Cuộc chiến với Ukraine khiến kinh tế Nga 'nóng đến mức nguy hiểm'

Theo các chuyên gia của Economist, thay vì đánh giá sụp đổ hay trì trệ, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Nga hiện tại là đang 'nóng đến mức nguy hiểm'.

Đi ngược lại phán đoán của phương Tây

So với những kỳ vọng phổ biến ở phương Tây hai năm trước rằng các lệnh trừng phạt và tác động tiêu cực của chiến sự Ukraine có thể khiến nền kinh tế Nga sụp đổ, thật bất ngờ nền kinh tế Nga đang vận hành rất tốt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mười hai tháng trước, các nhà phân tích phương Tây đã dự đoán một sự suy giảm tổng thể của Nga trong suốt năm 2023. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây (bao gồm cả Anh), với GDP tăng hơn 3%.

Giá dầu cao hơn và việc tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp Nga tránh khỏi thảm họa mà nhiều người dự đoán.

Sự rút lui của các công ty phương Tây cũng đã mở ra những “ngóc ngách” mới cho các công ty Nga, trong khi các biện pháp kiểm soát vốn khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư vào Nga.

Thêm vào đó, việc tăng chi tiêu quốc phòng một cách ồ ạt, bao gồm cả tiền lương cho binh sĩ và bồi thường cho các gia đình, cũng như sản xuất vũ khí, đã thúc đẩy những cuộc bùng nổ kinh tế nhỏ ở những vùng nghèo hơn của đất nước.

"Nóng đến mức nguy hiểm"

Số liệu từ Bộ tài chính Nga cho thấy gói kích thích tài chính tổng thể của chính phủ chiếm khoảng 5% GDP, nhiều hơn mức được thực hiện trong đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, đến một lúc nào đó, tất cả những thứ đó đều phải trả giá.

Cũng theo tài liệu từ Bộ Tài chính Nga, chi tiêu quốc phòng năm 2024 dự kiến lên đến 10.800 tỷ rúp (111,15 tỷ USD), tức khoảng 6% GDP nước này

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (dưới 3%), lương danh nghĩa đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát lên tới khoảng 8%, buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất lên 16%.

Hai học giả của Yale là Jeffrey Sonnenfeld và Steven Tian mới đây đã nêu ra một vài vấn đề nổi cộm của kinh tế Nga do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Thứ nhất là vấn đề chảy máu chất xám. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, ít nhất một triệu công nhân có tay nghề cao đã rời khỏi đất nước (theo một số ước tính), chiếm 10% toàn bộ lực lượng lao động công nghệ của Nga và 33% số triệu phú của nước này.

Kinh tế Nga đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh hứng chịu loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

Kinh tế Nga đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh hứng chịu loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

Vấn đề thứ hai là “chảy máu vốn”. Theo đánh giá riêng của Ngân hàng Trung ương Nga, lượng vốn tư nhân kỷ lục 253 tỷ USD đã được chuyển ra khỏi Nga trong 16 tháng sau khi xung đột nổ ra, gấp 4 lần mức vốn chảy ra trước đó.

Thứ ba, việc mất đi công nghệ cao phương Tây đã gây thiệt hại cho các lĩnh vực quan trọng như công nghệ và thăm dò năng lượng. Ví dụ, “ông lớn” năng lượng Nga Rosneft đã buộc phải chi thêm gần 10 tỷ USD cho chi phí vốn, cộng thêm khoảng 10 USD chi phí cho mỗi thùng dầu mà công ty xuất khẩu.

Thứ tư, khoảng 250 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chảy ra khỏi nước này và gần như ngừng hoàn toàn dòng vốn FDI mới vào Nga. Trước khi chiến sự nổ ra, trung bình mối năm nước này nhận thêm 100 tỷ USD vốn FDI.

Thứ năm, đồng rúp mất đi vai trò là đồng tiền có thể chuyển đổi và trao đổi được.

Thứ sáu, mất khả năng tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.

Cuối cùng là “sự tàn phá của cải trên diện rộng và giá trị tài sản sụt giảm”. Giá trị của một số doanh nghiệp nhà nước đã giảm 75% kể từ khi chiến sự nổ ra, và nhiều tài sản của khu vực tư nhân đã giảm một nửa giá trị.

Các lệnh trừng phạt đã không làm sụp đổ nền kinh tế Nga nhờ Trung Quốc, Ấn Độ và các “thị trường song song” nơi hàng hóa được vận chuyển qua các quốc gia thân thiện như Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt ngày càng gia tăng, đặc biệt là các loại hàng hóa như lốp xe, giấy in, phụ tùng máy bay và thuốc men.

Theo phân tích của Bộ Ngân khố Mỹ, nền kinh tế Nga hiện đã nhỏ hơn 5% so với trước đây nếu chiến sự không nổ ra.

Bà Rachel Lyngaas, chuyên gia kinh tế trưởng về trừng phạt thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho biết sự kết hợp giữa chiến sự và các lệnh trừng phạt đang “đặt nền kinh tế Nga dưới áp lực kinh tế đáng kể” bằng cách “góp phần khiến chi tiêu tăng nhanh, đồng rúp mất giá, lạm phát gia tăng và thị trường lao động thắt chặt.

Các yếu tố chính gây tổn hại cho Nga bao gồm tình trạng di cư, khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng hàng nhập khẩu công nghệ cao, buộc phải định hướng lại chuỗi cung ứng và thiếu khả năng tiếp cận thị trường phương Tây.

Theo bà Lyngaas, "mặc dù nền kinh tế cho đến nay đã đối phó được với các lệnh trừng phạt, nhưng một nỗ lực chiến sự lớn hơn có thể gây bất ổn cho sự ổn định vĩ mô của Nga".

Hải Đăng

Theo Money Week

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cuoc-chien-voi-ukraine-khien-kinh-te-nga-nong-den-muc-nguy-hiem-20180504224294113.htm