'Cuộc chiến tiền tệ' Nga-phương Tây: Moscow bật chế độ tự vệ tinh vi, vẫn lộ lỗ hổng lớn, Mỹ phản công và vai trò của Trung Quốc (Kỳ 1)
Những nỗ lực của Nga nhằm vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt của phương Tây được đánh giá là vượt xa các mối đe dọa năng lượng và 'săn lùng' thị trường xuất khẩu đơn thuần.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (tháng 2/2022), các nước phương Tây đã áp dụng nhiều lệnh trừng phạt chống lại Moscow, nhất là trong lĩnh vực tài chính. Vậy quốc gia này đã làm gì để đáp trả?
Theo tác giả Arman Mahmoudian* trong bài viết mới đây trên trendsresearch.org, thực tế cho thấy, Nga đã có những nỗ lực nhằm thay thế thị trường xuất khẩu năng lượng châu Âu bằng những người mua khác ở châu Á, đồng thời đe dọa cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt của phương Tây được đánh giá là vượt xa các mối đe dọa năng lượng và “săn lùng” thị trường xuất khẩu đơn thuần.
Trên thực tế, kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014 và từ đó, lần đầu tiên trong thời kỳ hậu Xô Viết, Nga phải đối mặt với làn sóng trừng phạt nặng nề, nước này đã hướng tới việc tạo ra một cơ chế bảo vệ tài chính và tiền tệ tinh vi để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Mục tiêu của cơ chế này là thiết lập một hệ thống tài chính song song với hệ thống do phương Tây thống trị, qua đó Nga có thể giữ cho các hệ thống giao dịch thanh toán và viễn thông tài chính của mình độc lập với các hệ thống phương Tây như SWIFT, Visa và Mastercard.
Để hiện thực hóa chương trình nghị sự trên, Moscow đã và đang phát triển một cơ chế bảo vệ tài chính bao gồm hai phương diện nổi bật: Mạng viễn thông tài chính và hệ thống giao dịch thanh toán.
Vậy, cho đến nay, các hệ thống thay thế mà Nga đang cố gắng thiết lập có mức độ thành công như thế nào?
Mạng viễn thông tài chính
“Chiến trường” tiền tệ chính giữa Nga và phương Tây nằm trong lĩnh vực mạng viễn thông tài chính, vốn có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thanh toán giữa các ngân hàng và tổ chức tài chính trên toàn thế giới. Trong số tất cả các mạng này, Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) là hệ thống nhắn tin tài chính liên ngân hàng được sử dụng rộng rãi nhất trên phạm vi quốc tế.
Sự hiện diện của Nga trong SWIFT bắt nguồn từ thời Liên Xô khi vào tháng 12/1989, Vnesheconombank trở thành tổ chức tài chính đầu tiên của Liên Xô kết nối với SWIFT.
Đến năm 1995, số lượng các tổ chức tài chính của Nga trong hệ thống SWIFT đã lên tới 300, trở thành nước sử dụng hệ thống viễn thông này lớn thứ hai, sau Mỹ.
Tuy nhiên, vào năm 2014, Moscow lần đầu tiên cảm thấy dễ bị tổn thương về tài chính khi các quốc gia phương Tây đáp trả việc sáp nhập Crimea bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số ngân hàng Nga, dẫn đến sự sụt giảm giá trị của đồng Ruble so với USD.
Lo ngại của Moscow lên đến đỉnh điểm khi Vương quốc Anh đề xuất kế hoạch loại Nga khỏi SWIFT.
Mặc dù đề xuất của London đã thất bại, bản chất của kế hoạch này đã cảnh báo Moscow về thực tế rằng, sự độc quyền của phương Tây đối với SWIFT có thể dễ dàng gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn ở Nga.
Do đó, để chống lại chiến tranh kinh tế của phương Tây, Nga đã tạo ra Hệ thống truyền thông điệp tài chính (SPFS) của riêng mình. SPFS cho phép các ngân hàng trao đổi dữ liệu tài chính về các giao dịch của Nga.
