", Dick Durbin, quan chức Dân chủ số 2 tại Thượng viện chia sẻ với báo giới hôm 21/1.
Theo Reuters, sau cuộc tổng tuyển cử 2020 và cuộc bỏ phiếu vòng 2 ở bang Georgia hôm 5/1, đảng Dân chủ của tân Tổng thống Joe Biden đã trở thành phe đa số tại Thượng viện, vì Phó Tổng thống Kamala Harris có quyền bỏ lá phiếu quyết định trong trường hợp xảy ra bất phân thắng bại giữa hai đảng.
Tuy nhiên, bà Harris dự kiến có thể không có mặt thường xuyên tại Thượng viện để phân định mọi tranh chấp.
Vì vậy, ông Schumer và ông McConnell hồi đầu tuần này bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận chia sẻ quyền lực có khả năng điều phối các hoạt động hàng ngày, tương tự như một thỏa thuận đạt được cách đây hai thập kỷ khi hai đảng cùng có số ghế ngang bằng nhau tại Thượng viện.
Ông McConnell đang thúc ép ông Schumer phải hứa hẹn duy trì quy tắc "đa số phiếu phê chuẩn", điều một số nghị sĩ Dân chủ cấp tiến đã đề xuất loại bỏ để đảng của họ có thể thông qua chương trình nghị sự mà không cần sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.
Thực tế, đảng Dân chủ có thể đơn phương thay đổi quy định để chỉ yêu cầu đa số phiếu tối thiểu (số phiếu thuận cao hơn số phiếu chống) nếu tất cả 50 thượng nghị sĩ Dân chủ cộng với bà Harris nhất trí điều đó.
Trong vài năm trở lại đây, Thượng viện đã thực hiện một số sửa đổi quy định để cho phép hầu hết các đề cử nhân sự của nội các và các cơ quan tư pháp được phê duyệt với đa số phiếu tối thiểu. Song, điều này chưa từng được áp dụng với các luật.
Ông Schumer đang khước từ yêu cầu của ông McConnell, viện dẫn lí do ông không muốn có bất kỳ điều khoản "không liên quan" nào trong thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Các chính khách Dân chủ ôn hòa như Thượng nghị sĩ Joe Manchin ủng hộ việc giữ nguyên quy tắc đa số phiếu cách biệt. Song, ông Manchin thừa nhận, ông Schumer có quyền sử dụng lợi thế của phe đa số nếu đảng Cộng hòa không chịu hợp tác.