Cuộc chiến pháp lý giữa Đại học Harvard và chính quyền Mỹ:Tác động sâu rộng đến giáo dục

Nhà Trắng và Đại học Harvard đang xoáy sâu vào cuộc chiến pháp lý xoay quanh việc thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế. Động thái này được xem là chưa từng có tiền lệ và dẫn tới tâm lý bất an, để lại những tác động sâu rộng đến giáo dục đại học tại Mỹ.

Rắc rối giữa Đại học Havard và chính quyền Mỹ đang tạo ra làn sóng lo lắng và bất an trong cộng đồng học thuật. Ảnh: Monocle Radio.

Rắc rối giữa Đại học Havard và chính quyền Mỹ đang tạo ra làn sóng lo lắng và bất an trong cộng đồng học thuật. Ảnh: Monocle Radio.

Việc Thẩm phán Liên bang Allison Burroughs ra lệnh tạm thời ngăn chặn việc thu hồi chứng nhận trong Chương trình Sinh viên và Trao đổi (SEVP), cho phép Đại học Harvard tiếp tục tuyển sinh viên quốc tế, đã khiến nhiều người thở phào. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời và những rắc rối vẫn ở phía trước. Phiên điều trần tiếp theo được ấn định vào ngày 29-5 tại thành phố Boston (Mỹ), trong đó sẽ xem xét ban hành lệnh cấm sơ bộ đối với hành động của chính quyền Mỹ trước khi có kết luận cuối cùng cho vụ kiện của Đại học Harvard.

Căng thẳng giữa các cơ sở đại học ở Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump là vấn đề không mới nhưng đã leo thang nhanh chóng khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) thu hồi chứng nhận SEVP của Đại học Harvard, đồng nghĩa với việc trường không thể tuyển sinh viên quốc tế và sinh viên hiện tại phải chuyển trường hoặc rời khỏi nước Mỹ. Theo Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem, Đại học Harvard đã kích động bạo lực, bài Do Thái và vấp phải một số vấn đề khác. Chính quyền Mỹ cũng đe dọa cắt giảm hàng tỷ USD tài trợ liên bang và thu hồi tình trạng miễn thuế của cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới này.

Về phần mình, Đại học Harvard phản đối mạnh mẽ các động thái trên, cho rằng đây là sự “trả đũa bất hợp pháp” và vi phạm quyền tự do học thuật. Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber bày tỏ: "Chúng tôi lên án hành động bất hợp pháp và không chính đáng này". Trường cũng đã đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang, lập luận rằng, việc thu hồi chứng nhận SEVP sẽ tác động tiêu cực đối với hơn 7.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại đây.

Sinh viên quốc tế chiếm khoảng 25% tổng số sinh viên tại Harvard. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc mất đi nhóm sinh viên này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học thuật, mà còn làm suy giảm sự đa dạng văn hóa và tư duy toàn cầu trong môi trường học thuật.

Theo Wall Street Journal, cuộc đối đầu giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và Đại học Harvard đã phản ánh sự xung đột giá trị sâu sắc giữa chính quyền và cộng đồng học thuật tại Mỹ. Trong khi Harvard nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do học thuật và sự đa dạng, Nhà Trắng đang tìm cách kiểm soát và định hình giáo dục theo hướng phù hợp với quan điểm của mình. The Guardian dẫn lời một số chuyên gia luật cảnh báo, hành động cực đoan đối với các cơ sở giáo dục có nguy cơ vi phạm luật pháp xứ Cờ hoa, đặc biệt là Hiến pháp Mỹ. Yêu cầu Harvard cung cấp dữ liệu chi tiết về sinh viên quốc tế, bao gồm cả hồ sơ học tập và kỷ luật, cũng bị chỉ trích là vi phạm quyền riêng tư.

Thực tế, câu chuyện với Đại học Harvard mới là một mảnh ghép trong chiến lược rộng lớn hơn của Nhà Trắng nhằm kiểm soát các trường đại học hàng đầu, đặc biệt là những trường có khuynh hướng tự do thuộc nhóm 8 trường đại học hàng đầu nước Mỹ (Ivy League). Các đại học khác như: Yale, Stanford, Columbia… cũng có tỷ lệ sinh viên quốc tế cao và từng có xung đột với các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề nhập cư, biến đổi khí hậu… Nhiều quan điểm cho rằng, nếu chính quyền tiếp tục sử dụng các công cụ hành chính, nhiều trường tại Mỹ có thể bị đưa vào “tầm ngắm”.

Xu hướng này dấy lên lo ngại về sự can thiệp chính trị vào giáo dục đại học có thể khiến Mỹ mất đi vị thế là điểm đến hàng đầu của sinh viên quốc tế. Theo ông Alan Garber, bất đồng giữa các trường đại học và chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ để lại những tác động sâu rộng đến giáo dục đại học tại Mỹ cũng như uy tín của Washington trên trường quốc tế. Giáo sư Jeffrey Sachs tại Đại học Columbia cho rằng, việc chính quyền sử dụng sinh viên quốc tế như một công cụ trong cuộc chiến chính trị với Harvard có thể “gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín giáo dục”. Mỹ cũng có thể bị “chảy máu chất xám” và ảnh hưởng về kinh tế khi sinh viên và học giả quốc tế tìm kiếm cơ hội ở các quốc gia khác. Sinh viên quốc tế đang đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế xứ Cờ hoa thông qua học phí, chi tiêu sinh hoạt, hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Trong bối cảnh còn nhiều bất ổn, các sinh viên quốc tế tại Mỹ lúc này cần theo dõi sát tình hình, chuẩn bị kế hoạch dự phòng như cập nhật tình trạng visa và giấy tờ liên quan, đồng thời duy trì kết nối với văn phòng sinh viên quốc tế và đại sứ quán để được tư vấn khi có biến động chính sách.

Hoàng Linh (theo The Guardian, New York Times)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cuoc-chien-phap-ly-giua-dai-hoc-harvard-va-chinh-quyen-my-tac-dong-sau-rong-den-giao-duc-703482.html