Cuộc chiến vi mạch

Được ví như là một tài liệu tham khảo về một trong những lĩnh vực quan trọng nhất hiện nay, cuốn sách 'Cuộc chiến vi mạch' của tác giả Chris Miller hoàn toàn làm thỏa lòng những ai yêu thích công nghệ và muốn tìm hiểu về lịch sử của ngành công nghệ cực kỳ quan trọng trong suốt hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI.

Tác giả Chris Miller hiện là Phó giáo sư chuyên ngành Lịch sử quốc tế tại một trường đại học danh giá ở Mỹ. Bắt nguồn từ suy nghĩ: chúng ta hiếm khi nghĩ về các con chip, nhưng chúng đã tạo ra thế giới hiện đại, Chris Miller đã dày công nghiên cứu vấn đề hàng tỷ bóng bán dẫn và lượng nhỏ các công ty không thể thay thế định hình thế giới hiện nay ra sao? Rõ ràng, ở dưới góc độ nghiên cứu tổng hợp, cuộc chiến giành uy thế trong ngành bán dẫn là một trong những câu chuyện quan trọng nhất về địa chính trị, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Cuốn sách cung cấp rất nhiều tri thức học thuật của chính chuyên ngành này, cũng như tìm hiểu hành trình chế tạo và thu nhỏ kích thước chất bán dẫn được coi là thách thức kỹ thuật lớn nhất trong thời đại của chúng ta.

Dựa trên nghiên cứu từ các hồ sơ lưu trữ lịch sử ở ba lục địa, từ Đài Bắc đến Moscow và hơn một trăm cuộc phỏng vấn với các nhà khoa học, kỹ sư, CEO, cũng như các quan chức chính phủ, cuốn sách này dám khẳng định rằng chất bán dẫn đã định hình thế giới mà chúng ta đang sống, quyết định nên nền chính trị quốc tế, cấu trúc của nền kinh tế và cán cân quyền lực quân sự. Tuy nhiên thiết bị hiện đại này có một lịch sử phức tạp và đầy tranh cãi. Cuốn sách công phu gồm 8 phần với 54 chương, tìm hiểu những con chip từ thời chiến tranh lạnh, đến quá trình khi mà toàn cầu hóa là một cụm từ “hot”. Sách cũng tìm hiểu câu chuyện của Mỹ cùng Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc muốn thâm nhập những mảng phức tạp và giá trị cao của ngành công nghiệp chip. Rồi đến Trung Quốc cũng muốn có ngành công nghiệp bán dẫn tại quốc gia mình. Tầm nhìn của Trung Quốc về sự độc lập trong lĩnh vực bán dẫn hứa hẹn sẽ đảo ngược, tạo nên cục diện thay đổi - thay đổi sản xuất của một trong những hàng hóa được giao dịch rộng rãi và có giá trị nhất thế giới.

Nhiều vấn đề thời sự vẫn cần được tiếp tục bàn thảo khi các chương cuối của cuốn sách gợi mở. Đó là vấn đề nhu cầu của chip ngày càng bùng nổ trong bối cảnh sự phát triển của điện toán đám mây, internet vạn vật và dữ liệu lớn. Đó còn là tâm lý phức hợp giữa các hãng chip, nhà sản xuất và khát vọng của nhiều nhà lãnh đạo ở các nước lớn trên thế giới. Rõ ràng các hãng chip đơn giản thường khó phớt lờ sức hấp dẫn của thị trường bán dẫn lớn vào loại nhất nhì thế giới. Các nhà sản xuất chip đều muốn bảo vệ công nghệ quan trọng của mình.

Không đưa ra các lời giải, mà bằng sức thuyết phục từ các dữ kiện lịch sử của chính ngành công nghệ hot nhất hiện nay, tác giả cho rằng: Công nghệ chỉ tiến bộ khi tìm được thị trường. Đó không chỉ vấn đề: nhồi nhét nhiều linh kiện hơn vào các mạch tích hợp mà lịch sử của chất bán dẫn còn là câu chuyện về bán hàng, marketing, quản lý chuỗi cung ứng và cắt giảm chi phí.

Bên cạnh những thông tin dày dặn, thi thoảng người đọc vẫn nên dừng ở những mẩu chuyện nhỏ thế này: Tháng 12/1958, có 3 người trẻ là Trương Trung Mưu, Gordon Moore và Bob Noyce đến một hội thảo điện tử diễn ra ở Washington, D.C. Ba con người ấy đều uống bia sau hội thảo, cùng dạo bước về khách sạn, hát vang giữa trời tuyết. Họ sau này chính là 3 người khổng lồ của ngành công nghệ. Họ cũng để lại dấu ấn lâu dài không chỉ trên hàng tỷ đĩa bán dẫn silicon mà còn trên mọi mặt đời sống. Những con chip do họ phát minh và ngành công nghiệp mà họ đã xây dựng mạch điện tử đã cấu trúc nên lịch sử của tất cả chúng ta và tất nhiên còn sẽ định hình tương lai cả sau này.

Đúng là việc chế tạo con chip tiên tiến liên quan đến hàng trăm bước quy trình và chuỗi cung ứng đa quốc gia. Tác giả Chris Miller đã hóm hỉnh nói rằng: viết nên cuốn sách “Cuộc chiến vi mạch” chỉ ít phức tạp hơn việc tạo ra con chip một chút. Sách còn có hơn 100 trang chỉ mục sau cùng, thể hiện nỗ lực kỳ công của tác giả diễn giải từng chi tiết qua các chương. Đúng là con chip của thế kỷ XXI cũng có thể được ví von như dầu mỏ của thế kỷ XX. Là phó giáo sư chuyên ngành lịch sử, tác giả đã nỗ lực thể hiện vấn đề nghiên cứu của mình dựa trên mối tương giao công nghệ tài chính, kinh tế vĩ mô và chính trị. Còn tất cả chúng ta khi trang bị cho mình chút ít kiến thức về công nghệ và tìm hiểu về bức tranh lịch sử trong thế kỷ này đều hiểu rằng, trong tương lai, sự thay đổi quyền kiểm soát ngành công nghiệp này có thể định hình lại đáng kể trật tự kinh tế và chính trị của thế giới.

Mạc Danh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cuoc-chien-vi-mach-36878.htm