Cuộc chiến ngoại giao, Đức sẽ mạnh tay với Nga cỡ nào?
Nga và Đức đang trong cuộc chiến ngoại giao mà Đức là bên chủ động, tuy nhiên xét nhiều yếu tốthì chưa biết Đức sẽ mạnh tay với Nga đến cỡ nào.
Nga và Đức đang trong cuộc chiến ngoại giao chưa ai nhường ai. Có vẻ Đức là bên chủ động hơn trong cuộc chiến này nhưng xét nhiều yếu tố thì chưa biết Đức thật sự sẽ mạnh tay với Nga đến cỡ nào.
Căng thẳng nhất trong 20 năm
Ngày 20-12, Nga lệnh trục xuất hai nhà ngoại giao Đức, đáp trả việc Berlin ngày trước đó ra lệnh trục xuất hai nhà ngoại giao Moscow, đài
Al Jazeera đưa tin.
Động thái của Đức có liên quan việc tòa án Berlin ra phán quyết buộc tội Nga đứng đằng sau vụ sát hại một công dân Georgia ở Berlin hai năm trước. Người mà tòa án Berlin nói đến là ông Zelimkhan “Tornike” Khangoshvili 40 tuổi, công dân Georgia thuộc sắc tộc Chechnya. Người giết ông Khangoshvili là bị cáo Vadim Krasikov 56 tuổi.
Theo tòa án Berlin, ông Krasikov đã hành động theo chỉ thị từ nhà chức trách Liên bang Nga. Chính phủ Nga đã cung cấp cho ông Krasikov danh tính giả, hộ chiếu giả và các phương tiện để sát hại ông Khangoshvili. Ngay sau khi vụ sát hại xảy ra, Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga và Nga cũng đáp trả tương tự.
Ngày 19-12, sau phán quyết của tòa án, Đức trục xuất thêm hai nhà ngoại giao Nga. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi vụ giết người này là “vi phạm nghiêm trọng luật pháp Đức và chủ quyền của Cộng hòa Liên bang Đức”. Bộ Ngoại giao Đức cho rằng việc trục xuất hai nhà ngoại giao Nga là “một phản ứng thích hợp” đối với phán quyết của tòa án và động thái trả đũa của Nga “gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ” hai bên. Dù thế, Nga cảnh cáo sẽ còn hành động mạnh hơn đáp trả bất kỳ “động thái đối đầu tiềm tàng nào từ phía Berlin”.
Phán quyết của tòa án Berlin và cuộc chiến ngoại giao đánh dấu một bước lùi nghiêm trọng trong quan hệ Đức - Nga vốn đã căng thẳng vì vấn đề Ukraine, vì sự ủng hộ của Đức với nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny. Quan hệ giữa Nga và Đức được cho đang ở mức thấp nhất trong 20 năm qua.
Đức khó mạnh tay với Nga
Trao đổi với hãng tin AP, ông Stefan Meister - chuyên gia về Nga tại tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức cho rằng phán quyết của tòa án Berlin, cuộc chiến ngoại giao và sự leo thang căng thẳng về Ukraine có thể làm tăng áp lực trong nước, buộc Đức phải xem xét lại dự án đường ống Nord Stream 2 dẫn thẳng khí đốt từ Nga đến Đức, không ngang qua Ukraine.
Tuy nhiên, trong một bài viết trên tờ Washington Post, sử gia, nhà báo người Đức Katja Hoyer phân tích rằng Đức khó có thể mạnh tay với Nga.
Nord Stream 2 quan trọng với cả Nga (để bán thêm khí đốt sang châu Âu) và Đức (phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga). Một số thành viên EU phản đối dự án rằng nó khiến châu Âu quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, không thể bác bỏ thực tế 40% nhu cầu khí đốt và 25% nhu cầu dầu của châu Âu hiện tại là do Nga cung cấp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin biết rõ Liên minh châu Âu sẽ không mạo hiểm chịu giá năng lượng cao, rủi ro mất điện hay xích mích trong nước để bảo vệ Ukraine. Có thể thấy điều này qua việc Nga đưa quân vào Georgia năm 2008 hay sáp nhập Crimea năm 2014 và Đức không can thiệp. Và giờ đây, khi Đức đang dần từ bỏ năng lượng hạt nhân và than đá, mức độ phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga càng cao hơn bao giờ hết.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock từng tuyên bố phải ngừng dự án Nord Stream 2, rằng “không được để mình bị tống tiền”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck có quan điểm là Đức nên cung cấp vũ khí cho Ukraine. Song cả bà Baerbock và ông Habeck cùng thuộc đảng Xanh - một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền do Thủ tướng Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo.
Đảng của ông Scholz lâu nay có nhiều chính sách thân Nga và ủng hộ dự án Nord Stream 2. Thủ tướng Đức gần nhất thuộc đảng Dân chủ Xã hội - ông Gerhard Scroeder là người thân thiết với ông Putin và cũng là người khởi xướng dự án Nord Stream 2.
Trong một cuộc họp báo đầu tháng này, ông Scholz không trả lời thẳng câu hỏi liệu chính phủ ông có ngưng dự án Nord Stream 2 hay không trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.•
Từ lộ trình chính trị cho nước Đức trong bốn năm tới có thể thấy rõ những mâu thuẫn cố hữu trong lập trường của chính phủ mới, khi nêu rằng Đức sẽ coi trọng “những mối quan tâm của các quốc gia đối tác Đông Âu” nhưng cũng cần “thừa nhận” “sự khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa” giữa Đức và Nga.
Sử gia KATJA HOYER
Nord Stream 2 đã xong nhưng Nga chưa thể khai thác
Theo tài liệu hãng tin Bloomberg thu thập được, Mỹ sẽ thúc giục Đức đồng ý ngừng dự án Nord Stream 2 nếu Nga tấn công Ukraine. Dự án Nord Stream 2 lâu nay là nguồn căng thẳng giữa Mỹ và Đức. Khi còn làm thủ tướng Đức, bà Angela Merkel nhiều lần từ chối sử dụng dự án này như một công cụ đối phó với Nga.
Theo thỏa thuận ký với Mỹ hồi tháng 7, chính phủ bà Merkel cam kết sẽ hành động nếu Nga dùng năng lượng như vũ khí hay có hành động khiêu khích với Ukraine. Thỏa thuận cũng trấn an Ukraine với vị thế là một quốc gia trung chuyển cho các đường ống dẫn khí khác. Đổi lại, ông Biden kiềm chế trừng phạt các thực thể của Đức có liên quan đến việc xây dựng dự án.
Đường ống mới hoàn thành dưới biển Baltic không thể bắt đầu nếu không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý Đức và đánh giá của các cơ quan châu Âu. Quá trình đánh giá ở Đức đã bị tạm dừng vào giữa tháng 11 sau khi cơ quan quản lý quyết định rằng công ty năng lượng Nga Gazprom PJSC sẽ cần phải cơ cấu lại các hoạt động của Nord Stream 2 phù hợp quy định của Liên minh châu Âu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/cuoc-chien-ngoai-giao-duc-se-manh-tay-voi-nga-co-nao-1035507.html