Cuộc chiến tâm lý giữa Iran – phương Tây?
Trong bối cảnh tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vừa nhậm chức, căng thẳng Iran – phương Tây cũng như Iran - Israel một lần nữa 'bùng nổ'. Căng thẳng leo thang lần này được 'châm ngòi' bằng vụ tàu chở dầu Mercer Street của Israel bị tấn công.
Xoay quanh vụ tàu chở dầu Mercer Street bị tấn công khiến 2 người thiệt mạng là công dân Anh và Romania vào cuối tháng 7 vừa qua, Israel và các nước phương Tây liên tục đưa ra chỉ trích, cáo buộc mạnh mẽ Iran là thủ phạm gây ra vụ việc. Đáp lại, Iran cũng nhiều lấn nhấn mạnh những cáo buộc này là “vô căn cứ” và chỉ trích các nước đối lập sử dụng sự kiện này như một hành động gây hấn với Iran.
Đáng chú ý, Iran cho rằng, trong bối cảnh nước này có lãnh đạo mới, các quốc gia đối địch đang tạo ra một cuộc chiến tâm lý gây sức ép với Iran. Bình luận về những diễn biến căng thẳng mới nhất, giới học giả chính trị, an ninh khu vực cho rằng, dễ dàng nhận thấy, các nước phương Tây cũng như Israel liên tục nhấn mạnh hành động quốc tế chung chống lại Iran, bao gồm cả các biện pháp “cứng rắn” với Iran. Trong khi đó, Iran tuyên bố luôn bảo vệ hòa bình trên tuyến đường thủy ở Vịnh Ba Tư, đặc biệt là sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ bằng vũ lực đối với bất kỳ diễn biến tiêu cực nào.
Đây cũng chính là những yếu tố có thể tạo nên nguy cơ xung đột tiềm tàng tại vùng Vịnh. Song, kịch bản bùng nổ một cuộc xung đột vũ lực sẽ rất khó xảy ra, nhất là khi những diễn biến mới đây chưa đủ cấu thành “động cơ” rõ ràng và xứng đáng. Vì vậy, những hành động vũ lực lẻ tẻ có thể diễn ra trong thời gian tới. Đây cũng chính là mối quan ngại của phương Tây khi cho rằng, phải có biện pháp ngăn chặn sớm những hành động cực đoan.
Theo giới quan sát khu vực, hiện có 4 kịch bản leo thang căng thẳng gồm: Tấn công quân sự nhắm vào Iran; áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, quân sự mới với Iran; buộc Iran phải bồi thường; thông qua Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để gây sức ép với Iran.
Giới chuyên gia chính trị cho rằng, quan điểm trừng phạt nhắm vào Iran của các nước phương Tây hiện nay cũng là một yếu tố tiềm ẩn xung đột có thể xảy đến trong tương lai. Bởi, khi Iran luôn một mực bác bỏ những cáo buộc nhưng các nước phương Tây liên tục quy kết cho Iran thì sẽ tạo ra bức xúc rất lớn với Iran. Trong khi đó, Iran lâu nay luôn được biết đến là một điểm “nóng” ở khu vực Trung Đông, can dự hầu hết vào những mâu thuẫn, xung đột đan xen. Iran cũng là quốc gia có tiềm lực khá mạnh, nhất là về hạt nhân và thực tế chi phối nhiều vấn đề tại khu vực.
Chính vì vậy, nhiều học giả tin rằng, kịch bản tấn công quân sự theo cách trực tiếp tuy khó có thể xảy ra, nhưng xung đột riêng lẻ lại có nguy cơ rất cao, nhất là xung đột Israel – Iran. Trước hết, Irael có động cơ để tấn công Iran vì mục đích đáp trả vụ tấn công tàu chở dầu, trong khi Israel – Iran vốn là “kỳ phùng địch thủ”. Xung đột Israel – Iran có thể diễn ra với các cuộc tấn công mạng, tình báo, các mục tiêu quân sự của Iran ở nước ngoài... Đây cũng được đánh giá là một giải pháp kiềm chế Iran nhưng không tạo thành một cuộc xung đột trên quy mô khu vực. Mặt khác, nhiều học giả cho rằng, kịch bản các nước phương Tây buộc Iran phải bồi thường thiệt hại vụ tàu chở dầu là kịch bản nhẹ nhất và dễ xảy ra nhất.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, những căng thẳng gần đây liên quan nhiều hơn đến vấn đề chính trị thay vì quân sự. Bởi lẽ, căng thẳng diễn ra trong bối cảnh Iran có tân Tổng thống và có thể là một “đòn phủ đầu” đối với chính quyền mới của Iran. Ở chiều ngược lại, nếu Iran thực sự là thủ phạm vụ việc, hành động này có thể là một “lời cảnh cáo” của chính quyền Iran mới đối với các nước đối lập, cũng như một màn phô trương thanh thế để sắp xếp lại cán cân sức mạnh ở khu vực.