Cuộc chiến 'trên ngón tay giữa' công ty nhỏ với tập đoàn Apple
Oura đang cạnh tranh sòng phẳng với tập đoàn Apple nhờ nhẫn thông minh có khả năng tổng hợp dữ liệu để giúp khách hàng cải thiện sức khỏe. Sứ mệnh đánh giá giấc ngủ
Trong thế giới khởi nghiệp, doanh nghiệp tiên phong về nhẫn thông minh Oura là một trường hợp hiếm hoi. Không chỉ là một "kỳ lân" được định giá hơn 5 tỷ USD, Oura còn là công ty hiếm hoi có lãi trong một lĩnh vực khắc nghiệt: điện tử tiêu dùng.
Nhẫn thông minh của Oura đã phát triển đến thế hệ thứ tư và được hàng triệu người tin dùng để theo dõi sức khỏe.
Giống như đồng hồ thông minh, nhẫn Oura đo nhịp tim, nhiệt độ da và chuyển động. Tuy nhiên, cách xử lý dữ liệu của nhẫn lại tập trung vào sức khỏe hơn thể chất.
Sứ mệnh đánh giá giấc ngủ
Nhờ thu thập dữ liệu liên tục 24/7, người dùng mỗi sáng thức dậy sẽ nhận được điểm “sẵn sàng” (readiness score), phản ánh chất lượng giấc ngủ và mức độ căng thẳng.
Kho dữ liệu sức khỏe khổng lồ, bao gồm đóng góp từ 70.000 người dùng, giúp nhẫn dự đoán khi nào người đeo có thể ốm trước khi triệu chứng xuất hiện. Đây cũng là yếu tố giúp nhẫn Oura được nhiều nhà phê bình đánh giá cao, xuất hiện trên tay các ngôi sao như Jennifer Aniston, Tom Holland, Cristiano Ronaldo hay ông chủ tập đoàn Meta là tỷ phú Mark Zuckerberg.
Thành lập năm 2013 tại Oulu, thành phố lớn thứ 5 của Phần Lan, Oura thể hiện xu hướng mới của các thiết bị theo dõi sức khỏe, thu hút từ những người đam mê dữ liệu cá nhân đến những ai quan tâm nhẹ nhàng đến việc cải thiện sức khỏe.
Một phần lý do là các thiết bị này cung cấp những điều mà đồng hồ thông minh không thể.
Chiếc nhẫn Oura, với triết lý hướng tới cân bằng cuộc sống - khuyến nghị thời điểm nghỉ ngơi thay vì chỉ trích việc không tập luyện. Cách hoạt động này xuất phát từ văn hóa Phần Lan của các nhà sáng lập, theo chia sẻ của Marjut Uusitalo, trưởng bộ phận nhân sự, gia nhập công ty năm 2016.
“Trong văn hóa Phần Lan, chúng tôi là những con người rất giản dị, luôn gần gũi với thiên nhiên. Những mùa đông khắc nghiệt và sự thay đổi rõ rệt giữa các mùa đã thôi thúc chúng tôi tạo ra một sản phẩm giúp con người lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cần thiết”, Uusitalo nói.
Năm 2013, Oura huy động chưa đến 1 triệu USD qua Kickstarter. Đến năm 2024, công ty đã gọi vốn thành công 200 triệu USD với định giá 5,2 tỷ USD. Tính đến tháng 2/2024, Oura bán khoảng 2,5 triệu chiếc nhẫn, theo giám đốc điều hành Tom Hale. Hiện công ty có 700 nhân viên trên toàn cầu, phân bổ giữa Phần Lan và Mỹ.
55% khách hàng của Oura là phụ nữ, và công ty đặc biệt quan tâm đến sức khỏe phụ nữ, bao gồm theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để cải thiện sức khỏe, hỗ trợ thụ thai và ngừa thai.
Trong đại dịch COVID-19, nhẫn Oura thậm chí còn còn được giải bóng rổ NBA sử dụng để dự đoán khi nào vận động viên có thể nhiễm virus.
Khách hàng lớn nhất của Oura là Bộ Quốc phòng Mỹ, với hợp đồng trị giá 96 triệu USD để cung cấp nhẫn cho quân nhân trong chương trình “dịch vụ chăm sóc sức khỏe lực lượng lao động”.
Hành trình thăng trầm
Oura đã trải qua 4 giám đốc điều hành (CEO) kể từ khi thành lập. Một trong những nhà sáng lập, Petteri Lahtela, là giám đốc điều hành đầu tiên.
Sau đó, Harpreet Singh Rai, một nhà đầu tư am hiểu sản phẩm, đã trở thành CEO thứ hai vào năm 2018. Đến năm 2023, Tom Hale, một người dùng trung thành của nhẫn Oura, tiếp quản vai trò này với tham vọng đưa công ty lên sàn chứng khoán.
So với đồng hồ thông minh của tập đoàn Apple và nhiều doanh nghiệp khác, nhẫn thông minh có nhiều ưu thế trong việc theo dõi sức khỏe. Một trong số đó là sự thoải mái khi đeo liên tục, đặc biệt trong lúc ngủ, một khoảng thời gian tiết lộ nhiều thông tin sức khỏe.
Ngoài ra, việc đặt cảm biến sát động mạch ở ngón tay cung cấp dữ liệu chính xác hơn so với đồng hồ đeo tay thường di chuyển.
Khoảng 2/3 người dùng Oura vẫn sử dụng song song chiếc nhẫn với smartwatch, vì hai thiết bị có những chức năng khác nhau.
Yếu tố nổi bật của nhẫn Oura là tính năng đo “tuổi tim mạch” dựa trên độ cứng của động mạch, một chức năng mà Apple Watch của tập đoàn Apple đến nay vẫn thiếu.
WSJ nhận định Oura hiện đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty như Ultrahuman (Ấn Độ), Circular (Pháp) và RingConn (Trung Quốc). Ultrahuman không thu phí đăng ký hàng tháng, trong khi Oura thu 6 USD/tháng để duy trì đội ngũ R&D gồm hơn 30 tiến sĩ.
Tuy nhiên, nhờ danh mục bằng sáng chế phong phú, Oura đang bảo vệ vị trí dẫn đầu. Công ty đã đệ đơn kiện tại Mỹ nhằm ngăn chặn các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ từ Ultrahuman và RingConn.
Nhẫn thông minh ngày nay là kết quả của hàng thập kỷ thu nhỏ hóa linh kiện điện tử, sử dụng các vi mạch nhỏ chỉ vài milimet. Các cảm biến ánh sáng được sản xuất tại Trung Quốc và châu Âu, còn nhẫn được lắp ráp tại Bengaluru (Ấn Độ).
Năm 2024, 1,8 triệu chiếc nhẫn thông minh đã được bán ra, mang lại doanh thu khoảng 500 triệu USD. Dự báo đến năm 2029, doanh thu toàn cầu của ngành này có thể đạt 900 triệu USD.
Trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn như tập đoàn Apple, CEO Hale tin rằng Oura có lợi thế nhờ sự tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Với Oura, việc đạt quy mô hiện tại đã là một kỳ tích phi thường.