Cuộc chiến sinh tử

Cả gia đình 4 người đều nhiễm Covid-19, trong đó có 2 người lớn tuổi, nhiều bệnh nền. Những ngày tháng 8 trong bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 của họ mãi mãi là ký ức không thể nào quên. May mắn là cả 4 người đều chiến thắng SARS-CoV-2, trở về đoàn tụ. Họ gọi đó là cuộc chiến sinh tử với nhiều cung bậc cảm xúc, từ hoang mang, lo lắng, sợ hãi đến vỡ òa hạnh phúc…

Mở đầu cho câu chuyện về cuộc chiến sinh tử của gia đình mình, họ xúc động nghẹn lời, nhờ thông qua Báo Ấp Bắc gửi lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 2 và Bệnh viện Dã chiến số 4. Nếu không có sự tận tình cứu chữa, chăm sóc, động viên tinh thần của đội ngũ y, bác sĩ thì có lẽ gia đình họ không có ngày sum họp đầy đủ cả 4 thành viên như hôm nay. Ân tình ấy, gia đình mãi mãi khắc ghi!

“VÀI BỮA CON LẠI VỀ, NGOẠI ĐỪNG KHÓC”

Nguyễn Đức H. (sinh năm 1998, 14/6C đường Lê Thị Hồng Gấm, phường 6, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là tài xế cho một công ty trên địa bàn TP. Mỹ Tho, mỗi ngày phải chở hàng đi giao cho các đại lý trên địa bàn tỉnh, ngay cả khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Khi dịch bệnh bùng phát, H. phải đi test nhanh Covid-19 3 ngày/lần để đảm bảo đủ điều kiện tham gia giao thông. Nhiều lần test nhanh như thế, kết quả đều an toàn. Nhưng rồi lần test ngày 25-7-2021, H. bị dương tính với SARS-CoV-2. Nhận được kết quả, H. bàng hoàng, chết lặng… H. không lo nhiều cho mình, vì bản thân còn trẻ, sức khỏe tốt nên chắc sẽ dễ dàng vượt qua. H. chỉ lo cho ba mẹ, vì cả hai đều lớn tuổi, nhiều bệnh nền…

Nhờ sự tận tình cứu chữa của đội ngũ y, bác sĩ và giữ được tinh thần lạc quan nên cả 4 người trong gia đình đều chiến thắng Covid-19 (ảnh do gia đình cung cấp).

Nhờ sự tận tình cứu chữa của đội ngũ y, bác sĩ và giữ được tinh thần lạc quan nên cả 4 người trong gia đình đều chiến thắng Covid-19 (ảnh do gia đình cung cấp).

Sau khi có kết quả test nhanh dương tính, H. được đưa đi cách ly tại Trường Cao đẳng Tiền Giang, chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR để khẳng định. Đến tối ngày 26-7-2021, kết quả xét nghiệm RT-PCR của H. dương tính với SARS-CoV-2. Sang ngày 27-7-2021, H. được đưa đến Bệnh viện Dã chiến số 4 ở huyện Cái Bè để điều trị. Ngay lập tức, con hẻm nơi gia đình H. sinh sống bị phong tỏa. Sau đó, ba mẹ và đứa cháu gái của H. cũng được lấy mẫu để xét nghiệm RT-PCR kháng nguyên Covid-19.

Ngày 30-7-2021, ba của H. là anh Nguyễn Văn U. (sinh năm 1960) và cháu gái của H. là em Nguyễn Ngọc Bảo Q. (sinh năm 2011) cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đến chiều ngày 30-7-2021, anh U. và cháu Q. được xe đến nhà đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 4 để điều trị. Còn chị Nguyễn Thị Huỳnh M. (sinh năm 1960), mẹ của H. là F1, được đưa đến khu cách ly tập trung ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho vào rạng sáng ngày 31-7-2021.

Chia sẻ về khoảnh khắc các thành viên trong gia đình lần lượt nhiễm Covid-19, được đưa đến bệnh viện dã chiến để điều trị, chị M. cho đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất của cuộc đời bà, với ngổn ngang bao nỗi lo trong lòng. Cũng như bao người khác, chị M. hiểu sự nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2 đối với sức khỏe con người là như thế nào. Hơn nữa, chồng chị M., anh U. lại có bệnh tim và cao huyết áp, còn con trai của chị dù còn trẻ, sức khỏe tốt nhưng cháu có thể trạng thừa cân. Vì thế khi biết chồng, con, cháu bị nhiễm Covid-19, lòng chị rối bời, mọi thứ dường như đổ sụp.

Nhìn anh U. và cháu Q. mặc đồ bảo hộ để lực lượng chức năng đưa đi cách ly điều trị, chị M. bật khóc. Thấy chị khóc, cháu Q. động viên: “Ngoại ơi, đi cách ly như đi du lịch, vài bữa con lại về, ngoại đừng khóc”, khiến chị càng thêm ngổn ngang…

HÀNH TRÌNH GIÀNH LẠI SỰ SỐNG

Trong những ngày ở khu cách ly tập trung, chị M. luôn dõi theo 3 cha con, ông cháu ở Bệnh viện Dã chiến số 4. Những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn, hình ảnh của các thành viên trong gia đình ở bệnh viện dã chiến, trong khu các ly tập trung dành cho F1 vẫn luôn được kết nối giữa 4 thành viên trong gia đình để động viên nhau cùng quyết tâm thực hiện cuộc hành trình chiến đấu với SARS-CoV-2. Và cuộc hành trình này dù đầy cam go, thử thách nhưng nhất định phải thắng, từng thành viên trong gia đình chị M. quyết tâm như thế.

