Cuộc đấu không cân sức

Ở nước Mỹ hiện tại có khoảng 55 đảng phái chính trị được liệt vào diện với tên gọi 'đảng thứ ba', tức là những đảng phái chính trị ngoài đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Xưa nay, những đảng thứ ba này có thể gây ồn ào chính trị nội bộ nhất định nhưng chưa từng lần nào trở thành đảng cầm quyền ở nước Mỹ.

Vừa đây, tỷ phú Elon Musk thành lập đảng thứ ba mới nữa, với tên gọi là đảng Nước Mỹ.

Nếu người thành lập đảng thứ ba mới này ở nước Mỹ không phải là ông E.Musk thì chắc chắn chuyện này không được quan tâm đến nhiều ở trong cũng như ngoài nước Mỹ. Mặt khác, do đặc thù và thực tiễn pháp lý và chính trị, xã hội và lịch sử liên quan đến bầu cử ở nước Mỹ, khiến cho các đảng thứ ba ở nước Mỹ cho đến nay không thể trở thành kỳ phùng địch thủ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong tất cả các cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội.

Rào cản và trở ngại về pháp lý cũng như hành chính rất phức tạp và khó có thể đáp ứng được hoàn toàn, trong khi tâm lý cử tri ở Mỹ thiên về cân đong đo đếm giữa hai đảng phái chính trị lớn nhất. Mọi ý tưởng, chủ đề nội dung vận động tranh cử thức thời và sáng giá của các đảng thứ ba luôn bị hai đảng lớn kia sao chép biến thành của họ. Vì thế, các đảng thứ ba thường không thành công hoặc chỉ thành công ở phạm vi địa giới hành chính rất hẹp.

Việc ông E.Musk thành lập đảng phái chính trị mới ở Mỹ được để ý đến vì danh tiếng cá nhân của người này và vì mối quan hệ cá nhân giữa vị tỷ phú với Tổng thống Mỹ Donald Trump thuộc phe đảng Cộng hòa. Ông E.Musk là người phê phán và phản đối mạnh mẽ nhất đạo luật "to và đẹp" của ông D.Trump.

Còn ông D.Trump thể hiện thái độ bằng việc chế nhạo ông E.Musk, cho rằng người này đã đi lầm đường và lạc lối. Nhưng trước đấy, họ từng thân thiết nhau như người thân trong gia đình, từng chia sẻ lý tưởng và ý thức hệ, từng cùng nhau cầm quyền ở nước Mỹ, sau khi ông E.Musk đã đóng vai trò rất quyết định giúp ông D.Trump có thể trở lại cầm quyền ở nước Mỹ.

Thân nhau lắm nên khi chuyển sang "cắn lẫn nhau" thì gây đau đặc biệt lớn. Cho nên không khó để có thể nhận thấy việc ông E.Musk thành lập đảng phái chính trị mới ở Mỹ trước hết là vì thất vọng và không hài lòng về sự phản bội của ông D.Trump đối với lý tưởng mà hai người đã từng cùng chia sẻ, tâm đắc và theo đuổi. Tên đảng của ông E.Musk là đảng Nước Mỹ chẳng phải ẩn chứa nội hàm cốt lõi của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của ông D.Trump hay sao. Cũng dân túy và dân tộc chủ nghĩa tương tự. Đảng Nước Mỹ không đe dọa được quyền lực của tổng thống đương nhiệm nhưng gây tổn hại cho thể diện và uy danh của ông D.Trump ở Mỹ và cạnh tranh quyết liệt với phong trào "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) của ông D.Trump.

Lợi thế của ông E.Musk là tài chính mạnh và danh tiếng cá nhân ở trong cũng như ngoài nước Mỹ. Nhưng bài học mà người này chắc đã rút ra được và thấm thía từ mối quan hệ với ông D.Trump và sự đổ vỡ của nó là tiền của và danh tiếng có thể làm nên sự nghiệp chính trị ở nước Mỹ nhưng phải trực tiếp làm chính trị thì mới có phần và mới chi phối được cuộc chơi chính trị quyền lực ở nước Mỹ.

Cụ thể ở đây là nhận thức phải làm chính trị để dùng chính trị điều chỉnh những người nắm quyền lực chính trị ở nước Mỹ như ông D.Trump hiện tại. Nhưng cho dù ông E.Musk có nhiều lợi thế riêng rất đáng kể, cuộc đấu giữa đảng Nước Mỹ với hai đảng lớn kia và giữa ông E.Musk với ông D.Trump vẫn là cuộc đấu không cân sức.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cuoc-dau-khong-can-suc-708358.html