'Cuộc đại tu' trong ngành y ở EU

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố dự thảo luật cải tổ dược phẩm. Đây được xem là thay đổi lớn nhất đối với ngành y tế của EU trong 20 năm qua, mở ra cơ hội để người dân tiếp cận thuốc mới dễ dàng hơn với giá thấp hơn.

Phòng kiểm tra sản phẩm của một công ty dược ở Pháp

Phòng kiểm tra sản phẩm của một công ty dược ở Pháp

Dự kiến, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên EU sẽ thông qua dự luật trong thời gian tới. Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides ngày 27-4 trao đổi với các phóng viên sau khi công bố dự thảo nhấn mạnh đây là “cuộc đại tu” lớn nhất đối với các luật y tế hiện hành trong hai thập kỷ, nhằm đảm bảo tất cả người dân châu Âu được tiếp cận với cả phương pháp điều trị mới và thuốc đặc trị, đồng thời chấm dứt sự khác biệt lớn về khả năng tiếp cận và giá cả giữa các quốc gia.

Theo dự luật, EC đề xuất cắt giảm thời hạn độc quyền thị trường cơ bản từ 10 năm xuống còn 8 năm với thuốc đặc trị. Bà Kyriakides cho biết dự luật mới sau khi được thông qua sẽ tăng khả năng tiếp cận các loại thuốc mới cho thêm 70 triệu công dân so với hiện nay. Theo bà Kyriakides, EC hy vọng những cải cách sẽ tạo ra một thị trường châu Âu duy nhất về dược phẩm, đồng thời duy trì sức hấp dẫn của châu Âu đối với nhà đầu tư dược phẩm, EC cũng đề ra biện pháp buộc các công ty phải minh bạch hơn về lượng thuốc dự trữ để đề phòng sự thiếu hụt trong một số trường hợp cấp bách, nhất là khi xảy ra dịch bệnh.

Các cải cách cũng nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng thiếu thuốc như đã xảy ra trong mùa đông năm nay với các loại kháng sinh quan trọng bằng cách yêu cầu các công ty thông báo sớm hơn cho EU về các vấn đề nguồn cung. Bên cạnh đó, dự luật quy định các công ty có trách nhiệm giúp EU đẩy nhanh thời gian cần thiết để các phương pháp điều trị mới được phê duyệt sớm.

Một thách thức khác cần giải quyết là làm sao chống lại xu hướng kháng thuốc của vi khuẩn đối với các loại kháng sinh hiện có. Vấn đề này dẫn đến 35.000 ca tử vong mỗi năm ở EU. Bởi vì thuốc kháng sinh được dùng với liều lượng vừa phải nên ít sinh lợi hơn cho các công ty dược phẩm so với các loại thuốc đặc trị. Hầu như không có loại kháng sinh mới nào được sản xuất trong 20 năm qua. Để giải quyết tình trạng này, EC đang xem xét quy chế cho phép khuyến khích các công ty tìm ra một loại kháng sinh mới, hiệu quả với thời gian áp dụng độc quyền kéo dài hơn. Theo Liên minh Y tế công cộng châu Âu (EPHA), đây là thắng lợi lớn cho người dân trên khắp EU vì những thay đổi này khá là “hào phóng” đối với ngành công nghiệp dược.

Hiện tại, bệnh nhân ở các nước Đông Âu nghèo hơn thuộc EU chỉ nhận được các loại thuốc mới nhiều năm sau các bệnh nhân phương Tây. Các đề xuất mới muốn thay đổi điều đó bằng cách rút ngắn 2 năm thời gian mà các loại thuốc mới phải có mặt trên thị trường trước Đông Âu. Điều này có thể giảm lợi nhuận của các công ty dược phẩm và gây tranh cãi gay gắt nhất. Một số công ty dược lớn như Bayer và các công ty công nghệ sinh học cho biết, cải cách sẽ khiến châu Âu thiếu vốn đầu tư vào các phương pháp điều trị mới nhất. Theo Giám đốc điều hành của Novo Nordisk, ông Lars Fruergaard, dự thảo cải tổ luật dược phẩm triệt tiêu sự đổi mới và khả năng cạnh tranh về dược ở châu Âu. Đại diện Công ty GSK cho rằng EU phải điều chỉnh giữa công bằng và cạnh tranh, nếu không, các công ty có quyền đưa vốn và nguồn lực đến nơi khác.

HUY QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuoc-dai-tu-trong-nganh-y-o-eu-post687533.html