Đến giữa năm 2018, hơn 400 ngân hàng trong nước đã tham gia SPFS, nhiều hơn số tổ chức tín dụng của Nga trong hệ thống SWIFT.
Bất chấp thành công của SPFS trong việc thiết lập một mạng viễn thông nội địa độc lập giữa các ngân hàng Nga, tổ chức này vẫn không thể thay thế vai trò của SWIFT trong trao đổi thư từ quốc tế giữa các ngân hàng Nga và ngân hàng nước ngoài vì hầu hết các ngân hàng quốc tế lớn đã từ chối tham gia SPFS, do lo ngại biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Ngoài ra, đa số các ngân hàng lớn đều có trụ sở tại phương Tây, do đó, họ không có lợi khi làm suy yếu sự độc quyền của SWIFT bằng cách tham gia các hệ thống khác, đặc biệt là các ngân hàng ở các quốc gia là cổ đông của SWIFT.
Vì vậy, ngoại thương của Nga vẫn dễ bị trừng phạt. Rõ ràng, khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022, giới tinh hoa kinh doanh Nga có lý do để lo ngại rằng, phương Tây có thể ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống viễn thông tài chính quốc tế.
Thực tế, mối lo ngại của họ không phải là vô căn cứ khi vào ngày 1/3/2022, các cổ đông lớn của SWIFT (Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Canada) đã quyết định loại bỏ 7 ngân hàng khổng lồ của Nga, gồm VTB, VEB, Rossia Bank, Sovcom Bank, Otkritie, Novikombank và Promsvyazbank, ra khỏi SWIFT.
Mặc dù phương Tây không hoàn toàn vô hiệu hóa SWIFT đối với các ngân hàng Nga - vì nhiều ngân hàng nước này vẫn có quyền truy cập vào hệ thống, bao gồm cả Sberbank, ngân hàng lớn nhất trong nước - người ta có thể lập luận rằng, các bánh xe của cỗ máy trừng phạt kinh tế của phương Tây đang chuyển động và có khả năng sớm hay muộn, bên cạnh Iran, Nga sẽ là một quốc gia khác bị SWIFT cấm.
Bất chấp những gì xảy ra trong tương lai, việc 7 ngân hàng lớn của Nga bị xóa khỏi SWIFT cho thấy rằng, các đường liên lạc tài chính đang bị thu hẹp đối với Nga, điều này đã tác động đến nền kinh tế nước này theo những cách sau:
Người Nga không thể gửi và nhận tiền từ nước ngoài, ít nhất là không dễ dàng như trước đây; khách hàng của Nga không thể hưởng lợi từ các chức năng quốc tế của thẻ thanh toán Visa và Mastercard do các ngân hàng nước này phát hành.
Sự gián đoạn trong việc truy cập SWIFT của các ngân hàng Nga làm suy yếu giá trị của đồng Ruble; các hạn chế đối với việc sử dụng hệ thống này đã đặt ra những thách thức đối với ngoại thương của Moscow.
Các hạn chế đối với thương mại của Nga có thể gây ra sự bất thường trong chuỗi cung ứng hàng hóa, làm tăng tổng chi phí các mặt hàng nhập khẩu đối với khách hàng.
Để giảm thiểu tác động của những thách thức trên, Nga đã cố gắng mở rộng SPFS. Đến tháng 4/2022, Armenian Arshidbank, Kyrgyz Bank of Asia và hơn 20 ngân hàng Belarus đã được kết nối với hệ thống. Các công ty con của các ngân hàng lớn của Nga ở Đức và Thụy Sỹ cũng có quyền truy cập vào SPFS.
Mặc dù vậy, tư cách thành viên của các ngân hàng được đề cập sẽ không giải quyết hoàn toàn vấn đề của Nga vì không quốc gia nào trong số này đảm nhận một phần quan trọng trong ngoại thương của Moscow. Các đối tác thương mại hàng đầu của Nga là Trung Quốc, Hà Lan, Anh và Đức, nhưng không có quốc gia nào chào đón SPFS.