Bên cạnh việc phải uống thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ, anh U., H. và cháu Q. còn cố gắng ăn uống, luyện tập thể dục mỗi ngày để nâng thể trạng, tăng sức đề kháng nhằm sớm đẩy lùi vi rút SARS-CoV-2 trong cơ thể. Biết chồng, con, cháu ổn, sức khỏe tiến triển tốt, chị M. mừng không thể diễn đạt hết bằng lời. Hy vọng không ngừng được thắp lên trong tất cả các thành viên của gia đình. Ngày 8-8-2021, cả 3 cha con, ông cháu đã được xuất viện. Vui mừng vì đẩy lùi được Covid-19 thì có, nhưng niềm vui ấy chưa được trọn vẹn, vì chị M. còn trong khu cách ly tập trung dành cho F1, chưa biết có được an toàn hay không.

Anh Nguyễn Văn U. và cháu Nguyễn Ngọc Bảo Q. chuẩn bị để xe đưa đến Bệnh viện Dã chiến số 4 (ảnh do gia đình cung cấp).

Anh Nguyễn Văn U. và cháu Nguyễn Ngọc Bảo Q. chuẩn bị để xe đưa đến Bệnh viện Dã chiến số 4 (ảnh do gia đình cung cấp).

H. bảo khi mới biết mình bị nhiễm Covid-19, thật sự em cũng có hoang mang, lo lắng nhưng lo cho mình thì ít mà lo cho ba mẹ thì nhiều, vì ba mẹ có nhiều bệnh nền. May mắn là cả 3 cha con, ông cháu đều được đưa đến điều trị trong cùng bệnh viện, vì vậy em có điều kiện theo dõi sức khỏe của ba hằng ngày. Thấy ba không có triệu chứng gì nặng, H. cũng an tâm phần nào. Tuy nhiên, H. vẫn phập phồng lo cho mẹ, vì mẹ em đang là F1, do ở chung nhà nên khả năng lây nhiễm rất cao. Thế rồi sự lo lắng của H. cũng đến…

Ngày 13-8-2021, chị M. được lấy mẫu xét nghiệm lần 2. Tối cùng ngày, ngành chức năng thông báo kết quả về khu cách ly tập trung, chị M. dương tính với SARS-CoV2. Trước đó, chị đã cảm nhận mình mất khứu giác, vị giác, ăn không được, mệt mỏi ngày một tăng dần. Sáng ngày 14-8-2021, sức khỏe của chị M. suy sụp hoàn toàn, chị cảm nhận rất rõ việc mình phải giành giật từng hơi thở để sống. Chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) của chị tụt xuống chỉ còn 85. Chị được hỗ trợ thở oxy ngay tại khu cách ly tập trung để chờ chuyển đến bệnh viện.

14 giờ 30 phút ngày 14-8-2021, chị M. được chuyển thẳng đến Bệnh viện Dã chiến số 2 - một trong những cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt là một trong những bác sĩ tham gia điều trị cho chị M. cho biết: Khi chị M. được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 2 thì tình trạng đã nguy kịch, suy hô hấp nặng, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 trên bệnh nhân có nhiều bệnh nền như béo phì, cao huyết áp và tiểu đường, tiên lượng xấu. Qua chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện phần lớn 2 lá phổi của chị M. đông đặc, phần phổi lành còn lại rất ít. Mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, vệ sinh… của chị đều phải có điều dưỡng hỗ trợ. Các bác sĩ điều trị đã tập trung cứu chữa, hỗ trợ thở oxy mask túi 15 lít/phút, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông liều cao và điều trị triệu chứng.

Do tình trạng bệnh nguy kịch nên những dòng tin nhắn của gia đình gửi đến, chị M. không còn sức để trả lời; những cuộc gọi của chồng, con, cháu, chị cũng không thể nghe máy. Thỉnh thoảng kết nối được qua chiếc điện thoại - phương tiện duy nhất để giữ liên lạc giữa gia đình và chị - thì gia đình cũng chỉ nghe được giọng thều thào yếu ớt, đứt quãng của chị. Những biểu hiện ấy của chị càng thổi phồng thêm nỗi hoang mang, lo lắng, bất lực…, khiến cho chồng, con, cháu của chị đứng ngồi không yên.

Nhờ đội ngũ y, bác sĩ đã tập trung cứu chữa, tận tình chăm sóc, động viên, khích lệ tinh thần quyết tâm chiến thắng Covid-19, dần dần chị M. đã lấy lại bình tĩnh, lạc quan hơn. Từ đó, niềm hy vọng đẩy lùi được SARS-CoV-2 cũng không ngừng được thắp lên… Không ăn được, chị cũng cố gắng ăn, không uống được chị cũng cố gắng uống. Tình trạng sức khỏe của chị được cải thiện dần trước sự ngạc nhiên của y, bác sĩ. Từ hỗ trợ thở oxy mask túi 15 lít/phút, giảm dần xuống thở oxy mũi và sau đó là dừng hỗ trợ thở oxy.

Sau 2 tuần kiên cường chiến đấu với SARS-CoV-2, chị M. đã chiến thắng Covid-19, trở về đoàn tụ với gia đình trong niềm vui vỡ òa của đội ngũ y, bác sĩ, của chị và người thân trong gia đình. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, sự hồi phục của chị M. là một trong những trường hợp hy hữu tại Bệnh viện Dã chiến số 2. Đối với bệnh nhân Covid-19, bên cạnh việc tập trung cứu chữa của đội ngũ y, bác sĩ, thì yếu tố tinh thần, sự lạc quan, kiên cường của bệnh nhân cũng rất quan trọng. Chị M. đã rất quyết tâm và giữ được tinh thần lạc quan nên điều kỳ diệu đã xảy ra…

TRUNG VĂN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202109/cuoc-chien-sinh-tu-934332/