Cuộc chiến với tàu giã cào

Khai thác thủy sản bằng tàu giã cào tận diệt hải sản, từng là nỗi ám ảnh trên vùng biển Hà Tĩnh. Nhưng 3 năm gần đây, với nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (chống khai thác IUU), Hà Tĩnh từng bước đẩy lùi tình trạng này.

Lực lượng biên phòng Hà Tĩnh tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt thủy sản trái phép.

Lực lượng biên phòng Hà Tĩnh tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt thủy sản trái phép.

Những năm 2018, 2019 là thời điểm tàu giã cào ra sức quần thảo trên vùng biển Hà Tĩnh. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh thời điểm đó, nghị trường luôn “nóng” về tình trạng tàu giã cào đánh bắt ven bờ, vùng lộng. Đây cũng là thời điểm ngành thủy sản bắt đầu tập trung thực hiện các giải pháp nỗ lực gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (chống khai thác IUU).

Từ chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh ban hành kế hoạch về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Kế hoạch trở thành mệnh lệnh để cơ quan chức năng Hà Tĩnh vào cuộc xử lý tình trạng giã cào.

Tổ liên ngành các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Thông tin và Truyền thông, Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), chính quyền các địa phương được phân công nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó, vai trò chính trong việc truy quét tàu giã cào được giao cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đảm nhận.

Theo Đại tá Nguyễn Mậu Phúc - Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Hà Tĩnh, quá trình phối hợp truy quét tàu giã cào trên biển, lực lượng BĐBP đóng vai trò rất quan trọng trong việc trấn áp, răn đe tàu cá vi phạm.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền được các đồn, trạm triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức đã phần nào thay đổi nhận thức cho bà con ngư dân.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tranh thủ lúc biển động, các tàu cá vào bờ neo đậu nhiều, cán bộ, chiến sĩ ở Đội Vận động quần chúng và Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Sót (Đồn Biên phòng Cửa Sót) đã ra cầu cảng, âu thuyền, địa bàn tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân đánh bắt đúng quy định gắn với kiểm tra, giám sát phương tiện. Lực lượng chức năng cũng phối hợp Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh và lực lượng khác tập trung nhắc nhở, chấn chỉnh các tàu làm nghề giã cào phải đánh bắt đúng vùng biển quy định, không sử dụng chất nổ, xung điện.

Ông Nguyễn Văn Long (thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) - chủ tàu HT 90149 TS cho biết: BĐBP thường xuyên đến kiểm tra phương tiện, trang thiết bị, công tác đảm bảo an toàn và nhắc nhở phải chấp hành pháp luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, chúng tôi đã nâng cao được nhận thức, có ý thức chấp hành nghiêm, khai thác hải sản đúng vùng biển quy định”.

Ngư dân Nguyễn Văn Diện (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Trước đây, thuyền của tôi làm nghề giã cào nhưng khi được BĐBP tuyên truyền, động viên, chúng tôi đã quyết định chuyển đổi sang hình thức khai thác khác. Trong quá trình sản xuất trên biển, thấy tàu thuyền nào của bà con ngư dân trong vùng dùng kích điện, mìn hay đánh bắt sai vùng là tôi góp ý, nhắc nhở họ; khi thấy tàu giã cào ngoại tỉnh vi phạm thì tôi thông báo ngay cho BĐBP xử lý”.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tỷ lệ tàu giã cào đánh bắt sai vùng, sai tuyến, sử dụng chất nổ, ngư cụ cấm hoạt động trên vùng biển Hà Tĩnh thời điểm này hầu như không còn, tuy nhiên, việc tuần tra, truy quét, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Công Hoàng, vai trò của lực lượng BĐBP trong chống khai thác IUU ở Hà Tĩnh là không thể thiếu. Lực lượng này đã đồng hành tuyên truyền cho ngư dân về lợi ích của việc không tham gia khai thác IUU, kịp thời ngăn chặn các tàu cá vi phạm IUU, đặc biệt là tàu giã cào.

Năm 2022, Đồn Biên phòng Lạch Kèn (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là một trong những đơn vị chủ trì, phối hợp rất tốt với các lực lượng chức năng, ngư dân trong việc phát hiện, bắt giữ tàu giã cào vi phạm quy định Luật Thủy sản.

Năm 2021, Đồn Biên phòng Thiên Cầm đã ngăn chặn được 15 vụ tàu giã cào vi phạm, xử phạt 165 triệu đồng; năm 2022 bắt 4 vụ giã điện, xử phạt hành chính 43 triệu đồng, góp phần bảo vệ ngư trường vùng lộng cho ngư dân Cẩm Xuyên nói riêng, Hà Tĩnh nói chung.

Mặc dù tỷ lệ tàu giã cào vi phạm quy định về khai thác thủy sản trên vùng biển Hà Tĩnh đã giảm mạnh, tuy nhiên, về lâu dài, cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, truy quét thường xuyên, liên tục, đặc biệt là những tháng cao điểm mùa cá sinh sản.

Hà Tĩnh hiện có 2.960 tàu cá, trong đó, tàu cá dưới 12m là 2.348 chiếc, từ 12-15m là 506 chiếc, tàu trừ 15m trở lên là 106 chiếc. Có 101/101 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Công tác quản lý hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên biển luôn được tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, chỉ đạo.

Theo báo cáo, thực hiện chống khai thác IUU, hiện nay, việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt hơn 81,67%, tỷ lệ đánh dấu tàu cá đạt 98%, tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%, 2.957 tàu cá đã đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cuoc-chien-voi-tau-gia-cao-5715883.html