Hệ thống giao dịch thanh toán
Lĩnh vực giao dịch thanh toán là “chiến trường” tiền tệ lớn thứ hai giữa Nga và phương Tây. Điều này trở thành một vấn đề quan trọng đối với Moscow khi vào ngày 5/3/2022, Visa và Mastercard đã đình chỉ hoạt động của họ tại Nga.
Mặc dù cả hai hệ thống thanh toán đều cho phép sử dụng thẻ của họ trong lãnh thổ Nga cho đến ngày hết hạn, nhưng việc sử dụng thẻ bên ngoài nước này đã bị vô hiệu hóa. Điều này cũng có nghĩa là người dùng Nga cũng sẽ không thể thanh toán cho các dịch vụ trực tuyến nước ngoài. Ngay sau đó, Apple Pay và Google Pay cũng hạn chế quyền truy cập của người Nga vào nền tảng của họ.
Bất chấp các lệnh trừng phạt liên tiếp, Nga vẫn tìm cách thiết lập một hệ thống song song với các dịch vụ thanh toán của phương Tây. Vào năm 2014, Moscow thành lập Công ty Cổ phần Hệ thống thẻ thanh toán quốc gia (NSPK), với nhiệm vụ xử lý tất cả các giao dịch trong nước thông qua thẻ Mir nội địa, được phát hành bởi nhiều ngân hàng Nga và nước ngoài có đại diện tại Nga.
Các quan chức Điện Kremlin tuyên bố rằng, thẻ Mir tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn an ninh của Nga và quốc tế. Thẻ này được chấp nhận trên khắp nước Nga và cho phép người dân thanh toán hàng hóa, dịch vụ, rút tiền từ máy ATM, chuyển tiền ở bất kỳ đâu trong quốc gia nơi thẻ được chấp nhận.
Do đó, có thể nói rằng, các tương tác và dịch vụ thanh toán nội địa của Nga là an toàn. Thẻ do Nga phát hành sẽ tiếp tục hoạt động bình thường tại quốc gia này, cho phép người dùng thanh toán hàng hóa tại các cửa hàng, thực hiện giao dịch tại máy ATM và chuyển khoản từ thẻ sang thẻ.
Ngoài việc đảm bảo các giao dịch nội bộ, Moscow bắt đầu ấp ủ ý tưởng quốc tế hóa chức năng của thẻ Mir. Theo hướng này, ngay từ khi bắt đầu thành lập NSPK, Nga đã cố gắng thu hút nước ngoài tham gia dịch vụ này, dẫn đến việc các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Armenia, Uzbekistan, Belarus, Kyrgyzstan, Tajikistan và Kazakhstan… công nhận thẻ Mir là hệ thống thanh toán.
Với những hạn chế áp đặt đối với quyền truy cập của người Nga vào thẻ do phương Tây phát hành, việc Nga cố gắng mở rộng sự hiện diện quốc tế của thẻ Mir là điều đương nhiên. Trong bối cảnh đó, vào giữa tháng 9/2022, Bộ Tài chính nước này đã công bố kế hoạch tăng số quốc gia chấp nhận thẻ Mir lên 20 vào năm 2025 và 35 vào năm 2030.
Để phục vụ cho chương trình nghị sự trên, Moscow đã nhắm đến các điểm đến phổ biến đối với du khách quốc tế và du khách Nga, như khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ Latinh, Trung Đông và đặc biệt là các quốc gia có quan hệ hữu nghị với Moscow, bao gồm Cuba, Thái Lan, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Myanmar, Venezuela, Iran, Indonesia, Bahrain, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Azerbaijan, Nigeria…
Theo các nhà phân tích Nga, những quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ việc chấp nhận thẻ Mir vì việc phong tỏa hệ thống thanh toán của phương Tây đã ảnh hưởng đáng kể đến các chuyến đi nước ngoài của người Nga, từ đó tác động tiêu cực đến doanh thu của các quốc gia này từ khách du lịch Nga.
Do đó, bằng cách áp dụng hệ thống giao dịch thanh toán Mir, các nước trên có thể duy trì, hoặc thậm chí tăng dòng tiền từ khách du lịch Nga.
* Arman Mahmoudian là chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học South Florida, Mỹ.