Cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm ở Zimbabwe

Cuộc chuyển giao quyền lực tại Zimbabwe đã khép lại khi ông Emmerson Mnangagwa chính thức nhậm chức, đồng thời đặt dấu chấm hết cho 37 năm nắm quyền của Tổng thống Robert Mugabe.

Ông Emmerson Mnangagwa (thứ 3, trái) phát biểu trước những người ủng hộ tại Harare ngày 22/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong quá khứ, "lục địa đen" từng chứng kiến nhiều vụ binh biến với hậu quả rất nặng nề, nhưng có lẽ hiếm có cuộc chuyển giao quyền lực nào lại êm thấm, không chút đổ máu và ít tranh cãi như lần này.

Việc nhà lãnh đạo nắm giữ quyền lực lâu nhất thế giới Robert Mugabe đồng ý từ chức là kịch bản mà đảng Mặt trận Yêu nước châu Phi Zimbabwe (ZANU-PF) cầm quyền, giới tướng lĩnh quân đội, đa số người dân Zimbabwe và các nước trong khu vực mong muốn. Sự rút lui của ông Mugabe được đánh đổi bằng việc ông và vợ được miễn truy tố và bảo đảm an toàn, điều này sẽ giúp tránh những căng thẳng và bất ổn hơn nữa đối với quốc gia miền Nam châu Phi vốn đang kiệt quệ này.

Từng có những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, một ngành nông nghiệp phát triển bùng nổ và nguồn nhân lực dồi dào, ngoài kim cương, Zimbabwe còn là quốc gia có nguồn dự trữ platinum và chrome lớn nhất thế giới chỉ sau Nam Phi. Họ cũng từng tích trữ vàng, than đá và quặng sắt - những kim loại chiếm phần lớn trong kho dự trữ ngoại hối quốc gia.

Tuy nhiên, nền kinh tế Zimbabwe vẫn còn nhiều khó khăn. Gần 1/4 dân số Zimbabwe đang cần hỗ trợ lương thực và 72% trong số họ sống trong nghèo đói. Khung cảnh thường thấy ở thủ đô của Zimbabwe là những hàng dài người dân xếp hàng bên ngoài ngân hàng chờ đợi để có thể rút tiền mặt. Quy mô nền kinh tế bị giảm một nửa kể từ năm 2000, sản xuất đình đốn, nền nông nghiệp bị lụi bại, thất nghiệp cao kỷ lục 90% và tỷ lệ lạm phát tăng chóng mặt.

Lên nắm quyền vào năm 1980 sau khi đất nước giành được độc lập từ Anh, ông Mugabe đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn khi kêu gọi hòa giải với người Zimbabwe da trắng, cải thiện việc tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, những chính sách này đã không mang lại kết quả như mong muốn. Một trong những sai lầm của ông Mugabe là vào năm 2000, ông đã tiến hành cải cách ruộng đất “nhanh chóng” và khuyến khích việc tiếp quản một cách bạo lực các trang trại của người da trắng, khi đó được coi là xương sống của ngành nông nghiệp nước này. Phần lớn đất đai bị tịch thu được giao cho những nông dân da đen thiếu kinh nghiệm về hoạt động nông nghiệp hiện đại; nhiều người trong số họ được lựa chọn trên cơ sở mối quan hệ của họ với ông Mugabe và đảng Zanu-PF. Các trang trại của Zimbabwe, vốn là nguồn doanh thu xuất khẩu chính của nước này, bất ngờ trở nên sa sút và khiến toàn bộ nền kinh tế bị suy giảm.

Tình hình nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Có thời điểm lạm phát ở Zimbabwe lên tới 231.000.000%. Đồng tiền của nước này có mệnh giá lên tới 100.000 tỷ đôla Zimbabwe, nhưng chỉ tương đương 40 cent Mỹ vào lúc nó bị sụp đổ. Siêu lạm phát kết thúc khi đồng đôla Zimbabwe bị loại bỏ hoàn toàn để được thay thế bởi một hệ thống đa tiền tệ với đồng đôla Mỹ chiếm ưu thế.

Việc ông Mugabe tìm cách đưa vợ là bà Grace Mugabe - một phụ nữ đầy tham vọng, trở thành người kế nhiệm, đã gây ra nhiều tranh cãi và vấp phải sự bất mãn của không ít thành viên trong đảng ZANU-PF. Sự kiện Phó Tổng thống Mnangagwa bị cách chức có thể xem là "giọt nước tràn ly" khiến cho quân đội phải ra tay can thiệp vào đêm 14/11 để tránh cuộc đấu đá trong nội bộ đảng cầm quyền vượt quá giới hạn.

Ông Mnangagwa cùng với Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga đều là những thành viên trong nhóm những người khá thân cận với ông Mugabe kể từ khi đất nước được giải phóng. Ông Mnangagwa, 75 tuổi, đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ như Bộ trưởng An ninh, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Tư pháp...

Ông được coi là vị trí trung tâm trong mạng lưới kết nối quân đội, cơ quan tình báo và đảng cầm quyền. Ông đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ quân đội và giới tinh hoa Zimbabwe trong việc tiếp quản chức vụ tổng thống. Đối với hầu hết người dân Zimbabwe, điều họ muốn ở tân Tổng thống Mnangagwa lúc này là xây dựng lại nền kinh tế, giúp Zimbabwe bước vào “kỷ nguyên mới” không còn đói nghèo và đau khổ. Việc chuyển giao quyền lực từ ông Mugabe sang ông Mnangagwa có thể đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng và tích cực để đưa Zimbabwe quay trở lại thời kỳ là "vựa lúa mì" của châu Phi, thông qua các chính sách kinh tế phù hợp và thu hút đầu tư của nước ngoài.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mong muốn trên, tân Tổng thống Mnangagwa sẽ phải đối mặt với vô số thách thức, như những nghi ngờ về năng lực lãnh đạo của ông sau gần 4 thập kỷ "dưới bóng" ông Mugabe. Ông Mnangagwa cũng sẽ vấp phải rào cản từ đảng đối lập Phong trào vì sự thay đổi Dân chủ (MDC) đang ngày càng mạnh lên. Cho dù các nhà chính trị thuộc đảng MDC, đứng đầu là ông Morgan Tsvangirai, chấp nhận cuộc chuyển giao quyền lực này trong đảng cầm quyền ZANU-PF, song họ yêu cầu phải thực hiện quyền dân chủ để tiến tới một cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.

Thời gian tiến tới cuộc bầu cử tổng thống không còn nhiều, vì thế, ông Mnangagwa phải nhanh chóng sốc lại nội bộ vốn bị chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái trong ZANU-PF, ổn định tình hình đất nước và đề ra con đường mới nhằm đem lại sự phát triển cho đất nước.

Trần Thanh Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-chuyen-giao-quyen-luc-em-tham-o-zimbabwe-20171124180345843.htm